Điểm nhấn khác biệt của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide

Sau đúng 1 tháng kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhậm chức, phong cách lãnh đạo của ông đã phần nào được định hình, cho thấy một hình ảnh Thủ tướng nhiệt huyết và đầy quyết tâm.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: Nikkei Asia)

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: Nikkei Asia)

Sát sao với công việc

Theo báo Yomiuri, mỗi lần gọi các bộ trưởng dưới quyền đến để đưa ra ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Suga có giải thích rằng hành động của ông là để phá vỡ sự phản kháng đối với công việc chung.

Thủ tướng Suga cũng trực tiếp trao đổi ý kiến với giới học giả, giới kinh tế để đưa ra các ý kiến chỉ đạo về việc thành lập cơ quan chuyển đổi kỹ thuật số, hạ giá cước điện thoại di động hay áp dụng phạm vi bảo hiểm cho những người điều trị vô sinh. Thủ tướng Suga chọn lựa các chính sách gần và sát sườn với lợi ích của người dân.

Một đặc trưng khác là tốc độ giải quyết công việc. Thủ tướng Suga thường xuyên xác nhận tiến triển trong công việc đối với các bộ trưởng dưới quyền. Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono ngày 14/10 dù có phàn nàn rằng Thủ tướng Suga là người hay giục giã, tuy nhiên cũng đồng tình cho rằng điều cần thiết hiện nay là đẩy nhanh mọi quá trình xử lý công việc.

Điều này xuất phát từ việc Thủ tướng Suga mong muốn nhanh chóng đạt được kết quả thực tế để vững vàng hơn trong điều hành chính quyền.

Thủ tướng Suga đã cho thành lập Hội đồng chiến lược tăng trưởng mới, tuy nhiên hạ cấp cơ quan này khi người đứng đầu không còn là thủ tướng mà chỉ là chánh văn phòng nội các. Cơ quan này sẽ tiến hành thảo luận cụ thể các chính sách, đường hướng được Hội đồng cố vấn chính sách kinh tế đưa ra, một hội đồng có cả các chuyên gia không phải là quan chức chính quyền.

Sáng suốt trước những thử thách

Thử thách thực sự đầu tiên với Thủ tướng Suga sẽ xuất hiện từ ngày 26/10, thời điểm kỳ họp bất thường của Quốc hội được triệu tập. Thời điểm sau khi thành lập chính quyền, tỷ lệ ủng hộ chính quyền Suga rất cao, ở mức trên 70%.

Mới đây, Thủ tướng Suga từ chối bổ nhiệm 6 thành viên của Hội đồng học thuật. Thủ tướng Suga không có ý định giải thích lý do từ chối bổ nhiệm với từng trường hợp trước các ý kiến trái chiều, thay vào đó ông nêu ra tính cấp thiết phải cải tổ lại Hội đồng học thuật. Thủ tướng Suga vẫn rất kiên quyết, cho biết sẽ cùng tranh luận vấn đề này tại Quốc hội. Như vậy, đây sẽ là cuộc tranh luận đầu tiên của Thủ tướng Suga tại Quốc hội sau khi nắm quyền.

Kết quả tranh luận xung quanh đến vấn đề này cũng có ảnh hưởng tới kế hoạch giải tán Hạ viện và tiến hành bầu cử lại. Hiện nội bộ đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) dự đoán rằng nếu vượt qua kỳ họp đầu tiên thì Thủ tướng Suga sẽ giải tán Hạ viện ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thường kỳ Quốc hội diễn ra vào tháng 1/2021. Một nghị sĩ LDP cho biết đây là việc nên làm trong thời điểm tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Suga cao.

Nếu Nhật Bản khống chế được dịch Covid-19, đi cùng với đó là phục hồi nền kinh tế sẽ dẫn tới việc tổ chức thành công Olympic Tokyo.

Đây là những mục tiêu mà chính quyền ông Suga đang hướng tới. Do đó cũng có không ít ý kiến cho rằng thời điểm hợp lý cho việc giải tán Hạ viên, bầu cử lại là vào mùa Thu năm 2021, thời điểm khi mà chính quyền đã đạt được một số thành quả nhất định như mục tiêu trên.

(theo Yomiuri, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/die-m-nha-n-kha-c-bie-t-cu-a-thu-tuong-nhat-ban-suga-yoshihide-126382.html