Điểm tựa cho nông dân phát triển cây ăn quả
Thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, tỉnh ta có trên 84.800 ha cây ăn quả các loại, như: Xoài, nhãn, mận hậu, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn... Sản lượng đạt trên 450.000 tấn quả các loại/năm, giá trị ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Sơn La đã trở thành “hiện tượng” nông nghiệp của cả nước và là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc.
Hỗ trợ nông dân trồng cây ăn quả, 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hàng trăm hội nghị, hội thảo đầu bờ để giới thiệu giống mới, kỹ thuật canh tác mới cho hội viên, nông dân. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "lấy nông dân, dạy nông dân". Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân gắn sản xuất với bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông sản. Đồng thời, hỗ trợ mô hình thâm canh, cải tạo 35 ha mận hậu, nhãn, xoài, trồng mới một số giống cam rải vụ... theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Thuận Châu, thành phố, Mai Sơn, Yên Châu và Sông Mã.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, chia sẻ: Hội Nông dân các cấp đã phát huy vai trò cầu nối trong việc liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nông sản và tăng thu nhập cho nông dân. Khuyến khích, hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả; thực hiện quy trình sản xuất tốt. Hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt, góp phần tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trong giai đoạn 2018-2023, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh tỉnh, cho trên 42.000 lượt hộ vay vốn, với số dư nợ hơn 2.560 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có hàng nghìn hộ nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, VietGAP... Cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm cho hội viên, nông dân đầu tư trồng, chăm sóc diện tích cây ăn quả.
Hội còn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, liên kết với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, đưa nông sản lên sàn thương mại điện, xuất khẩu tử để tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho hội viên, nông dân. Từ năm 2017 đến nay, Hội đã phối hợp hỗ trợ tiêu thụ trên 155.000 nghìn tấn nông sản các loại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng, với trên 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1 vùng na ở huyện Mai Sơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 955 ha cây ăn quả được ứng dụng sản xuất bằng hệ thống tưới tiết kiệm nước; xây dựng nhà lưới, nhà kính trên 53 ha. Thu nhập bình quân trên 1 ha trồng cây ăn quả đạt 300 triệu đồng, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Tại huyện Phù Yên có trên 600 ha cây ăn quả có múi, tập trung chủ yếu tại các xã: Mường Thải, Mường Cơi và Tân Lang. Trong đó, có 400 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 5.900 tấn các loại/năm, gồm: Bưởi, cam, quýt.
Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Cùng với tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân thực hiện quy trình chăm sóc cây ăn quả theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, trong các vụ thu hoạch, Hội Nông dân còn phối hợp rà soát nhu cầu cần được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để có phương án phù hợp, tìm đầu ra cho sản phẩm quả các loại, giúp hội viên yên tâm phát triển sản xuất.
Còn tại huyện Vân Hồ, cũng có nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư, làm giàu từ cây ăn quả. Năm 2013, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, bắt tay vào cải tạo vườn tạp với các loại cây nhãn, bưởi và trồng cây cam Vinh, cam đường canh, với diện tích 5 ha. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật sản xuất, năng suất bình quân các loại quả của gia đình đạt 10 tấn/ha, thu nhập đạt từ 700 triệu đồng/năm trở lên.
Ông Tiến thông tin: Năm 2019, tôi được tham gia Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai. Tham gia Chương trình, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng; quy trình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, gia đình trồng 10 ha cam, bưởi và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập sau khi trừ chi phí các loại, cho thu lãi trên 800 triệu đồng/năm. Sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu mua.
Giúp nông dân phát triển trồng cây ăn quả bền vững, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, khuyến khích và phối hợp hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng quy trình sản xuất tốt, sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm quả. Phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, xây dựng các vùng trồng cây ăn quả tập trung gắn với quy hoạch các nhà máy chế biến..., xứng đáng là “điểm tựa” cho hội viên, nông dân vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả.