Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh
Sáng 31/5, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức họp báo cung cấp thông tin về 'Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4', do Ban Kinh tế Trung ương cùng các Bộ, ngành và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 5/6 tới đây.
Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong tình hình mới
Chủ trì buổi họp báo trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội là ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cùng nhiều lãnh đạo khác. Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, chủ trì là ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 là: “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam luôn gây được tiếng vang lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và quốc tế và được đánh giá là Diễn đàn Kinh tế hàng đầu của Việt Nam, có tầm khu vực và quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa đại diện các Ban, Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, dự kiến có khoảng 1.000 lượt đại biểu tham dự Diễn đàn là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; Đại sứ quán, Lãnh sự quán và tổ chức quốc tế; diễn giả, nhà khoa học uy tín và các doanh nghiệp.
3 hội thảo chuyên đề lớn
Khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế gồm 3 “Hội thảo chuyên đề” diễn ra vào buổi sáng 5/6, và 1 “Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao” diễn ra vào chiều cùng ngày.
Hội thảo chuyên đề 1 - “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch covid-19”, thảo luận về các vấn đề: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập và những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; Hoàn thiện pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ Luật lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19; Kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19; Vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội nhằm phát triển đồng bộ thị trường lao động sau đại dịch Covid-19; Bài học về Quản lý lao động qua đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo chuyên đề 2 - “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” thảo luận về các nội dụng như: Xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam; Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; Những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay - Kiến nghị và đề xuất giải pháp; Giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam; Xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.
Hội thảo chuyên đề 3 - “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, tập trung thảo luận các vấn đề như: Sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng toàn cầu: Những thách thức, yêu cầu mới đặt ra và hàm ý cho Việt Nam; Định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; Kinh nghiệm của Australia về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Đẩy mạnh số hóa chuỗi cung ứng trong tình hình mới: Yêu cầu, thực tiễn và vấn đề đặt ra cho Việt Nam; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp: Trường hợp của Tập đoàn Lộc Trời.
Phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận các nội dung: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới...
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Diễn đàn Kinh tế lần thứ 4 khác so với 3 Diễn đàn trước đây. Đó là “Phiên đối thoại cấp cao” có sự tham gia đối thoại trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tại Diễn đàn lần thứ 4, tham gia đối thoại là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, tất cả các ý kiến khuyến nghị, đề xuất, tham mưu từ 3 hội thảo chuyên đề buổi sáng sẽ được tổng hợp nhanh và báo cáo vào đầu “Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao” vào chiều cùng ngày.
Thông qua diễn đàn với mong muốn truyền tải thông điệp mạnh mẽ về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước nói chung.
Về chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19”, ông Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ Xã hội Ban Kinh tế trung ương, trả lời: “Hiện nay, Trong 56 triệu lao động tại Việt Nam, có 32% lao động chính thức, số còn lại là lao động phi chính thức. Lao động phi chính thức không có hợp đồng lao động, không ổn định, lấy ngắn nuôi dài, không có bảo hiểm xã hội mà phải tự nguyện nộp.
Tuy nhiên lao động phi chính thức đóng góp rất đáng kể trong phát triển kinh tế (từ 10 - 15% GDP). Dù lao động phi chính thức đóng góp lớn trong nền kinh tế, nhưng trong đại dịch Covid-19 năm ngoái xảy ra thì đối tượng này bị ảnh hưởng rất lớn. Họ không còn thu nhập, đời sống trở nên khó khăn…, dẫn đến phải dời khỏi những TP lớn để về quê. Do đó, những vấn đề liên quan đời sống, an sinh của lực lượng lao động phi chính thức luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng những chính sách”.
Về chuyên đề “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Diễn đàn lần này cũng sẽ tập trung thảo luận, lấy ý kiến về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số.
Theo ông Phương đây là một trong những thành tố quan trọng để độc lập tự chủ, do đó phải nắm vững công nghệ, độc lập công nghệ. Tuy nhiên chúng ta còn chậm so với nhiều cường quốc. Do đó đổi mới công nghệ số là nội dung rất quan trọng vì trong chủ trương, chính sách của Đảng cũng như giải pháp của Chính phủ xem việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số phải đặt ra hết sức quyết liệt vì nó có vai trò đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Về vấn đề đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cũng được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết giai đoạn đại dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia đều bị ảnh hưởng. Do đó ổn định chuỗi cung ứng là vấn đề hết sức quan trọng. Hiện nay các doanh nghiệp đều đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo sản xuất, nhưng rất khó nắm bắt được chiến lược của mỗi quốc gia.
Đối với kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nói thêm: “Năm 2021, chúng ta đã có Nghị quyết 105 và nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đến nay chương trình phục hồi kinh tế tiếp tục có những mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã có những kết quả ban đầu. Đơn cử chính sách thuế thực hiện ngay từ đầu năm (giảm thuế, thông qua hỗ trợ gói 40.000 tỷ lãi suất 2%, hiện Nhà nước đang bố trí vốn cho các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay, hay Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai những khoản cho công nhân vay thuê mua nhà ở xã hội…).