Điểm nhấn trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy

Công tác cán bộ và tổ chức bộ máy được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Sau nửa nhiệm kỳ triển khai, nhiệm vụ này đang thực sự trở thành 1 khâu đột phá quan trọng, mở ra nhiều cánh cửa phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội ở địa phương.

Lãnh đạo xã Tam Quan, huyện Tam Đảo kiểm tra hồ sơ đảng viên. Ảnh Dương Hà

Lãnh đạo xã Tam Quan, huyện Tam Đảo kiểm tra hồ sơ đảng viên. Ảnh Dương Hà

Thực hiện giải pháp đột phá về công tác cán bộ, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 06/2021); đồng thời, ban hành nhiều kế hoạch để triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy như kế hoạch triển khai Nghị quyết số 10/2019 của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài giai đoạn 2020-2025, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy, kế hoạch triển khai Đề án số 05, 06 ngày 5/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy… và phê duyệt một số đề án đột phá về công tác cán bộ khối nhà nước, đề án về nâng cao văn hóa công vụ…

Thực hiện khâu đột phá “Tăng cường phân cấp, phân quyền, giao quyền lực và giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm giải trình để kiểm soát”, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/2022 quy định về quản lý, phân cấp tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh. Trong đó, có nhiều nội dung đã thực hiện phân cấp cho thủ trưởng các sở, ngành sâu hơn so với các quy định trước đây như thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ; thẩm quyền giải quyết chế độ, chính sách.

Hiện UBND tỉnh giao Sở Nội vụ xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (dự kiến có 14 lĩnh vực phân cấp với khoảng 28 nội dung), báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp giữa năm 2023 để tổ chức thực hiện.

Công tác đánh giá cán bộ bằng “sản phẩm”, coi kết quả đánh giá cán bộ là tiêu chí quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch, điều động, bổ nhiệm đã và đang được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng chủ trương.

Từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện cơ chế thí điểm giao nhiệm vụ đánh giá cán bộ, công chức bằng sản phẩm là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó lựa chọn một số nhiệm vụ có tính chất khó khăn, phức tạp, có tính chất bao quát, tổng thể, mũi nhọn; đồng thời, xác định những nhiệm vụ đang là điểm nghẽn của ngành, của địa phương cần phải đột phá để giao nhiệm vụ cho người đứng đầu thực hiện và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao phải được thể hiện bằng sản phẩm, chỉ tiêu, số lượng cụ thể và có kiểm chứng. Tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ được giao là căn cứ để đánh giá, xếp loại theo mức độ hoàn thành cuối năm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị ban hành quy chế đánh giá, xếp loại theo quý, đánh giá bằng sản phẩm, theo tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc thù của từng cơ quan để đảm bảo đánh giá thực chất, khách quan; công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.

Gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; coi trọng phát huy trách nhiệm người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ và mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị; ban hành kế hoạch tổ chức tự đào tạo, bồi dưỡng và tự kiểm tra, sát hạch kiến thức chuyên môn nghiệp vụ định kỳ mỗi năm 1 lần cho đối tượng là cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chuyên môn.

Kết quả kiểm tra là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại và thực hiện công tác cán bộ. Sau 2 năm thực hiện các giải pháp đột phá về đánh giá, xếp loại cán bộ đã chứng minh việc giao nhiệm vụ và đánh giá bằng “sản phẩm” có tín hiệu rất tích cực, một số điểm nghẽn của ngành được tháo gỡ, có những nhiệm vụ khó, phức tạp nhiều năm không thực hiện nhưng khi giao nhiệm vụ đã tạo một phần áp lực cần thiết cho cán bộ phải tìm tòi giải pháp, sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ, khắc phục được tình trạng chậm đổi mới trong tham mưu nhiệm vụ.

Các cơ quan, đơn vị phải đánh giá cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất, khách quan, có sản phẩm minh chứng cụ thể, rõ ràng, tránh được tình trạng đánh giá theo cảm tính, nể nang, bình quân chủ nghĩa, kết quả đánh giá khách quan, thể hiện được tính đa chiều trong đánh giá, xếp loại.

Thực hiện chủ trương đề bạt, sử dụng người có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không bổ nhiệm, sắp xếp, điều chuyển, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, năng lực hạn chế, uy tín thấp, UBND tỉnh đã ban hành đề án và kế hoạch đột phá công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị khối nhà nước giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, tiếp tục thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo, nhất là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp; đổi mới công tác quy hoạch cán bộ theo hướng thực chất; mạnh dạn đưa vào quy hoạch chức danh cán bộ chủ chốt các cấp những cán bộ trẻ, có phẩm chất, đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, khẳng định được năng lực qua thực tiễn công tác.

Kiên quyết không xem xét, đề bạt, bổ nhiệm đối với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn điều kiện; quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ theo đúng quy định; đặc biệt kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tập trung, thiếu quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tín nhiệm thấp, dĩ hòa vi quý, bè cánh gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm nhưng chưa đến mức kỷ luật, không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Đội ngũ cán bộ được xây dựng cả về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn. Sau 11 năm không tổ chức kỳ thi tuyển công chức, vừa qua UBND tỉnh đã tổ chức kỳ thi thành công, được đánh giá mang tính đổi mới, chất lượng tuyển dụng được nâng cao rõ rệt; đồng thời tiếp tục tổ chức tuyển dụng, tiếp nhận đối với nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị định 140/2017 của Chính phủ, Nghị quyết số 06/2020 của HĐND tỉnh.

Để nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính văn hóa công sở và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các chỉ thị tăng cường thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức; ban hành quy chế văn hóa công vụ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; phê duyệt Đề án nâng cao văn hóa công vụ giai đoạn 2022-2025 và chỉ đạo mở 4 lớp bồi dưỡng văn hóa công vụ cho 600 cán bộ, công chức, viên chức các cấp.

Nhìn chung, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy đã và đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả thông qua việc triển khai thống nhất, bài bản, có chương trình, kế hoạch, nội dung, lộ trình cụ thể gắn với trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Nhờ vậy, đây thực sự là 1 trong 3 khâu đột phá quan trọng, hứa hẹn mở ra nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94881//diem-nhan-trong-cong-tac-can-bo-va-to-chuc-bo-may