Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/9

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 24/9/2024.

Nga đưa tổ hợp Pantsir-S1 lên tháp phòng không 2 bên cầu Crimea: Theo Defense Express, Nga đang xây dựng tháp kim loại để đặt hệ thống phòng không nhằm tăng cường bảo vệ cầu Kerch (còn gọi là cầu Crimea).

Hệ thống phòng không Pantsir-S1. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Hệ thống phòng không Pantsir-S1. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Các hình ảnh mới về khu vực xung quanh cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga cho thấy, có ít nhất 2 tháp kim loại có đặt hệ thống phòng không trên đó.

Tháp kim loại được dựng ở cả 2 bên cầu. Theo quan sát, chiều cao của chúng là khoảng 30-35m so với mực nước biển. Trên đỉnh tháp, Nga đặt bệ phóng của hệ thống phòng không Pantsir-S1M. Hệ thống phòng không này có thể được triển khai trên khung gầm bánh xích và bánh lốp, hoặc được lắp đặt cố định, tạo ra một “mái vòm” bảo vệ mục tiêu với bán kính 20km.

Ảnh vệ tinh tiết lộ kho đạn Nga bị phá hủy trong cuộc không kích của Ukraine: Các hình ảnh vệ tinh mới được công bố đã cho thấy hậu quả cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào kho đạn của Nga ngày 21/9 giữa bối cảnh Kiev tiếp tục các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào các địa điểm quân sự quan trọng của Moscow.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một đám cháy lớn tại một cơ sở lưu trữ đạn dược ở phía Nam nước Nga và Ukraine tuyên bố nước này đã nhắm vào nó trong đêm. Kiev thường nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga, trong đó có các kho đạn dược và căn cứ không quân dọc biên giới khi nước này cố gắng gây tổn thất cho nỗ lực tiến hành chiến dịch quân sự của Nga.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 21/9 cho biết các lực lượng của nước này đã tấn công kho đạn dược gần Tikhoretsk, một thị trấn gần khu vực Krasnodar ở Tây Nam nước Nga. Theo Bộ này, Cơ quan An ninh Ukraine cũng đã tấn công một kho đạn dược của Bộ Quốc phòng Nga gần Oktyabrskiy - ngôi làng ở khu vực Tver.

Nga sẽ nghiên cứu “Kế hoạch Chiến thắng” của Ukraine nếu có thông tin chính thức: Phát biểu tại buổi họp báo hôm nay (23/9), Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ nghiên cứu “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Ukraine nếu có thông tin chính thức.

“Nga tin rằng không thể tiến hành bất kỳ phân tích nào dựa trên các báo cáo của phương tiện truyền thông. Nếu một số thông tin xuất hiện từ các nguồn chính thức, tất nhiên chúng tôi sẽ nghiên cứu. Trong khi đó, hiện có rất nhiều thông tin khác nhau, bao gồm thông tin trái ngược, thông tin không đáng tin cậy. Chúng tôi thận trọng về điều này”. - ông Peskov cho biết.

Nếu không sử dụng hạt nhân, Nga sẽ làm gì để bảo vệ các lằn ranh đỏ của mình?: Kể từ bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Nga đã cảnh báo phương Tây về việc cung cấp chiến đấu cơ hiện đại như F-16, xe tăng chiến đấu chủ lực và tên lửa cho Ukraine nhưng mỗi lằn ranh được đặt ra đó cuối cùng đều bị vượt qua.

Các nhà phân tích và các quan chức thân cận với giới ngoại giao Nga cho biết, thay vì sử dụng hạt nhân, Tổng thống Putin đang tìm kiếm một phản ứng tinh tế và hạn chế hơn đối với việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga.

"Đã có nhiều đe dọa hạt nhân được đưa ra. Tuy nhiên, cũng đã có sự miễn nhiễm với những tuyên bố như vậy và chúng không làm ai sợ hãi", một quan chức Nga giấu tên nhận định.

Pháp kêu gọi xem xét lại quan hệ giữa EU - Nga: Ngày 22/9, Tổng thống Pháp Emmamuel Macron đã kêu gọi các nước châu Âu xét lại mối quan hệ với Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine và cần sớm thiết lập “một trật tự quốc tế mới”.

Phát biểu khai mạc tại “Hội nghị quốc tế về hòa bình” ở Paris (Pháp) ngày 22/9, Tổng thống Macron cho biết, “chúng tôi đang cố gắng phát triển Cộng đồng Chính trị châu Âu, nhưng chúng tôi cần suy nghĩ về một tổ chức mới của châu Âu, và sau đó xem xét lại mối quan hệ của chúng tôi với Nga để đảm bảo sự ổn định chính trị cho châu lục”.

Bên cạnh đó, Nhà lãnh đạo Pháp cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu và thế giới tập trung “xây dựng một trật tự thế giới mới”. Ông Macron cho rằng đây là thách thức lớn nhất hiện nay vì trật tự thế giới hiện tại không đầy đủ và bất công do được hình thành vào cuối Thế chiến II, không tính đến các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng khoa học công nghệ.

Nga sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần 2: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm qua cho biết, Nga sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ 2 về Ukraine dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới vì nó không liên quan đến tiến trình giải quyết xung đột.

Phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga là nhằm đáp lại kế hoạch của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai vào tháng 11, nơi ông dự định mời các đại diện của Nga.

Bà khẳng định, các đại diện của Nga chưa tham gia bất kỳ cuộc họp nào theo cái gọi là công thức hòa bình Burgenstock, Thụy Sĩ hồi tháng 6 vừa qua và không có kế hoạch tham gia hội nghị tiếp theo.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-249-post1123497.vov