'Điểm tựa' tài chính giúp hợp tác xã phát triển

Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) được thành lập năm 2014, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận đã tiếp thêm nguồn lực về vốn sản xuất, kinh doanh cho các HTX.

Nhờ vốn vay từ Quỹ, HTX Thương mại tổng hợp Tuấn Lý, thành phố Hà Giang có thêm nguồn lực xây dựng nhà xưởng, thiết kế bao bì sản phẩm chè.

Nhờ vốn vay từ Quỹ, HTX Thương mại tổng hợp Tuấn Lý, thành phố Hà Giang có thêm nguồn lực xây dựng nhà xưởng, thiết kế bao bì sản phẩm chè.

Quỹ hỗ trợ phát triển HTX có mục tiêu đáp ứng nhu cầu về vốn của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; từng bước nâng cao vai trò của hệ thống Liên minh HTX trong phát triển KT-XH. Sau 6 năm hoạt động, tổng nguồn vốn của Quỹ hiện là 9,3 tỷ đồng; nguồn vốn được ngân sách tỉnh cấp dần qua từng năm và bổ sung từ lãi khoản vay, đóng góp của HTX tham gia vay vốn. Mỗi HTX được vay tối đa 500 triệu đồng, thời hạn 36 tháng, có phân kỳ trả nợ. Lãi suất vốn vay được áp dụng theo Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện là 0,55%/tháng. Từ năm 2014 đến nay, Quỹ đã giải quyết cho 45 HTX vay vốn với số tiền gần 10 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, trên kết quả thẩm định đã có 5 HTX được vay vốn, tổng giải ngân trên 1,3 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ cho biết: Thời gian qua, hoạt động của Quỹ luôn đảm bảo đúng Điều lệ tổ chức và kế hoạch. Ban điều hành và các bộ phận nghiệp vụ đã bám sát chỉ đạo, quy chế cho vay, quy chế quản lý tài chính để thẩm định, giải ngân, thu hồi nợ gốc, lãi vay. Đồng thời, Quỹ thường xuyên tuyên truyền để các HTX tìm hiểu, tiếp cận và đăng ký vay vốn. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tư vấn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án, lập hồ sơ đăng ký vay vốn để chủ động phân bổ chỉ tiêu kế hoạch giải ngân. Thông qua chính sách hỗ trợ từ Quỹ đã phần nào khắc phục khó khăn về thiếu vốn sản xuất, mở rộng đầu tư, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Tiện, Giám đốc HTX Đồng Quê (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang), cho biết: “HTX thành lập năm 2015 hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống và sản xuất hàng thủ công truyền thống. Trước kia, với đồng vốn hạn hẹp, nhiều dự định được ấp ủ nhưng đành phải “bỏ ngỏ”. Năm 2019, HTX được tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ đã giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong kinh doanh”. Cụ thể, với vốn vay 195 triệu đồng, chị Tiện đầu tư, mở rộng dịch vụ homestay. Xây dựng thêm 1 nhà sàn 5 gian, thiết kế theo kiến trúc của người Tày và nhiều công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động lưu trú, ăn uống. Đến nay công trình đã hoàn thành được 90% và dự định bắt đầu khai thác vào tháng 11.2020. Chị Tiện tin tưởng, phát huy thế mạnh của địa phương, sự đầu tư của HTX sẽ mang lại hiệu quả tốt, giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Còn đối với HTX Thương mại tổng hợp Tuấn Lý (phường Quang Trung, thành phố Hà Giang), song hành cùng sự phát triển luôn có sự đồng hành của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Thành lập năm 2014, hoạt động chủ yếu trong sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm chè. Giám đốc HTX Hoàng Thị Lý, phấn khởi chia sẻ: Lúc vừa đi vào vào hoạt động, HTX gặp nhiều khó khăn về vốn. Sau đó, được tiếp cận vốn vay từ Quỹ đã giúp HTX mạnh dạn hơn trong việc đầu tư kiên cố nhà xưởng, thuê nhân công, mở rộng vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2015 đến nay, HTX 2 lần vay vốn từ Quỹ sau khi đã hoàn thành việc trả lãi và gốc khoản vay trước. Không chỉ hỗ trợ về vốn, HTX còn thường xuyên nhận được sự giúp đỡ từ cán bộ Quỹ tham gia chia sẻ về kế hoạch sản xuất hiệu quả, ký hợp đồng cung ứng với các đối tác trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, doanh thu, lợi nhuận của HTX liên tục tăng và tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động thành viên của HTX.

Theo đánh giá, hiện nay, chất lượng tín dụng của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tương đối tốt, 100% dư nợ là trung hạn và có tài sản đảm bảo. Ngoài vay vốn tập trung đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp, các HTX còn được tư vấn, định hướng hình thành liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, đã hỗ trợ cho chuỗi giá trị sản phẩm Cam sành, mật ong Bạc hà và đầu tư sản xuất theo Chương trình OCOP, như: HTX tinh dầu lạc Đồng Yên, HTX Hoa bạc hà; HTX Gà xương đen... Thời gian tới, Quỹ tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp các HTX, thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất tiến tới liên kết, hợp tác, xây dựng các hình thức kinh tế tập thể.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202009/diem-tua-tai-chinh-giup-hop-tac-xa-phat-trien-765760/