Điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã đa dạng hóa các cách thức tiếp cận, khai thác thông tin, kiến thức của người dân. Điều này đã trở thành thách thức trong việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Xác định được điều này, thị xã Bỉm Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng phát triển, góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo nền tảng vững chắc cho văn hóa phát triển.

Các bạn nhỏ tham gia đọc sách tại Thư viện thị xã Bỉm Sơn.

Các bạn nhỏ tham gia đọc sách tại Thư viện thị xã Bỉm Sơn.

Giải pháp đầu tiên được thị xã Bỉm Sơn triển khai liên tục, xuyên suốt đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thường xuyên đọc sách, báo. Qua đó, hình thành thói quen đọc và từng bước tạo kỹ năng, phương pháp đọc sách hiệu quả. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, thị xã Bỉm Sơn đã đa dạng các hình thức tuyên truyền và thường xuyên làm mới nội dung tuyên truyền.

Để công tác văn hóa đọc phát triển sâu rộng, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân, như: tổ chức trưng bày sách báo xuân, sách báo hè; tổ chức phòng đọc báo xuân, báo hè; phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức ngày hội đọc sách và phục vụ xe thư viện lưu động tại các trường học... Các hoạt động đã góp phần khơi dậy thói quen đọc sách và yêu sách trong mỗi người dân, đặc biệt là các em học sinh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cấp, ngành, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại địa phương.

Xác định để thu hút người dân đọc sách báo thì kho sách phải đa dạng phong phú và được sắp xếp khoa học. Do đó, hằng năm thị xã Bỉm Sơn đã dành kinh phí để bổ sung sách, báo mới. Như năm 2024, thị xã đã dành 50 triệu đồng để bổ sung 676 bản sách mới, hay cho thư viện thị xã. Nhờ đó kho sách của thư viện luôn phong phú với 17.543 bản sách thuộc nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, văn học, chính trị, thiếu nhi, kỹ năng sống...

Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thị xã đã quan tâm thực hiện luân chuyển sách xuống tủ sách cơ sở để làm mới các tủ sách cấp xã, thôn; hướng dẫn các địa phương, cách sắp xếp, trưng bày sách, báo. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thị xã đã luân chuyển sách, báo xuống tủ sách ở nhà văn hóa khu phố 8, phường Bắc Sơn và đường sách khu phố 1, phường Lam Sơn. Nhờ đó, tủ sách tại các địa phương cũng trở thành điểm đến thu hút nhiều người dân. Ông Nguyễn Hữu Quang, người dân phường Đông Sơn cho biết: “Trước khi tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao tôi thường đến sớm đọc sách, báo. Việc đọc sách, báo được tôi luôn duy trì. Điều này giúp tôi nắm bắt được thông tin, tri thức”.

Chị Lại Thị Duyên, thủ thư tại thư viện thị xã Bỉm Sơn cho biết: "Để xây dựng nguồn sách phong phú, đa dạng hằng năm, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thị xã Bỉm Sơn đã vận động các nguồn xã hội hóa, huy động người dân, bạn đọc, công ty sách tặng, bổ sung sách vào kho sách của thị xã; phối hợp với Thư viện tỉnh thực hiện luân chuyển sách. Đặc biệt, để việc luân chuyển sách đạt hiệu quả cao, thủ thư và công chức văn hóa xã đã khảo sát nhu cầu của người dân, luân chuyển những cuốn sách mới, hay thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân. Cùng với đó, nhiều địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền vai trò của việc đọc sách, văn hóa đọc trong các buổi sinh hoạt thôn, hội, nhóm để người dân biết và đến đọc, mượn sách tại thư viện, phòng đọc sách báo".

Không chỉ phát huy hiệu quả văn hóa đọc từ các thư viện, tủ sách ở các địa phương mà việc phát triển văn hóa đọc tại các trường học cũng được thị xã Bỉm Sơn thực hiện hiệu quả. Hiện trên địa bàn, 100% các trường xây dựng thư viện trường với nguồn tài liệu đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu tra cứu, học tập, bổ sung kiến thức của giáo viên và học sinh. Hầu hết các trường đều sắp xếp thời gian đọc sách tại thư viện, mượn sách cho học sinh trong trường. Từ đó, góp phần xây dựng thói quen đọc sách, kỹ năng đọc, góp phần hình thành văn hóa đọc ngay trong nhà trường.

Với việc kết hợp thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, thị xã Bỉm Sơn đã và đang từng bước xây dựng văn hóa đọc trong các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/diem-sang-trong-phat-trien-van-hoa-doc-226358.htm