'Điểm nghẽn thể chế' và áp lực cải cách

Ở cương vị Tổng Bí thư, bài phát biểu của ông là hồi chuông thúc giục, là mệnh lệnh không thể chần chừ, là ngọn cờ để chúng ta bắt tay thực thi, hành động.

Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương về bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10 vừa qua.

Bài phát biểu hiếm có trong lịch sử

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội là điều hiếm có trong lịch sử. Ông đã chỉ ra những điểm nghẽn cốt tử trong hệ thống pháp luật và đặt yêu cầu rất chính xác, khúc chiết, mạch lạc và không rào đón về áp lực cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ở cương vị Tổng Bí thư, bài phát biểu của ông là hồi chuông thúc giục, là mệnh lệnh không thể chần chừ, là ngọn cờ để chúng ta bắt tay thực thi, hành động.

Ông khẳng định, thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Ông nhấn mạnh khâu thực thi pháp luật là “yếu”, chưa khơi thông nguồn lực trong dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Lâu nay chúng ta hầu như chỉ nghe thấy những đánh giá về hệ thống pháp luật của chúng ta đã tốt, chỉ có thực thi không tốt. Vì thế, đánh giá của Tổng Bí thư là thẳng thắn, khác biệt với những đánh giá trước đây.

Ông khẳng định “thẳng thắn nhìn nhận” là rất thực tiễn vì chỉ có đánh giá đúng sự thật mới có thể tháo gỡ đúng điểm nghẽn, mới đưa ra được giải pháp chính xác.

Trong bài phát biểu, ông nói rõ đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ. Như vậy, Tổng Bí thư đã nói thẳng thắn trách nhiệm đầu tiên là của Quốc hội.

Từ những đánh giá chính xác về tình hình xây dựng thể chế hiện nay, Tổng Bí thư đưa ra những yêu cầu, chỉ đạo, giải pháp hoàn toàn hợp lí và đúng đắn.

Đổi mới tư duy

Thứ nhất, ông chỉ đạo đổi mới tư duy. Ông nhấn mạnh phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Luật pháp, đặc biệt là luật kinh tế, phải tạo cơ hội cho sự phát triển, phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực chứ lâu nay luật chỉ thiên về quản lí và kiểm soát.

Ông yêu cầu: dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Chính tư duy “không quản được thì cấm” đã biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như điều kiện kinh doanh, các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất vô lý, không thể thực thi được, hạn chế sức sáng tạo và triệt tiêu cơ hội phát triển. Tư duy đó còn thể hiện rõ trong vấn đề kiểm soát giá điện, giá xăng dầu.

Chỉ khi đổi mới tư duy mới có hành động đổi mới. Cải cách, nâng cao chất lượng pháp luật theo hướng tư duy này là hoàn toàn chính xác.

Thứ hai, Tổng Bí thư đã chỉ đạo đổi mới về nội dung thể chế: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Trong nhiều thập kỷ nay, những cải cách trong kinh tế ở Việt Nam luôn xuất phát từ thực tiễn ở địa phương nhưng đến nay gần như các địa phương trở nên thụ động, không dám phát triển như trước. Vì vậy, luật cần khuyến khích sự năng động, sáng tạo ở các địa phương vì chính họ hiểu nhu cầu thực tiễn của mình.

TS. Nguyễn Đình Cung: "Tổng Bí thư đã chỉ ra những điểm nghẽn cốt tử trong hệ thống pháp luật và đặt yêu cầu rất chính xác về áp lực cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam". Ảnh: Quochoi.vn

TS. Nguyễn Đình Cung: "Tổng Bí thư đã chỉ ra những điểm nghẽn cốt tử trong hệ thống pháp luật và đặt yêu cầu rất chính xác về áp lực cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam". Ảnh: Quochoi.vn

Trong phân cấp, phân quyền cần xác định vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường. Các nghị quyết luôn nhấn mạnh yêu cầu phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất nhưng trong thực thi thì khác. Nguồn lực đất đai, tài nguyên, vốn, giá cả… vẫn được phân bổ theo mệnh lệnh hành chính hơn là cơ chế thị trường. Đây là một trong những điểm cốt tử trong tiến trình cải cách ở Việt Nam.

Thứ ba, Tổng Bí thư chỉ đạo Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp.

Quy trình làm luật của chúng ta hiện nay rất cứng nhắc, hình thức, tưởng là tốt. Về hình thức là các bộ quản lý ngành soạn thảo luật nhưng trên thực tế là các vụ chuyên môn soạn thảo. Quy trình làm luật lại khép kín là chính, không lấy ý kiến đầy đủ các bên liên quan. Chính cơ quan soạn thảo lại đánh giá tác động.

Trong giai đoạn 2000-2007, trước khi Việt Nam gia nhập WTO, công việc xây dựng pháp luật rất khác. Các dự thảo được tham vấn, đánh giá thường xuyên bởi nhiều bên. Luật Doanh nghiệp 2000 là một ví dụ.

Hiện nay rất cần một hoặc nhiều tổ chức bên ngoài, độc lập với cơ quan soạn thảo để đánh giá chính xác và khách quan. Đây chính là giải pháp giúp đảm bảo, nâng cao chất lượng của luật pháp. Nghĩa là, bây giờ phải thay đổi quy trình làm luật.

Thứ tư, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát quyền lực. Tôi cho rằng, phải có tham vấn nhiều thì mới kiểm soát được quyền lực. Hiện nay, luật có xu hướng được xây dựng trong phòng kín thì không thể kiểm soát được. Chính sự tham vấn, đánh giá độc lập, khách quan là công cụ tốt nhất để kiểm soát quyền lực.

Cuối cùng, Tổng Bí thư chỉ đạo: Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…), tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.

Lâu nay không cơ quan nào chủ động xây dựng luật pháp cho những vấn đề mới cả. Không ai làm, không ai dám làm, kể cả thử nghiệm sand-box. Trong nhiều trường hợp, có luật lại kìm hãm hơn là kiến tạo thúc đẩy phát triển để tương thích với xu thế của thế giới.

Vậy chúng ta bắt đầu hành động từ đâu?

Chúng ta hãy bắt đầu từ câu nói của Tổng Bí thư “đứng trên mảnh đất của thực tiễn Việt Nam” mà xử lý các vướng mắc thể chế kinh tế.

Điểm nghẽn đầu tiên cần tháo gỡ là khơi thông, cởi trói cho hàng nghìn dự án đang treo trên khắp cả nước mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị tháo gỡ. Các dự án này có thể là các vật chứng của các vụ án hay hàng nghìn dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân đang bị tắc nghẽn do pháp luật chồng lấn, không tương thích.

Bên cạnh đó là tập hợp các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh mà các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều năm nay mà không có phản hồi.

Chỉ cần tháo vài dự án, vài vụ việc cụ thể là gửi đi thông điệp mạnh mẽ cho giới đầu tư đang xuống tinh thần, để lấy lại niềm tin của họ.

Tiếp theo, tập trung xây dựng thể chế để phát triển 5 thị trường nhân tố sản xuất để nguồn lực được phân bổ theo cơ chế thị trường và tôn trọng các quy luật giá trị. Khuyến khích, bảo vệ sự sáng tạo ở địa phương.

Tôi cho rằng, các quả ngọt dễ hái của Đổi mới đã hết, nhưng không gian và cơ hội phát triển của chúng ta vẫn còn rất nhiều. Chúng ta có nguồn lực, có năng lực, có động lực, chẳng qua là đang thiếu áp lực mà thôi.

Nhưng Tổng Bí thư đã nói: “Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội”.

Đánh giá như vậy của ông rất thẳng thắn và xác đáng, đúng và trúng tình hình hiện nay. Đây chính là áp lực cần thiết cho sự thay đổi!.

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/diem-nghen-the-che-va-ap-luc-cai-cach-2334875.html