Điểm tên những ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II
Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã áp chuẩn Basel II, song trong số đó chỉ mới có một số nhà băng hoàn tất 3 trụ cột của Basel II.
Chuẩn mực vốn Basel II được quy định theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Với chuẩn mực hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh và bền vững hơn, việc các ngân hàng đáp ứng được đầy đủ các quy định đưa ra trong Thông tư 41 và Thông tư 13 của NHNN là vô cùng quan trọng. Nếu đáp ứng và triển khai tốt được các quy định trong hai Thông tư trên cũng có nghĩa là các ngân hàng sẽ sớm hoàn thành việc triển khai cả 3 trụ cột của Basel II.
Đến thời điểm này, đã có 18 ngân hàng được công nhận áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN gồm MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapitalBank, LienVietPostBank, Standard Chartered Việt Nam, ShinhanBank, NamABank, SeABank, BIDV và Vietcombank.
Tuy nhiên, trong số này có nhiều ngân hàng vẫn chưa đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II. VIB là ngân hàng đầu tiên hoàn tất 3 trụ cột Basel II, kế đến là Vietcombank, SeABank, VPBank, TPBank, MSB, VietCapitalBank.
Việc hoàn thành và áp dụng sớm cả 3 trụ cột quan trọng của Basel II đã cho thấy sự quan tâm đầu tư trong lĩnh vực quản lý rủi ro để đảm bảo tính cân bằng của 3 yếu tố “tăng trưởng - bền vững - chất lượng” trong hoạt động của các ngân hàng. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro cũng như năng lực cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường tài chính.
Theo lãnh đạo MSB, việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II là tiền đề và động lực để Ngân hàng tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn. Ngân hàng này tiếp tục phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro của Ngân hàng, lên kế hoạch triển khai áp dụng IFRS9 trong hoạt động tài chính và quản trị rủi ro.
Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) trong số 3 trụ cột cần hoàn thành của Basel II. ICAAP là quy trình toàn diện giúp ngân hàng tự thực hiện đánh giá mức đủ vốn để không chỉ đảm bảo tuân thủ yêu cầu của NHNN về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu kinh doanh đã đề ra phù hợp với khẩu vị rủi ro và chiến lược quản lý rủi ro.
Hiện các ngân hàng VIB, Vietcombank, SeABank, VPBank, TPBank, MSB, VietCapitalBank công bố đã hoàn thành 3 trụ cột của Basel II.
Bên cạnh việc đảm bảo bám sát các yêu cầu của NHNN tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN, ngân hàng cũng chủ động tham khảo các chuẩn mực, hướng dẫn được khuyến nghị bởi Ủy ban Basel, đồng thời hợp tác cùng đơn vị tư vấn để nhanh chóng hoàn thiện lộ trình đặt ra.
Basel II có ba trụ cột chính: Trụ cột 1: Yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); trụ cột 2: Rà soát giám sát; và trụ cột 3: Thực hiện các nguyên tắc thị trường.
Theo đó, trụ cột 1 quy định mức an toàn vốn tối thiểu theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp nâng cao cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Trụ cột 2 là đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn. Ở đó, các ngân hàng phải chuẩn hóa quy trình, phương pháp, công cụ đo lường rủi ro, đồng thời phải kiểm tra sức chịu đựng về vốn, lập kế hoạch vốn theo các kịch bản thị trường và kinh doanh, giám sát về mức đủ vốn.
Trụ cột thứ 3 là minh bạch và kỷ luật thị trường, theo đó, các ngân hàng phải báo cáo và thuyết minh định kỳ về các chỉ tiêu định tính và định lượng về an toàn vốn. Trụ cột này tập trung vào việc minh bạch và công bố thông tin. Các ngân hàng thương mại cần công bố thông tin một cách định kỳ và minh bạch. Nội dung công bố thông tin cần đáp ứng yêu cầu của NHNN, ngoài ra nên tham khảo đến các chuẩn mực tốt nhất trên thế giới.
Việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quản lý rủi ro quốc tế như Basel là yêu cầu tiên quyết để các ngân hàng nâng cao năng lực quản lý rủi ro cũng của mình.