Điểm nhấn từ các dự án giao thông trọng điểm

Thi công trong điều kiện nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp linh hoạt, Hà Nội vẫn tập trung bảo đảm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến vành đai 4 cũng đang được rốt ráo triển khai để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông Thủ đô.

Thi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: TUẤN HUY

Thi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: TUẤN HUY

Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội đang được kiểm soát tốt, thành phố đang đẩy nhanh thi công các công trình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Nỗ lực bảo đảm tiến độ

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2021 ước đạt 3.834 tỷ đồng, tăng 37,4% so với tháng trước và giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, vốn thực hiện đạt 32,3 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 63,7% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đây được đánh giá là con số khả quan trong tình hình thành phố phải thực hiện giãn cách trong thời gian khá dài và rất nhiều công trình phải tạm dừng thi công. Trong đó, các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn vẫn bảo đảm tiến độ.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, tiến độ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang "chạy" tốt. Hiện tại đơn vị đã giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2021 của dự án. "Ban điều chỉnh vốn từ các dự án chậm tiến độ do vướng mặt bằng, không khởi công được cho các dự án có khối lượng lớn đã khởi công, đáng chú ý là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã bố trí 600 tỷ đồng, đến nay chúng tôi đã giải ngân 100%. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục thi công và dự kiến giải ngân thêm 300 tỷ đồng để bù được giải ngân chậm của các dự án khác", ông Đỗ Đình Phan, Trưởng phòng Giám sát 2, Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Hà Nội, cho biết. Các nhà thầu đã hoàn thành 495 trong số 562 cọc khoan nhồi; hoàn thành đổ bê-tông 41 trong số 61 bệ trụ, đổ bê-tông 31 trong số 61 thân trụ; đối với kết cấu phần trên đã hoàn thành đúc 87 trong số 396 phiến dầm.

Giám đốc Ban điều hành dự án Công ty Trung Chính thông tin, sau khi thi công xong thì lập hồ sơ và phối hợp các bên để tiến hành nghiệm thu thanh toán. Việc giải ngân kịp thời giúp cho dòng tiền của các nhà thầu lưu thông và sẽ đáp ứng được tiến độ thi công tổng thể. Hiện nay hạng mục phức tạp nhất - khoan cọc nhồi bốn trụ cầu trên sông Hồng đang được gấp rút thực hiện. Tổng số nhân lực huy động thi công bốn mũi trên sông là 250 người; huy động 10 hệ phao nổi, nhiều nhất trong toàn bộ quá trình thi công để phục vụ bốn dây chuyền khoan cọc. Mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên cán bộ, công nhân lao động tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2 tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch trên công trường. Tất cả người lao động khi làm việc phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ vào buổi sáng trước khi làm việc, sát khuẩn tay, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K; phấn đấu xong cọc khoan nhồi các trụ giữa dòng chủ để chuyển giai đoạn thi công bệ, thân trụ trong mùa khô năm 2022. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2023.

Cải thiện hạ tầng giao thông

Một dự án quan trọng khác cũng đang gấp rút về đích là Dự án đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Đến nay, tiến độ toàn dự án ước đạt hơn 80% khối lượng công việc; đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở. Phần mặt đường dưới thấp từ Ngã Tư Vọng đến Minh Khai đã cơ bản hoàn thiện. Những trụ đế cao đang được hoàn thiện để tuyến đường trên cao vượt qua khu vực cầu vượt Ngã Tư Vọng. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành điểm giao cắt giao thông với ba tầng hiện đại. Đoạn tuyến trên cao dự kiến hoàn thành vào năm 2023, kết thúc dự án sẽ đưa vào sử dụng đồng bộ toàn tuyến từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Bà Lê Thị Vân ở phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) phấn khởi nói: "Bây giờ phần đường ở dưới cũng đã được rải nhựa, đi lại thuận lợi hơn rất nhiều rồi. Sắp tới hoàn thiện được cả tuyến, chắc chắn giao thông tại khu vực này sẽ hiện đại, thông thoáng hơn".

Trong khi đó tại dự án hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3, công nhân của các nhà thầu cũng đang hối hả thi công. Nhiều đoạn phải xử lý hạ tầng kỹ thuật ngầm phức tạp, nhưng đã hoàn thành tiến độ. Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cho biết, các đơn vị đang tập trung nhân lực, thiết bị để thi công hầm hở và hầm kín. Dự kiến tiến độ trong vòng bảy tháng, hoàn thành gờ chắn, tường chắn, một phần hầm kín và hầm hở trong phạm vi nút giao để có thể chuyển sang giai đoạn 3 trong quý II/2022 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2022.

Một tin vui nữa đối với Hà Nội là vừa qua,UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Như vậy sau 10 năm "ngủ yên", đại dự án đang được triển khai một cách rốt ráo. Dự án đầu tư theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư 94.127 tỷ đồng, có điểm đầu trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài dự án là 111,2 km, trong đó đoạn đi qua TP Hà Nội dài 58,2 km (đi qua bảy quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông).

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông tin, dự án đã được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thông qua, HĐND thành phố khóa 16 cũng đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Sau khi UBND thành phố có tờ trìn ưh, Chính phủ đã lập Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trên cơ sở hồ sơ đã hoàn thiện theo thông báo thẩm định của hội đồng thẩm định Nhà nước, Chính phủ sẽ có tờ trình gửi Quốc hội xem xét thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/diem-nhan-tu-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-672567/