Điểm nhấn trong Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Ấn Độ

Sự hiện diện của quan chức ngoại giao Nga và Trung Quốc cùng vấn đề Ukraine là điểm đáng chú ý trong Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Ấn Độ.

Tổ chức thành công Hội nghị Ngoại trưởng G20 trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine ‘chiếm sóng’ là thử thách không nhỏ với Ấn Độ. (Nguồn: AP)

Tổ chức thành công Hội nghị Ngoại trưởng G20 trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine ‘chiếm sóng’ là thử thách không nhỏ với Ấn Độ. (Nguồn: AP)

Ngày 1-2/3, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ với sự hiện diện của đại diện từ 40 nước, bao gồm các nước không phải thành viên G20 được mời cùng một số tổ chức quốc tế.

Chủ đề của G20 tại Ấn Độ lần này là “Một trái đất, một gia đình, một tương lai”. Cụm từ lấy cảm hứng từ Maha Upanishad, tài liệu tiếng Phạn cổ của Hindu giáo, nhấn mạnh giá trị của mọi sự sống (con người, động vật, thực vật và vi sinh vật), cũng như sự liên kết giữa Trái đất và vũ trụ.

Quan trọng hơn, nước chủ nhà khẳng định, nó góp phần truyền tải thông điệp mong muốn sự phát triển công bằng, bền vững, toàn diện và có trách nhiệm cho mọi vật giữa biến động hiện nay. Tuy nhiên, đây sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản với Ấn Độ tại G20 lần này.

Hiện diện đáng chú ý

Một trong những điểm nhấn của hội nghị đến từ sự góp mặt của đại diện Nga và Trung Quốc. Theo đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov thăm Ấn Độ lần thứ hai trong vòng một năm. Bên lề hội nghị, nhà ngoại giao kỳ cựu Nga đã hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà S. Jaishankar.

Sự góp mặt của ông Lavrov được đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh đánh dấu một năm ngày bùng phát xung đột Nga-Ukraine và xứ bạch dương tiếp tục đương đầu với các áp lực về chính trị, kinh tế, ngoại giao toàn diện của Mỹ và phương Tây.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm 2022 ở Nusa Dua, Indonesia, ông Lavrov từng bỏ họp với lý do “chỉ trích cuồng loạn” của phương Tây làm đánh mất cơ hội thảo luận về các vấn đề nền kinh tế đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nghị lần này được tổ chức tại Ấn Độ, nước đối tác quan trọng của Nga, liệu nhà ngoại giao xứ bạch dương có lặp lại hành động này thêm lần nữa?

Sự góp mặt của ông Tần Cương cũng là chi tiết không thể bỏ qua lần này. Dù đã đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Trung Quốc từ tháng 12/2022 và có chuyến thăm một số nước Đông Nam Á cùng châu Phi, song đây là sự kiện đa phương tầm cỡ đầu tiên nhà ngoại giao này góp mặt trên cương vị mới. Hoạt động này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về Ukraine. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông tới New Delhi, vốn có quan hệ trắc trở với Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề biên giới.

Do đó, đây là cơ hội để Ngoại trưởng Trung Quốc diễn giải sâu hơn kế hoạch hòa bình 12 điểm về Ukraine, đồng thời tiếp xúc với các ông Sergei Lavrov, ông S. Jaishankar và thậm chí ông Antony Blinken. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định không gặp gỡ hai người đồng cấp Nga và Trung Quốc tại sự kiện này.

Sự góp mặt của ông Lavrov được đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh đánh dấu một năm ngày bùng phát xung đột Nga-Ukraine và xứ bạch dương tiếp tục đương đầu với các áp lực về chính trị, kinh tế, ngoại giao toàn diện của Mỹ và phương Tây.

Bài toán Ukraine

Điểm nhấn thứ hai sẽ là vấn đề Ukraine. So với hội nghị ở Indonesia một năm về trước, sự hiện diện của xung đột Nga-Ukraine tại cuộc họp ở Ấn Độ không hề kém cạnh. Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vinay Kwatra cho biết đây sẽ là một trọng điểm trong thảo luận của G20 bên cạnh các nội dung về chủ nghĩa đa phương, khủng hoảng năng lượng và lương thực cùng thách thức mới nổi. Dẫn lời của Thủ tướng Narendra Modi, ông nêu rõ: “Đây không phải kỷ nguyên của chiến tranh. Đối thoại và ngoại giao sẽ là chặng đường ở phía trước”.

Theo Reuters, một quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết nước này không “khuyến khích thảo luận hay ủng hộ trừng phạt mới với Nga tại G20”. Song, tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương tại Bengaluru, bang Karnataka trước đó vẫn chỉ trích xung đột Nga-Ukraine gây ra “nỗi thống khổ cho người dân… và khiến nền kinh tế toàn cầu thêm mong manh”.

Thực tế cho thấy năm vừa qua, Ấn Độ đã trở thành điểm dừng chân của hàng loạt lãnh đạo thế giới từ Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Thủ tướng Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 16/9/2022. Ông chủ Nhà Trắng Joe Biden thường xuyên gặp gỡ và đã mời nhà lãnh đạo Ấn Độ tới thăm Mỹ trong năm 2023.

Vị thế chính trị, kinh tế và ảnh hưởng gia tăng đồng nghĩa rằng, lập trường của New Delhi trong vấn đề Ukraine càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, nó cũng khiến nỗ lực của nước này nhằm cân bằng giữa lập trường riêng về Ukraine và vai trò quốc tế, cụ thể là nước chủ nhà G20 trong năm nay, thêm khó khăn.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-nhan-trong-hoi-nghi-ngoai-truong-g20-tai-an-do-218492.html