Điểm yếu chí mạng của máy bay do thám Mỹ

Vụ Iran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Hải quân Mỹ hôm 20-6 qua nêu bật một điểm yếu của lực lượng do thám thuộc Lầu Năm Góc.

Ngoài một số phương tiện thuộc diện mật, quân đội Mỹ phần lớn dựa vào máy bay di chuyển với tốc độ chậm và không được trang bị tính năng tàng hình (cả không người lái lẫn có người lái) cho hoạt động thu thập thông tin tình báo, trinh sát và do thám.

Những máy bay này dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng không mới nhất của Iran, Trung Quốc và Nga.

Điều này thể hiện rõ khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 20-6 khẳng định bắn hạ một máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ khi "bay trong không phận Iran, gần Eo biển Hormuz".

Một chiếc RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Một chiếc RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ sau đó nói rõ chiếc bị bắn hạ là BAMS-D, nguyên mẫu dành cho Hải quân của chiếc RQ-4A Global Hawk đang được Không quân Mỹ sử dụng. Global Hawk có sải cánh cỡ chiếc Boeing 737.

Tập đoàn Northrop Grumman bắt đầu chế tạo 4 chiếc BAMS-D từ năm 2008. Hải quân Mỹ sau đó đưa 2 chiếc đến đóng tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đến cuối năm 2019, phiên bản chính thức của Global Hawk dành cho Hải quân Mỹ, gọi là MQ-4C, dự kiến đi vào hoạt động.

BAMS-D được trang bị camera, radar và được thiết kế để giám sát và nhận biết tàu thuyền nào phát hiện được trong vùng biển hoạt động. BAMS-D có thể bay cao đến gần 20.000 mét, ngoài tầm với của nhiều hệ thống phòng không.

Dù vậy, máy bay không người lái này bay dưới tốc độ âm thanh và thiếu tính năng tàng hình nên dễ trở thành mục tiêu của các tên lửa đất đối không mạnh mẽ nhất.

Một chiếc BAMS-D của Hải quân Mỹ. Ảnh: WTOP

Một chiếc BAMS-D của Hải quân Mỹ. Ảnh: WTOP

Lực lượng Iran tuyên bố đã sử dụng một phiên bản của tên lửa Buk M1 để bắn hạ BAMS-D. Ngoài ra, IRGC hiện còn sở hữu hệ thống phòng không S-300 của Nga.

Không quân Mỹ hiện có những phương tiện như máy bay do thám U-2, máy bay trinh sát điện tử RC-135, máy bay radar E-3 (đều có người lái), hai máy bay không người lái RQ-4 và MQ-9. Hải quân Mỹ có máy bay không người lái MQ-4 và máy bay tuần tra P-8.

Có tổng cộng hàng trăm máy bay loại này và chúng được quân đội Mỹ xếp vào loại không thể xâm nhập, tức có thể bị các hệ thống phòng không tầm cao đe dọa. Mỹ chỉ có 2 loại máy bay không người lái tàng hình là RQ-170 và RQ-180 nhưng số lượng không nhiều.

Những mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay không người lái Mỹ bị Iran bắn hạ được IRGC trưng ra tại Tehran hôm 21-6. Ảnh: Tasnim

Những mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay không người lái Mỹ bị Iran bắn hạ được IRGC trưng ra tại Tehran hôm 21-6. Ảnh: Tasnim

Biết rõ vấn đề nói trên, Không quân Mỹ hồi cuối năm 2018 kêu gọi chế tạo nhiều hơn nữa loại phương tiện thu thập thông tin tình báo, trinh sát và do thám.có khả năng đối phó mối đe dọa từ tên lửa phòng không.

Vào đầu năm 2019, Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (Mỹ) đề xuất Không quân Mỹ giảm số lượng phi đội do thám từ 40 xuống còn và thay thế nhiều máy bay phi tàng hình cũ bằng 120 máy bay tàng hình mới, chủ yếu là máy bay không người lái.

Đáng chú ý là Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) hồi năm 2013 đã thông báo nỗ lực phát triển máy bay do thám tàng hình mới, gọi là SR-72 và có khả năng bay nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh. Ông Jack O'Banion, phó chủ tịch Lockheed, vào năm ngoái nói bóng gió về sự tồn tại của một chiếc SR-72 có thể bay được.

P.Võ (Theo The National Interest)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/diem-yeu-chi-mang-cua-may-bay-do-tham-my-20190622151334645.htm