Điểm nhấn quy hoạch thị trấn Kim Tân
Những năm qua, tốc độ phát triển, xây dựng thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) ngày càng cao. Sau khi sáp nhập toàn bộ 9,27 km2 diện tích tự nhiên, 6.573 người của xã Thành Kim vào thị trấn Kim Tân đã làm tăng diện tích, quy mô dân số và các nhu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội đô thị cũng như quản lý của chính quyền đô thị... trong khi phát triển hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đồng thời, việc sáp nhập đơn vị hành chính đã đặt ra yêu cầu lập lại quy hoạch chung đô thị, nhằm xác định các yếu tố quan trọng trong xây dựng và phát triển đô thị nói chung và thị trấn Kim Tân nói riêng.
Đầu tư sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 45 đoạn qua thị trấn Kim Tân.
Đứng trước những định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh, của huyện Thạch Thành, thì rất cần điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Kim Tân nhằm khai thác tối đa điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển để bố trí các khu chức năng đô thị, các trung tâm dịch vụ thương mại, các khu du lịch nhằm đưa thị trấn Kim Tân trở thành trung tâm giao thương của vùng huyện Thạch Thành, trung tâm điều hành, hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch tiểu vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hóa. Tôn trọng và kế thừa hạt nhân hợp lý của các quy hoạch đã được phê duyệt cũng như của các dự án đã được cấp phép đầu tư trong khu vực lập quy hoạch. Chỉnh trang, cải tạo các khu dân cư đã có, các cụm dân cư làng, bản truyền thống trên cơ sở đầu tư cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nhằm từng bước hình thành bộ mặt đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại V. Lựa chọn quỹ đất thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đô thị bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đô thị loại V. Đây cũng là tiền đề pháp lý quan trọng cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị bảo đảm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương. Chính vì vậy việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Kim Tân là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Dự báo đến năm 2035, tổng số lao động trong độ tuổi tại thị trấn Kim Tân là 8.700 người, số lao động có việc làm thường xuyên 8.439 người, chiếm tỷ lệ 97%; trong đó, lao động tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp 1.305 người, chiếm 15%; lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 3.045 người, chiếm 35%; lao động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ 4.350 người, chiếm 50%. Khu vực nghiên cứu để lập quy hoạch thị trấn Kim Tân nằm phía Nam sông Bưởi; phía Đông và phía Nam có địa hình đồi núi, phía Tây và phía Bắc nằm 2 bên sông Bưởi có địa hình đồng bằng thấp trũng, có đê tả và đê hữu sông Bưởi bao quanh, là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Ngoài khu vực thị trấn đã xây dựng, phần còn lại chủ yếu là ruộng đất và làng xóm phân tán. Đến nay, trên diện tích thị trấn, các khu vực nhà ở đã được xây dựng tương đối kín; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được xây dựng đồng bộ... Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, thị trấn Kim Tân cần tiến hành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện tại, điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông. Khu vực thị trấn Kim Tân cũ cũng đã có quy hoạch chung, nhưng có thể điều chỉnh, do quy mô mở rộng nhiều ra phía Nam (xã Thành Kim cũ) và dịch chuyển vị trí tuyến đường tránh đô thị về phía Nam. Khu vực thuộc xã Thạch Định cập nhật vào quản lý quy hoạch, nằm ngoài ranh giới hành chính. Tính chất đô thị Kim Tân là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật của huyện Thạch Thành; là đầu mối giao thông, giao thương quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng huyện Thạch Thành; trung tâm điều hành, hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ, du lịch tiểu vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hóa. Tuân thủ theo định hướng quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thạch Thành nằm trong trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh (Bỉm Sơn - Thạch Thành), trên các hành lang kinh tế Quốc lộ 217B và đường Hồ Chí Minh. Chức năng vùng huyện Thạch Thành là vùng phát triển nông, lâm nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao. Là vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu về nông, lâm nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng. Là vùng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, du lịch cộng đồng. Xác định là trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ là chính; quy mô tăng trưởng dân số và diện tích đô thị kế thừa các quyết định và quy hoạch cũ. Đồng thời, cần có quỹ đất dự trữ để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làm động lực tăng trưởng đô thị. Cần bảo đảm các yếu tố sinh thái, tự nhiên môi trường, cảnh quan, để làm nền tảng cho phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt, an toàn cho người dân và điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, du khách và dân cư tương lai. Tái cấu trúc sử dụng đất đô thị, nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất. Tạo cấu trúc không gian đô thị giàu bản sắc, kết nối hợp lý giữa đô thị mới và đô thị cũ. Cung cấp hạ tầng xã hội, hành chính đô thị với quy mô mới, xứng tầm với một đô thị lớn hơn, hiện đại hơn và làm trung tâm một tiểu vùng của tỉnh. Tổng diện tích nghiên cứu để lập quy hoạch 1.232 ha, trong đó, tổng diện tích đô thị 1.079.6 ha; dân cư dự báo đến năm 2030 là 22.500 người, có 13 khu dân cư, dân số tăng thêm so với hiện nay là 11.024 người. Các khu vực mặt nước được khơi dòng liên kết với nhau tạo thành một mạng lưới đổ về sông Bưởi nhằm mục đích thoát nước cho toàn bộ đô thị. Dòng nước được bảo vệ bởi các hành lang xanh xuyên suốt và được liên kết với công viên trung tâm. Nông nghiệp đô thị góp phần tạo cảnh quan hấp dẫn cho du lịch, là không gian trống để thư giãn cho người dân đô thị, đồng thời, cung cấp thực phẩm sạch, tươi, chất lượng cao cho người dân. Đây cũng là nơi giúp thoát nước, trữ nước chống ngập úng cho đô thị mỗi khi hệ thống kênh mương quá tải. Dành đất xây dựng một công viên trung tâm ở khu đô thị mới, ven đường tránh đô thị và đây vừa là điểm vui chơi giải trí, vừa là trung tâm hoạt động thể dục thể thao, văn hóa xã hội. Xung quanh khu vực công viên này là vùng trung tâm đô thị mới, với các loại hình thương mại - dịch vụ, không gian xây dựng công cộng. Giao thông nội thị chính gồm 5 trục dọc và 3 trục ngang tạo thành mạch giao thông khép kín toàn bộ đô thị. Điểm giao nhau giữa đô thị sinh thái và đô thị bám đường giao thông tạo ra các nút giao thông nơi tập trung đông dân cư nhất trong toàn bộ đô thị; từ đó ta có thể tạo ra các cụm công trình công cộng xung quanh khu vực này.
Vùng phát triển du lịch sinh thái được phát triển về phía Đông, phía Bắc, gắn với 2 hồ Đồng Sung và Mẫu Ngôn. Dành vùng đất trống, ruộng hiện nay về phía Tây Nam, giữa tuyến Quốc lộ 45 và đường tránh phía Bắc để phát triển tiểu thủ công nghiệp. Về quy hoạch phát triển giao thông, Quốc lộ 45 là tuyến đường cấp III, mặt cắt rộng 22m, mặt đường 12m, vỉa hè 2x5m. Trong đó, đoạn qua trung tâm hành chính huyện, dài 717m, mặt cắt 32,5m, mặt đường 2x10,5m, dải phân cách 1,5m + hè 2x5m... Đường tỉnh 516B cũ, giai đoạn đến 2035 đầu tư nâng cấp, mở rộng đường cấp III, mặt cắt rộng 25m, mặt đường 15m, hè 2x5m; sau năm 2035 đầu tư nâng cấp, mở rộng đường cấp III, mặt cắt rộng 42m, mặt đường 15m + 2x7,5m, phân cách 2m + hè 2x5m và là đường giao thông chính đô thị.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/diem-nhan-quy-hoach-thi-tran-kim-tan/179181.htm