'Điểm tựa' hậu phương

Chọn cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa hiện là 'việc khó' đối với lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần), bởi mỗi đợt đi có rất nhiều đơn tình nguyện. Ngoài tinh thần hăng hái, nhiệt tình của cán bộ, nhân viên, đó còn bởi họ được tiếp thêm động lực khi bệnh viện luôn quan tâm, chăm lo giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội...

QĐND - Chọn cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa hiện là “việc khó” đối với lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần), bởi mỗi đợt đi có rất nhiều đơn tình nguyện. Ngoài tinh thần hăng hái, nhiệt tình của cán bộ, nhân viên, đó còn bởi họ được tiếp thêm động lực khi bệnh viện luôn quan tâm, chăm lo giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội, giúp anh em thêm yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đảo xa.

Một năm bận rộn của Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Lê, Điều dưỡng trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân y 354 được khép lại bằng bữa cơm đoàn tụ gia đình ấm cúng, tràn đầy hạnh phúc. Sau hơn một năm, Thượng úy QNCN Nguyễn Tất Minh-chồng chị, đã trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông (quần đảo Trường Sa). Bữa cơm gia đình kết thúc bằng “món quà” bất ngờ mà chị Lê dành tặng cho chồng, đó là danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến 2014” mà chị được đồng đội tín nhiệm bầu cho những nỗ lực, cố gắng trong năm. Anh Minh rất cảm kích bởi một năm anh vắng nhà, chị Lê đã làm tròn hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Còn nhớ, ngày anh Minh lên tàu ra nhận nhiệm vụ ngoài Trường Sa, chị Lê bộn bề nỗi lo. Bố chị bị ung thư dạ dày, mẹ thì bị bệnh khớp, sức khỏe yếu; hai con đều vào năm đầu của các cấp. Bình thường công việc chăm lo gia đình được chồng san sẻ thì nay dồn cả lên đôi vai chị. Chị Lê nhớ lại: “Những ngày đầu chồng vắng nhà, mọi sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn. Lúc nào tôi cũng tất bật, vội vàng bởi vừa chăm sóc bố mẹ già yếu, vừa lo toan cho các con kịp giờ đến lớp, lại phải đến cơ quan cho đúng giờ”.

Khi được hỏi về bí quyết để thu xếp mọi việc gia đình ổn thỏa, chị cho biết: “Thú thực, thời gian đầu tôi rất lúng túng, nhiều đêm tôi thức rất khuya, sáng sau lại dậy sớm lo toan mọi thứ cho bố mẹ và các con. Lúc nào cũng cảm thấy quỹ thời gian trong ngày quá ít. Dần dần, tôi rèn cho các con tính tự lập, tự giác và coi đó là cách “chia lửa” với mẹ và là “món quà” dành cho bố ở đảo xa yên tâm công tác”- chị Lê vui vẻ trả lời.

Phương châm tạo cho các con tính tự giác, tự lập bằng thời gian biểu cụ thể của chị Lê đã sớm phát huy tác dụng. Cháu Nguyễn Hồng Thái, con đầu của anh chị, đã tự đến lớp bằng xe đạp; hằng ngày, cháu còn giúp mẹ việc nhà và dạy em gái học. Anh Minh cho biết: “Ở ngoài đảo, quanh năm với sóng biển trập trùng, mỗi lần con gái gọi điện thì vui lắm. Càng mừng hơn khi con khoe những điểm 10 và biết dọn nhà giúp mẹ”.

Cũng giống hoàn cảnh chị Lê, nhưng Trung úy QNCN Hà Thị Minh Thu, Điều dưỡng hành chính Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 354 còn vất vả hơn khi chồng ra nhận nhiệm vụ ngoài đảo Sinh Tồn Đông lúc con gái mới được 6 tháng tuổi. Nội ngoại đều ở xa, vợ chồng phải thuê nhà, nên điều kiện cuộc sống rất vất vả. Chị Thu nhớ lại: “Anh đi đảo cũng là lúc tôi phải đi làm sau thời gian nghỉ sinh. Việc chăm con đều phải nhờ người giúp việc. Nhiều lúc lo lắm, nhưng hoàn cảnh chẳng biết làm sao. May mà cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn”.

Ngày chồng chị từ đảo về, con gái không cho bố bế. Anh dỗ dành đủ cách, nhưng cháu cứ khóc thét lên mỗi khi bố lại gần.

Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Lê (ngoài cùng, bên trái) chăm sóc bệnh nhân.

Những ngày chồng công tác ở đảo xa, chị Thu nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 354 và đồng nghiệp trong khoa. Chị cho biết: “Khi chồng tôi nhận nhiệm vụ ra công tác ngoài Trường Sa, lãnh đạo bệnh viện và khoa đã miễn trực đêm cho tôi, nếu không tôi khó mà xoay xở được”.

Với những y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 354 lên đường thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, ngoài việc có “hậu phương” là những người vợ đảm đang, phía sau họ còn có sự quan tâm chu đáo, cụ thể của lãnh đạo bệnh viện. Đại tá Nguyễn Ngọc Du, Chính ủy bệnh viện cho biết: “Trước mỗi đợt xét, cử cán bộ lên đường, Đảng ủy, Ban giám đốc giao các khoa, ban về tận gia đình nội ngoại tìm hiểu, nắm chắc hoàn cảnh, nguyện vọng của từng đồng chí. Khi gia đình các đồng chí đó có việc đột xuất, như bố mẹ, vợ con ốm đau, bệnh viện đều cho xe về tận nhà, đưa đến bệnh viện điều trị. Nhiều việc khác, bệnh viện đứng ra lo toan chu đáo để các đồng chí công tác ở đảo yên tâm”.

Câu chuyện của Thượng tá Phạm Cường Đường (Khoa Chấn thương chỉnh hình) là minh chứng cho sự quan tâm chu đáo ấy. Anh Cường vừa ra đảo nhận nhiệm vụ được hơn ba tháng thì bố anh đột ngột qua đời. Vì nhiệm vụ nên anh không thể về chịu tang bố. Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 354 đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, họ tộc lo toan việc tang lễ chu đáo. Anh Đường tâm sự: “Bố mẹ tôi sinh được 4 người con, khi ông về với tổ tiên, có hàng trăm người đưa tiễn. Sự quan tâm của bệnh viện đã giúp tôi thêm yên tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên đảo”.

Nhờ sự quan tâm, chăm lo, giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội của Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện, nên mỗi đợt xét cử cán bộ đi nhận công tác ở Trường Sa là quyết định không dễ đối với lãnh đạo bệnh viện. Đại tá, Chính ủy Nguyễn Ngọc Du cho biết thêm: “Năm 2015, bệnh viện có 4 “chỉ tiêu” đi thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, hiện chúng tôi đã nhận được 9 lá đơn tình nguyện…”.

Bài và ảnh: KIM ANH – ĐỨC DỤC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/diem-tua-hau-phuong-257268