Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật: Giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc pháp lý

Ngày 9/10, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 diễn ra với chủ đề 'Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp'.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đã ban hành 122 nghị định, 215 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 quyết định, 35 chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.

“Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. GDP quý III/2024 tăng 7,4%, 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực với 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (163.000 doanh nghiệp)”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Diễn đàn Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Diễn đàn Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần 1 luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024, đó là: “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”.

Tại Diễn đàn, đã có 117 ý kiến về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã có báo cáo rà soát về việc giải quyết các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đề cập.

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp "lắng nghe tiếng nói" của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Bộ trưởng bày tỏ hy vọng, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 cùng hướng tới 2 mục tiêu chính như sau:

Một là, nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển hiện nay; làm rõ các vấn đề tồn tại đó xuất phát từ nguyên nhân nào, do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật hay cả hai?

Hai là, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, nhất là ở khía cạnh áp dụng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, xác định rõ các định hướng để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển.

Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ trao đổi, làm sâu sắc hơn về: (1) Vai trò của thể chế để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; thượng tôn pháp luật để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, tích cực cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; (2) Sự tương tác giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề pháp lý phục vụ sự phát triển và bứt phá đi lên; (3) Vấn đề thực thi, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dien-dan-kinh-doanh-va-phap-luat-giai-quyet-ngay-cac-kho-khan-vuong-mac-phap-ly-d226974.html