Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao'
Ngày 5/11, tại tỉnh Phú Thọ, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) phối hợp tổ chức Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025. Đây là hoạt động hướng tới Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1748/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2023.
Dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, tỉnh Phú Thọ, các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè. Về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến chè của tỉnh Lai Châu.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo Cục trồng trọt báo cáo về tình hình phát triển, sản xuất, chế biến chè trong cả nước. Theo đó, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000ha, giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Tuy nhiên sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%. Trong tổng số 194.000 tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146.000 tấn, trị giá 237 triệu USD; chè tiêu thụ trong nước khoảng 48.000 tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD. Hiện Việt Nam mới chỉ chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới…
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Toàn tỉnh có trên 10.500ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8.400ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000ha, chiếm 67% tổng diện tích. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000ha, chiếm 67% tổng diện tích. Chè Lai Châu được xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác dưới dạng đóng bao lớn với bao bì đóng gói của các nhà nhập khẩu và được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống có yêu cầu không cao về chất lượng sản phẩm như: Afghanistan; Pakistan và Đài Loan. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp chiếm 35% tổng sản lượng chè; còn lại là xuất ủy thác và bán nội tiêu. Tỷ lệ chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi chiếm khoảng 90%; chè đen chiếm khoảng 10% sản lượng chè.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cũng nhấn mạnh tại Diễn đàn: Các công ty, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất; đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Tỉnh Lai Châu cũng ban hành các chính sách, hỗ trợ bà con phát triển ngành chè như: hỗ trợ 100% nguồn giống trong 3 năm đầu; chi phí đầu vào và đầu tư 15 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất và chế biến.
Tuy nhiên, ngành chè Lai Châu vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở chế biến quy mô nhỏ chủ yếu sản xuất chè dạng thô, mẫu mã chưa phong phú; thị trường tiêu thụ chè của tỉnh còn hạn chế… Do đó, thời gian tới Lai Châu tập trung phát triển bền vững cây chè theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Phát triển du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra một kênh tiêu thụ chè tại chỗ thông qua du lịch.
Lai Châu cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất chè, các biện pháp canh tác chè bền vững; giới thiệu và kết nối các đối tác nhập khẩu chè tại các thị trường lớn tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu sản phẩm chè Lai Châu đến doanh nghiệp và người tiêu dùng…
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từng được ví như “vàng xanh” của đất nước, mang trong mình tiềm năng to lớn và những giá trị truyền thống của sản phẩm chè Việt Nam. Sản phẩm chè Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu…
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định, ngành chè Việt Nam đang phát triển theo hướng bền vững với nhiều đơn vị sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Đa số các doanh nghiệp chè hiện nay đều ý thức và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như thách thức từ các rào cản kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu… Để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, từng bước giữ vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế, cần đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, chất lượng cao; nâng cao năng lực chế biến chè; tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế…