Diễn đàn 'Làm thế nào để công tác cứu trợ được hiệu quả, thiết thực?': Suy ngẫm về văn hóa vận động quyên góp

Cơn bão đi qua, việc nhanh chóng ổn định, tái lập lại cuộc sống quan trọng hơn bao giờ hết. Cần lắm sự chung tay vào lúc này, để nhanh chóng xây dựng lại 'điện, đường, trường, trạm. Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân!

Từ rất lâu và đã trở thành truyền thống của người dân Việt Nam, mỗi khi cộng đồng chịu thiệt hại do thiên tai, bão lũ… thì không ai bảo ai, mọi người sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo", chia sẻ khó khăn để cùng nhau vượt qua.

Cơn bão Yagi đã khiến Nhân dân các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề. Sau lời kêu gọi phát động của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã có biết bao tập thể, cá nhân ủng hộ tiền, hàng hóa, vật dụng… cho Nhân dân các khu vực bị ảnh hưởng. Trong quá trình tiếp nhận, đã nảy sinh nhiều câu chuyện khiến chúng ta phải suy ngẫm…

Tăng cường thông tin, tuyên truyền

Việc nắm các thông tin về sức mạnh của cơn bão, hoàn lưu sau bão và những thiệt hại do cơn bão gây ra chủ yếu cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên không gian mạng và các nền tảng xã hội việc cập nhật còn hạn chế dẫn đến chậm nắm được số liệu thiệt hại chính xác theo mốc thời gian. Nội dung thông tin chưa được cập nhật thường xuyên nên sẽ khó trong việc định hướng, nắm bắt và dự đoán để hỗ trợ kịp thời.

TP HCM tổ chức các chuyến xe chở hàng hóa và tình nguyện viên đến hỗ trợ các tỉnh phía Bắc (ảnh: HOÀNG TRIỀU)

TP HCM tổ chức các chuyến xe chở hàng hóa và tình nguyện viên đến hỗ trợ các tỉnh phía Bắc (ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Do thông tin có lúc chưa được tuyên truyền kịp thời dẫn đến việc người dân "mặc định" ủng hộ cứu trợ là mì gói, gạo, quần áo cũ… Có nơi vì chưa nắm hết thông tin địa hình, tình hình thời tiết, đặc điểm dân số và khu vực dân cư, phương thức kết nối với địa phương… nên đã vận động, ủng hộ theo "trào lưu". Hàng hóa với hạn sử dụng ngắn ngày được ưu tiên hàng đầu nhưng cũng gây áp lực cho quá trình vận chuyển, chưa kể nhân lực tại thời điểm tiếp nhận, phân phối cũng có giới hạn về phương thức và kinh nghiệm thực hiện.

Vì vậy, nên có một cổng thông tin tiếp nhận nhu cầu từ các địa phương bị thiệt hại. Địa phương nào cần hỗ trợ việc gì thì lãnh đạo địa phương đó đăng nhập và tạo thông tin nhu cầu hỗ trợ. Ví dụ như Làng A đang bị lũ, cần 5 tấn gạo, 10.000 lít nước sạch, thuốc men… Bởi không ai hiểu rõ nhu cầu bằng chính người dân ở đó. Từ đó, Nhân dân cả nước cũng sẽ dõi theo từng thời điểm để có chuẩn bị những phần quà cứu trợ đúng mục đích, nhu cầu. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành cùng chia sẻ để Nhân dân biết và tiếp nhận theo từng giai đoạn.

Thực hiện đúng quy định về công khai tiền ủng hộ, hàng hóa

Lần đầu tiên việc công khai số tiền vận động ủng hộ, hiện vật tiếp nhận, phân phối tiền và hiện vật đã tiếp nhận được thực hiện theo quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên công khai đến đâu, cách thức công khai đòi hỏi phải được nghiên cứu, thực hiện đúng quy định.

Các chiến sĩ của TP HCM vận chuyển hàng hóa cứu trợ lên xe để chở đến các vùng bị thiệt hại do thiên tai nhằm cứu trợ cho bà con (ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Các chiến sĩ của TP HCM vận chuyển hàng hóa cứu trợ lên xe để chở đến các vùng bị thiệt hại do thiên tai nhằm cứu trợ cho bà con (ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Thời gian qua, việc sao kê số tiền ủng hộ chuyển vào tài khoản tiếp nhận vận động là hoàn toàn cần thiết. Điều này thể hiện sự công khai, minh bạch trong công tác vận động, cứu trợ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc bảo mật thông tin cá nhân chuyển khoản, nội dung chuyển khoản nên thể hiện sự sẻ chia, xác minh nhân thân thực hiện giao dịch, tránh việc đùa giỡn, công kích cá nhân hoặc lợi dụng để quảng cáo, đánh bóng tên tuổi... Số tiền ủng hộ dù ít dù nhiều không quan trọng nhưng việc tự nguyện ủng hộ và công khai minh bạch trước cộng đồng cũng nên thực hiên một cách văn minh, đúng pháp luật trong bối cảnh hiện nay.

An toàn- kịp thời- hiệu quả- lâu dài

Việc tự nguyện thành lập các đoàn cứu trợ cũng thể hiện tinh thần "Lá lành đùm lá rách", nhanh chóng cùng chính quyền địa phương hỗ trợ giúp dân ổn định cuộc sống. Đặc biệt các đoàn cứu trợ tự phát tham gia trong khi thông tin về địa hình, cách thức sinh sống của người dân địa phương còn hạn chế.

Một số đoàn cứu trợ tự phát đã không đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện công việc của mình, vô tình trở thành nỗi lo lắng của địa phương trong khi thực tế còn rất nhiều việc phải giải quyết sau bão lũ. Nguyên tắc trong cứu trợ chính là "an toàn - kịp thời - hiệu quả - lâu dài", tránh phát sinh những việc đáng tiếc.

Sẽ thật cần thiết nếu có bản đồ hiển thị các vùng đang bị lũ, đang bị chia cắt không tiếp cận được hay những cảnh báo sạt lở, cảnh báo nguy cơ… để các đoàn cứu trợ nắm thông tin kịp thời. Cần thiết có bản đồ cập nhật từng giai đoạn để các địa phương có thêm thông tin hỗ trợ (màu đỏ: cấp cứu con người; màu cam: hỗ trợ về kinh phí để thực hiên chăm lo kịp thời cho người dân; màu tím: kịp thời hỗ trợ, cung cấp thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết; màu vàng: hỗ trợ phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ; màu xanh: tập trung các hoạt động khôi phục, xây dựng, nhanh chóng ổn định cuộc sống).

Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào chưa bao giờ lên cao như lúc này khi cả nước đều hướng về miền Bắc. Cơn bão đi qua, việc nhanh chóng ổn định, tái lập lại cuộc sống là rất quan trọng. Cần lắm sự chung tay vào lúc này, để nhanh chóng xây dựng lại "điện, đường, trường, trạm. Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân!

TỪ VĂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dien-dan-lam-the-nao-de-cong-tac-cuu-tro-duoc-hieu-qua-thiet-thuc-suy-ngam-ve-van-hoa-van-dong-quyen-gop-196240918232516949.htm