'Điểm sáng an ninh' thôn Vén

'Điểm sáng an ninh' là mô hình tự quản đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) tại thôn Vén, xã Tân Trịnh (Quang Bình). Nhờ có 'điểm sáng' này, thời gian qua, tình hình ANTT của thôn luôn được đảm bảo, quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

Công an xã Tân Trịnh (Quang Bình) hướng dẫn Tổ tự quản ANTT thôn Vén thực hiện mô hình “Điểm sáng an ninh”.

Công an xã Tân Trịnh (Quang Bình) hướng dẫn Tổ tự quản ANTT thôn Vén thực hiện mô hình “Điểm sáng an ninh”.

Thôn Vén bám dọc Quốc lộ 279, có 183 hộ, những năm trước đây, thôn luôn xảy ra những vụ việc phức tạp liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội như trộm cắp, đánh nhau, cờ bạc, chặn các phương tiện giao thông qua lại,… gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Anh Phù Văn Dân, Phó trưởng Công an xã Tân Trịnh cho biết: Trước tình hình trên, tháng 9.2019, Ban Công an xã đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã thành lập mô hình tự quản về ANTT có tên gọi “Điểm sáng an ninh”. Đây là mô hình hoạt động trên cơ sở tự nguyện tham gia của người dân. Mỗi gia đình đóng góp một khoản phí nhất định để mua bóng đèn 30W, mua dây, cột chắc chắn để thắp sáng khu vực toàn thôn. Hiện nay, trong thôn có 40 bóng điện thắp sáng với 400 mét dây. Để duy trì hoạt động những “đèn cao áp của dân” này, ngành Điện lực thống nhất áp dụng mức phí tối ưu nhất, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 700 số điện, vào mùa Hè thì ít hơn, khoảng hơn 600 số. Với ánh sáng này, tình hình ANTT trong thôn luôn được đảm bảo, không xảy ra tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, được quần chúng nhân dân ủng hộ, đồng tình cao.

Anh Hoàng Đình Quang, Trưởng thôn chia sẻ: Để duy trì điện thắp sáng, mỗi hộ dân phải đóng tiền hàng tháng theo quy ước, tuy nhiên, nhiều hộ vẫn còn khó khăn, hiệu quả của mô hình thì rõ ràng, mong muốn thời gian tới, ngành Điện áp dụng mức giá nào hợp lý hơn, chia sẻ với khó khăn chung của bà con.

Không chỉ riêng duy trì việc thắp sáng địa bàn, những khoản quỹ đóng góp của người dân được ban lãnh đạo thôn thống nhất sử dụng thực hiện các hoạt động khác như thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ của mỗi hộ gia đình khi có việc, điều này tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc gắn kết, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Hàng tháng, ban lãnh đạo thôn gồm Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, các thành viên tổ tự quản tổ chức họp định kỳ và mời dự cả đại diện công an, chính quyền xã. Những thắc mắc, phát sinh liên quan đến công tác đảm bảo ANTT đều được trao đổi, thống nhất và đề ra phương hướng giải quyết ngay tại cuộc họp, tạo sự đồng thuận và giải quyết ngay những vấn đề phát sinh từ cơ sở, không để sự việc diễn ra phức tạp.

Hiện nay, xã đã nhân rộng cách làm này ra địa bàn các thôn. Tuyến Quốc lộ 279 qua xã Tân Trịnh dài hơn 5 km đều đã có những bóng điện do dân đóng góp thắp sáng. Công tắc được đặt ở vị trí thuận lợi, khi trời bắt đầu tối, người dân nào ở gần công tắc thì đến bật lên, buổi sáng ai dậy sớm thì đến tắt. Tất cả mọi người trong thôn đều tự giác, có ý thức giữ gìn và bảo quản chung, không có hiện tượng phá hoại, cuộc sống của người dân cũng từ đó mà đoàn kết, đồng thuận, nâng cao ý thức, cùng nhau xây dựng nếp sống mới.

Từ một địa bàn phức tạp về tệ nạn và trật tự xã hội, sau hơn 1 năm thành lập, triển khai và đi vào hoạt động, “Điểm sáng an ninh” ở thôn Vén phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần đảm bảo ANTT tự tại địa phương. Quan trọng hơn, đông đảo người dân trong thôn đều đồng lòng ủng hộ và thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội. Một mô hình mang ý nghĩa và hiệu quả thiết thực, cần được duy trì và lan rộng.

Bài, ảnh: Nguyễn Lân

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202101/diem-sang-an-ninh-thon-ven-771352/