Điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024: Quy định rõ thế nào là đất trồng lúa
So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 có bổ sung nhiều nội dung quan trọng về đất trồng lúa. Trong đó, Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ thế nào là đất trồng lúa.
Cụ thể, khoản 1, Điều 182 Luật Đất đai 2024 quy định rõ: "Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 2 vụ lúa trở lên". Như vậy, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa (đất trồng từ 2 vụ lúa trở lên) và đất trồng lúa còn lại (đất trồng 1 vụ lúa).
Trước đây, quy định thế nào là đất trồng lúa không được nêu rõ trong luật, mà được quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo quy định tại nghị định này, đất trồng lúa là đất có điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước (đất trồng từ 2 vụ lúa nước trở lên trong năm) và đất trồng lúa khác. Đất trồng lúa khác bao gồm đất trồng lúa nước còn lại (trồng được 1 vụ lúa nước trong năm) và đất trồng lúa nương.
Luật Đất đai 2024 quy định rõ thế nào là đất trồng lúa một mặt để thể chế hóa những quy định trong văn bản dưới luật nhưng đã đủ rõ, đủ "chín", thực tiễn áp dụng không phát sinh vướng mắc. Đây là giải pháp hạn chế tình trạng luật khung, luật ống. Mặt khác, đất trồng lúa đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, nên được Nhà nước bảo vệ rất nghiêm ngặt. Muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa phải tuân theo quy trình rất chặt chẽ và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Quy định rõ thế nào là đất trồng lúa là cách để hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, bảo vệ diện tích đất trồng lúa.
Về trách nhiệm của Nhà nước, Luật Đất đai 2024 kế thừa quy định của Luật Đất đai 2013, nhưng có sự thay đổi về vị trí. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học-công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao được đưa lên hàng đầu cho thấy sự ưu tiên trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả trồng lúa. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trước đây được đưa lên hàng đầu, nay được đưa xuống dưới. Điều này là hợp lý, bởi khi năng suất trồng lúa được nâng lên thì với diện tích trồng lúa ít hơn, chúng ta vẫn bảo đảm được an ninh lương thực và các mục tiêu dài hạn khác. Điều đó giúp giảm áp lực bảo vệ đất trồng lúa, nhất là với đất trồng lúa thuộc diện bạc màu, chỉ trồng được 1 vụ mỗi năm có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.