Điểm nóng 24h ngày 17/9: Áp thấp nhiệt đới hình thành bão tràn vào biển Đông, miền Trung gấp rút ứng phó

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 13h ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820 km.

Thủ tướng Chính phủ ra công điện ứng phó áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 13 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820 km về phía Đông.

Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn

Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn

Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, ngay trong ngày 17/9, Thủ tướng đã có công điện gửi lãnh đạo 17 địa phương và các bộ ngành liên quan.

Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.

Diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn rất phức tạp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế.

Miền Trung gấp rút ứng phó áp thấp nhiệt đới sắp mạnh thành bão số 4

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão số 4, ngày 17/9, UBND tỉnh Quảng Nam có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu lãnh đạo các huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng đô thị trên địa bàn; kịp thời cập nhật tình hình thời tiết để có chỉ đạo phù hợp.

Chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở trên địa bàn nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; phải có phương án sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tại Bình Định, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là xác định những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sạt lở đất. Các vùng núi và ven sông ở Bình Định luôn là những điểm nóng cần chú ý, khi các đợt mưa lũ có thể gây sạt lở đất đá nghiêm trọng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu đơn vị quản lý các khu neo đậu tàu cá phải trực 24/24h để theo dõi thời tiết và tình hình tàu thuyền trên biển. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phối hợp với lực lượng biên phòng và các đơn vị liên quan để thông báo kịp thời, đảm bảo an toàn cho ngư dân.

Đề nghị giám định, làm rõ trách nhiệm vụ sập cầu Phong Châu

Liên quan đến việc công trình cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra sự cố nghiêm trọng, sập hai nhịp dàn thép vào ngày 9/9, Bộ Xây dựng vừa có Công văn 5273/BXD-GĐ ngày 13/9/2024 gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu.

Lực lượng tìm kiếm tiếp cận hiện trường sập cầu Phong Châu. (Ảnh: CA)

Lực lượng tìm kiếm tiếp cận hiện trường sập cầu Phong Châu. (Ảnh: CA)

Theo Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tổ chức giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu theo quy định tại Điều 44, Điều 45 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục bảo vệ hiện trường và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đến khi hoàn thành công tác giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP thì UBND tỉnh Phú Thọ là cơ quan có thẩm quyền chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Trong quá trình tổ chức giám định, hiện trường sự cố cần được chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi triển khai các công việc tiếp theo, lưu ý đến việc thu thập các tài liệu kỹ thuật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa công trình.

Thứ ba, chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trục vớt, thanh thải lòng sông để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa khi đảm bảo các điều kiện cho công tác này; sớm báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất phương án khắc phục để đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ 32C.

Thứ tư, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc tiếp tục thực hiện các nội dung theo Công điện số 01/CĐ-BXD ngày 4/9/2024, Công điện số 02/CĐ-BXD ngày 8/9/2024 của Bộ Xây dựng để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Gia Lai: Tạm đình chỉ cơ sở nghi gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh

Liên quan đến vụ việc 21 học sinh tại Gia Lai nghi ngộ độc trà sữa mua tại tiệm chè, trà sữa Cô Ba Sài Gòn (19 Phùng Hưng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có Công văn số 2385/ATTP-NDTT đề nghị Sở Y tế Gia Lai tiến hành xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Gia Lai tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm. Tiến hành điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo tới cộng đồng.

Trước đó, vào lúc 8 giờ ngày 16/9, lớp 7.1 (Trường THCS Tôn Đức Thắng, địa chỉ 55 Phan Đăng Lưu, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku) tổ chức liên hoan nhân ngày Tết Trung thu năm 2024 với tổng số 45 học sinh tham gia.

Trường THCS Tôn Đức Thắng, nơi diễn ra vụ việc

Trường THCS Tôn Đức Thắng, nơi diễn ra vụ việc

Trong đó, có 34/45 học sinh uống trà sữa do hội phụ huynh lớp mua từ cơ sở trà sữa Cô Ba Sài Gòn (địa chỉ 14 Phùng Hưng, phường Hội Thương, thành phố Pleiku) khiến 21 học sinh đau bụng, buồn nôn, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm (đau bụng, buồn nôn). Trong đó, 1 học sinh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai; 1 học sinh đến khám tại Trạm Y tế phường Thống Nhất, đã uống Oresol và về nhà; 19 học sinh còn lại có biểu hiện nhẹ được phụ huynh đưa về nhà theo dõi.

Khởi tố Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Kon Tum vì nhận hối lộ

Ngày 17/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với ông Nguyễn Xuân Đảm (43 tuổi, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 82.01.S tỉnh Kon Tum) để điều tra về hành vi "Nhận hối lộ".

Theo cơ quan điều tra, ông Đảm lợi dụng chức vụ là Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm, nhận tiền của các chủ phương tiện để làm khống hồ sơ cải tạo xe cơ giới, tiến hành nghiệm thu cải tạo trái quy định.

Vụ án đang được mở rộng điều tra. Số phương tiện được cấp đăng kiểm sai pháp luật và số tiền những người này đưa và nhận hối lộ chưa được công bố.

Trước đó, ngày 4/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Minh Lợi (SN 1983) - Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai về hành vi “Nhận hối lộ”. Các quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.

Khánh Ly

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-nong-24h-ngay-179-ap-thap-nhiet-doi-hinh-thanh-bao-tran-vao-bien-dong-mien-trung-gap-rut-ung-pho-346518.html