Điểm nóng chứng kiến tỷ lệ tử vong tàn khốc nhất vì virus corona
Các cơ sở dưỡng lão trên khắp thế giới ghi nhận hàng nghìn ca tử vong trong trận chiến với đại dịch. Chính phủ các nước đang làm gì để giải quyết vấn đề nhức nhối này?
Trong thời gian gần đây, cuộc chiến với Covid-19 trong các viện dưỡng lão trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết.
Tại Tây Ban Nha, quân đội phát hiện nhiều thi thể người già bị bỏ mặc đến chết trong một số viện dưỡng lão. Chỉ tính từ ngày 8/3, các cơ sở dưỡng lão tại Madrid ghi nhận 4.260 trường hợp tử vong do nhiễm virus corona, The Guardian dẫn số liệu từ chính phủ.
Ở Pháp, gần 1/3 tổng số ca tử vong do Covid-19, tương đương 3.237 người, là các cụ già trong trại dưỡng lão. Riêng tại thủ đô Paris, hơn 2.300 cơ sở chăm sóc người cao tuổi báo cáo có người chết vì dịch bệnh.
Sự chú ý muộn màng
Kể từ ngày 20/3, một viện dưỡng lão ở Mougins (Pháp) có 31 người tử vong. Theo đại diện cơ sở này, 14/50 nhân viên cũng dương tính với virus corona. Thân nhân của một người tử vong đang đâm đơn kiện viện này vì hành vi “gây nguy hiểm tới mạng sống của người khác”.
Tờ Le Monde hôm 8/4 mới đăng tải một bài bình luận của Cựu Bộ trưởng Gia đình Monique Pelletier, trong đó, bà gay gắt chỉ trích cách hành xử “vô lý và vô nhân đạo” đối với người già trong các trại dưỡng lão.
“Hàng trăm người già đã ra đi thì dư luận mới bắt đầu chú ý đến họ”, bà Pelletier viết. “Sai lầm của chúng ta là không công bố số người cao tuổi tử vong”. Theo cựu bộ trưởng 93 tuổi, rất nhiều người bị nhốt trong phòng riêng suốt 6 tuần, không được gặp ai ngoại trừ nhân viên chăm sóc.
Tại Italy, người dân kêu gọi quốc hội tiến hành điều tra cái chết của hàng nghìn người cao tuổi trong các viện dưỡng lão. Theo số liệu của Viện Sức khỏe Quốc gia (ISS), kể từ 1/2, các cơ sở điều dưỡng do tổ chức RSA vận hành ghi nhận 3.859 người già tử vong.
Trong đó, phần lớn các trường hợp tập trung tại vùng Lombardy (Italy), khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Cũng tại đây, công tố viên đang điều tra vụ 27 người chết trong một nhà dưỡng lão ở Milan hồi đầu tháng 4.
Cô Giorgia Memo, thân nhân của một bệnh nhân trong cơ sở này, chia sẻ: “Tôi không muốn gán tội cho ai nhưng tôi muốn biết chính quyền định làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này”.
Hiện chính quyền Italy vẫn chưa ban hành hướng dẫn hay quy trình để xử lý các ca nhiễm Covid-19 trong trại dưỡng lão. Khi một ca bệnh xuất hiện, cả viện phải cách ly tập trung và mọi người không được xét nghiệm với virus corona.
“Những nhân viên trong trại thật xuất sắc. Họ làm việc suốt 12 tiếng và luôn cung cấp thông tin đầy đủ cho tôi. Tuy nhiên, họ đang dần đổ bệnh”, cô Memo nhận xét.
Trong khi đó, Đức cũng ghi nhận hàng trăm trường hợp tử vong là người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão. Đáng chú ý, một cơ sở ở Wolfburg (Đức) có tới 29 người tử vong trong khi 45 người khác nhiễm Covid-19.
Các công tố viên đang tiến hành điều tra viện dưỡng lão này dưới tội danh “ngộ sát”. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đức, bà Gerda Hasselfelft cho biết: “Nếu chúng ta không hành động, chỉ vài tuần nữa thôi, các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận hàng loạt ca nhiễm từ các viện dưỡng lão”.
Các chính phủ đang làm gì?
Ở Ireland, các cụm dịch Covid-19 xuất hiện tại 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, con số tăng gấp đôi sau chưa đầy 1 tuần. Diễn biến này cho thấy chính phủ vẫn chưa đủ nhanh nhạy để giải quyết vấn đề tại các viện dưỡng lão.
Trước đó, giới chức nước này thực hiện một vài biện pháp như thành lập đội đặc nhiệm đến diệt khuẩn ở các viện dưỡng lão, kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại đây hai lần/ ngày, tung ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 72 triệu euro.
Quan chức y tế tại Canada cũng đang chật vật với vấn đề nan giải này. Một cơ sở hưu trí ở Ontario ghi nhận 29/65 người tử vong do nhiễm virus corona.
Tại Mỹ, một cơ sở dưỡng lão tại hạt Kings, bang Washington trở thành “ổ dịch”, thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Viện này có 40 người già tử vong vì nhiễm bệnh và là nguồn lây truyền virus tới nhiều cơ sở khác trong khu vực.
Chính quyền bang Texas, khu vực có nhiều cụm dịch nghiêm trọng, từ chối công bố số liệu liên quan tới tình hình dịch bệnh trong các trại dưỡng lão. Trong khi đó, bang California kêu gọi mọi người nên đón người thân từ các trại về nhà chăm sóc.
Điều kiện làm việc thiếu an toàn
Thiếu hụt đồ bảo hộ và bộ xét nghiệm ở nhiều quốc gia đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn cho các nhân viên điều dưỡng làm việc trong trại dưỡng lão.
Theo Công đoàn CSIF của Tây Ban Nha, tại Madrid, khoảng 400 ca nhiễm và 2 ca tử vong do Covid-19 là nhân viên điều dưỡng trong các trại dưỡng lão.
Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Aetesys, Elvia Gonzalez Santos cho biết, điều kiện làm việc thiếu an toàn trong các nhà dưỡng lão ở Tây Ban Nha cuối cùng cũng được phơi bày ra ánh sáng. Cô cho rằng sự việc lần này có thể khiến mọi người chú ý tới việc cải thiện môi trường làm việc cho các nhân viên hơn.