Điểm thi không phải thước đo duy nhất với giáo viên

Theo tác giả Charles Wheelan, thay vì đánh giá giáo viên bằng điểm số, nhà quản lý giáo dục cần một hệ thống đánh giá tập trung vào giá trị dài hạn mà giáo viên mang lại.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Oki Toki.

Ảnh minh họa. Nguồn: Oki Toki.

Trong tác phẩm Sự thật trần trụi về thống kê, tác giả Charles Wheelan, giảng viên Đại học Dartmouth (Mỹ), đã đặt ra những câu hỏi về việc đánh giá giáo viên thông qua điểm số của học sinh. Dù dựa trên quá trình thay đổi của học sinh hay kết quả từ một bài thi, điểm số vẫn không phải dữ liệu chính xác nhất để cho một kết quả khách quan.

Đi tìm câu trả lời cho việc đánh giá giáo viên

Vào đầu thập niên 2000, đối với những người làm thống kê trong ngành giáo dục, điểm số của một bài thi chuẩn hóa dường như là dữ liệu chính xác nhất để cho thấy hiệu quả của giáo viên.

Tuy nhiên, các học giả dần nhận thấy nhiều lỗ hổng khi đánh giá giáo viên thông qua dữ liệu này. Vì vậy, họ tiến tới đánh giá hiệu quả thông qua quá trình tiến bộ của học sinh. Ví dụ, nếu một học sinh bắt đầu với kết quả kém nhưng sau một năm dưới sự hướng dẫn của một giáo viên cụ thể, học sinh đó đạt tiến bộ rõ rệt, giáo viên này có thể được đánh giá có hiệu quả cao.

Đánh giá dựa trên "giá trị gia tăng" được cho là giải pháp hữu hiệu để các hệ thống trả lương giáo viên hợp lý hơn. Đồng thời, phương pháp này giúp các nhà quản lý phát hiện những giáo viên thực sự có năng lực.

Nhưng tác giả Charles Wheelan cho rằng hình thức thống kê trên cũng hạn chế bởi các yếu tố nhân khẩu học như thu nhập, chủng tộc hay năng khiếu tự nhiên của học sinh. Điều này còn dẫn tới sự bất bình đẳng rằng giáo viên dạy các lớp học sinh giỏi sẽ có mức lương cao hơn giáo viên dạy các lớp khác.

 Cuốn sách Sự thật trần trụi về thống kê của tác giả Charles Wheelan.

Cuốn sách Sự thật trần trụi về thống kê của tác giả Charles Wheelan.

Phương pháp này còn gây tranh cãi khi Thành phố New York công bố xếp hạng của 18.000 giáo viên dựa trên đánh giá mức độ tiến bộ của học sinh. Một số người ủng hộ cho rằng các thông tin này mang đến một cái nhìn chưa từng có về hiệu quả giảng dạy. Ngược lại, các công đoàn giáo viên và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng hệ thống này dễ bị sai lệch và có thể không phản ánh đúng khả năng của giáo viên do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh như điều kiện thi cử, hoặc tính "nhiễu loạn" trong dữ liệu.

Wheelan cũng so sánh dữ liệu đánh giá giáo viên với thống kê trong môn bóng chày, cho thấy mức tương quan về hiệu quả giảng dạy qua các năm chỉ đạt khoảng 0,35, tương đương hiệu suất đánh bóng của các vận động viên bóng chày. Điều này cho thấy việc sử dụng dữ liệu để đánh giá giáo viên là hữu ích nhưng không hoàn hảo và cần thời gian để thu thập thêm dữ liệu trước khi đưa ra các đánh giá chính xác.

Cuối cùng, Wheelan cảnh báo rằng không phải mọi thước đo đều phản ánh được những giá trị dài hạn mà chúng ta quan tâm. Một giáo viên có thể giúp học sinh đạt điểm số cao trong một kỳ thi chuẩn hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là học sinh đó sẽ thành công trong tương lai.

Kết quả bất ngờ của việc đo lường hiệu quả giáo viên

Trong quá trình tác giả Charles Wheelan tìm câu trả lời cho việc đo lường hiệu quả giáo viên, ông đã phát hiện ra trường hợp đặc biệt tại Học viện Không quân tại Mỹ.

Ngôi trường này đã thực hiện một thử nghiệm với nhiều cải tiến. Hai người chịu trách nhiệm chính là GS Scott Carrell và GS James West đến từ Đại học California (Mỹ). Họ phân học sinh thành các nhóm ngẫu nhiên để tham gia một khóa học. Tất cả khóa học sử dụng cùng giáo trình và bài thi để đảm bảo so sánh công bằng giữa các giảng viên.

 Bộ ba tác phẩm về kinh tế của tác giả Charles Wheelan. Ảnh: Alpha Books.

Bộ ba tác phẩm về kinh tế của tác giả Charles Wheelan. Ảnh: Alpha Books.

Kết quả ban đầu có vẻ khá bất ngờ: Những giáo sư trẻ, ít kinh nghiệm và ít bằng cấp hơn lại thường giúp sinh viên đạt điểm cao hơn trong các bài thi tiêu chuẩn. Các sinh viên cũng đưa ra những đánh giá tích cực hơn về các giảng viên này. Điều này dường như chỉ ra rằng các giáo sư trẻ nhiệt huyết hơn, tận tâm với công việc giảng dạy trong khi các giảng viên kỳ cựu có vẻ ít linh hoạt và gắn bó với phương pháp giảng dạy cũ kỹ.

Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu xem xét kết quả dài hạn của sinh viên, một bức tranh hoàn toàn khác đã xuất hiện. Sinh viên học với những giáo sư kỳ cựu lại thể hiện tốt hơn trong các khóa học bắt buộc tiếp theo, đặc biệt trong các môn toán và khoa học. Điều này dẫn đến giả thuyết rằng các giáo viên trẻ, mặc dù giúp sinh viên đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhưng có xu hướng “dạy để làm bài thi” thay vì dạy những khái niệm quan trọng.

Ngược lại, các giáo sư lớn tuổi, dù khó tính và ít nhận được sự yêu mến từ sinh viên, lại tập trung vào việc truyền đạt những kiến thức nền tảng cần thiết cho các khóa học sau này và cả cuộc sống sau khi tốt nghiệp.

Từ thí nghiệm này, tác giả Charles Wheelan rút ra một bài học quan trọng rằng việc đánh giá giáo viên không nên chỉ dựa vào kết quả thi cử trước mắt hoặc sự hài lòng của sinh viên. Thay vào đó, cần xây dựng một hệ thống đánh giá dài hạn, tập trung vào giá trị thực sự mà giáo viên mang lại trong quá trình học tập của sinh viên.

Dữ liệu có một quyền năng lớn nhưng người phân tích dữ liệu cần phải tinh tế trong việc nhìn nhận để không sa đà vào đánh giá chủ quan. Bài học từ Học viện Không quân không chỉ nhắc nhở những người làm thống kê về sự phức tạp trong giáo dục, mà còn về tầm quan trọng của việc nhìn nhận thành công dài hạn.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/diem-thi-khong-phai-thuoc-do-de-danh-gia-giao-vien-post1501300.html