Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024: Văn hóa báo chí, quan trọng nhất ở người đứng đầu

Để xây dựng văn hóa báo chí bền vững, tính gương mẫu của người đứng đầu rất quan trọng.

Chiều 15/3, trong khuôn khổ Chương trình Hội Báo toàn quốc năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với Chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”.

Tấm gương của người đứng đầu

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật cho rằng, việc xây dựng văn hóa trong môi trường báo chí vì nhiều nguyên nhân, nhưng gốc rễ vẫn là do báo chí hiện nay đã thay đổi theo những thay đổi của xã hội; sản phẩm báo chí cũng thay đổi nhiều hơn so với trước.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí".

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí".

Theo ông Thanh, tính gương mẫu của người đứng đầu rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa báo chí bền vững. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đang thiếu cơ chế và nguồn lực để xây dựng môi trường văn hóa. Trong đó, cần chú trọng đến các vấn đề thiết thực liên quan đến công tác xuất bản của tòa soạn, quy trình; hỗ trợ đời sống cho các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của tòa soạn.

“Nếu tòa soạn tốt, tất nhiên nơi đó cũng xây dựng được môi trường văn hóa ổn định, bền vững. Điều quan trọng là mỗi cơ quan phải có cách thức, chiến lược để xây dựng văn hóa khác nhau. Việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần tương ứng với thị trường, thời cuộc để phù hợp với thời cuộc và đáp ứng được các nhu cầu thông tin của bạn đọc”, ông Nguyễn Tiến Thanh lưu ý.

Tác phẩm báo chí - sản phẩm văn hóa tinh thần

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024 rất có ý nghĩa đối với các đồng chí, đồng nghiệp.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bù đắp nền tảng tinh thần xã hội, những thay đổi lớn cho môi trường kinh tế xã hội, tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở, tốt đẹp hơn.

Trong xã hội hiện nay, báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa, tác phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa tinh thần phổ biến nhất; báo chí là tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng, tích cực quảng bá, góp phần phát triển các loại hình văn hóa khác.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Hoạt động tác nghiệp của người làm báo đã có những chuyển biến mới, tích cực; người làm báo đã nhận thức và hành động trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Đặc biệt, hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã nâng lên rõ rệt.

Vẫn tồn tại tiêu cực trong báo chí

Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, đối với một số bộ phận làm báo hiện nay đang nổi lên hiện tượng xa rời, tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với công chúng, bạn đọc của mình để tìm đến các thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập.

Đối với người làm báo, tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí dọa nạt, tống tiền, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng; vẫn còn không ít hiện tượng người làm báo bất chấp quy định về đạo đức nghề nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy để đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu “view” (lượt xem). Nhiều người làm báo thiếu bản lĩnh chính trị, văn hóa, suy thoái về đạo đức, chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống.

“Các cơ quan báo chí cần thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển, phát huy giá trị văn hóa của sứ mệnh con người Việt Nam. Mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để xây dựng môi trường báo chí”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường

Một nhà báo theo đúng nghĩa, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố: Trình độ học vấn, chuyên ngành, có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa.

Người làm báo có văn hóa sẽ tự định hướng và hình thành được cho bản thân phương cách làm việc, hành động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân; khai thác thông tin để viết những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, giá trị nhân văn, tính định hướng giáo dục sâu sắc.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng người làm báo có xu hướng thương mại hóa báo chí, lợi ích nhóm, tự diễn biến tự chuyển hóa… ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí và sự phát triển chung của tòa soạn.

Mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm có trách nhiệm, tạo dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dien-dan-bao-chi-toan-quoc-nam-2024-van-hoa-bao-chi-quan-trong-nhat-o-nguoi-dung-dau-167635.html