Diện mạo mới ở bản tái định cư

Chuyển đến nơi ở mới được gần 2 năm, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng 42 hộ dân ở khu tái định cư (TĐC) Ón 2, bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) đã phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Vùng đất hoang hóa năm nào giờ đây đã hình thành một ngôi làng xinh xắn của người Mông.

Anh Giàng A Chống và cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung đi kiểm tra tình hình an ninh ở khu TĐC Ón 2.

Anh Giàng A Chống và cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung đi kiểm tra tình hình an ninh ở khu TĐC Ón 2.

Con đường từ trung tâm xã đến bản Ón khá xa, đi qua nhiều quả đồi uốn lượn. Sau khoảng 2 giờ chúng tôi cũng đến nơi. Địa bàn bản Ón rộng, chia 3 khu vực: Ón 1, Ón 2 và Ón 3 với 117 hộ đều là dân tộc Mông, hơn 700 khẩu. Anh Giàng A Chống, Bí thư chi bộ, trưởng bản, phấn khởi cho biết: “Có nơi ở ổn định, bà con chăm lo sản xuất và trồng được lúa 1 vụ/năm, trồng ngô, sắn cao sản để “lấy ngắn nuôi dài”, trồng rừng, nhân đàn gia súc, gia cầm. Nhiều hộ đã có thu nhập khá, như hộ anh Giàng A Khoa, Giàng A Chìa, Giàng A Sào... mỗi hộ có hơn 20 con trâu, bò trở lên. Các hộ dân trong khu TĐC hầu như nhà nào cũng sắm được 1 chiếc xe máy để đi làm”.

Nghe anh Chống kể, chúng tôi mừng cho các hộ đã có quyết định sáng suốt di chuyển về nơi TĐC an toàn, bảo đảm tính mạng và tài sản, ổn định phát triển kinh tế. Được sự quan tâm của cấp trên, năm 2022 cấp ủy, chính quyền xã và Đồn Biên phòng Tam Chung nỗ lực giúp dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ở nơi có nguy cơ cao bị sạt lở và đã bị sạt lở di dân đến khu TĐC được quy hoạch theo Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025”. Vì bà con dân tộc Mông quen ở trên cao, sống độc lập từng gia đình riêng... nên vận động rất khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với cán bộ ĐBP thường xuyên về bản họp, phân tích, động viên các hộ. Đồng chí Vi Bình Minh, Tổ trưởng tổ công tác biên phòng bản Ón, cho biết: “Để vận động bà con dời khỏi nơi sạt lở nguy hiểm không phải chuyện dễ dàng. Chỉ riêng việc vận động thuyết phục bà con đến nơi ở mới cũng mất khoảng một năm. Những hộ dân này sống ở vùng nguy cơ cao, nước lớn từ thượng nguồn đổ về, cuốn đi tài sản của bà con, gây sạt lở nghiêm trọng, dân cư nơi đây sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Nhưng khi có chủ trương di dời đến nơi ở mới, tâm lý họ lại không muốn đi. Chúng tôi với ban phát triển bản tuyên truyền, vận động bà con mọi lúc, mọi nơi. Cứ “3 bám, 4 cùng” đồng hành, phân tích cho các hộ hiểu lợi ích của nơi ở mới là con cái được đi học tập trung, các gia đình ở gần hỗ trợ nhau, có nhà, có phương tiện sản xuất, sinh hoạt tiện lợi hơn rất nhiều để họ so sánh, quyết định.

Để tạo sự công bằng, địa phương tổ chức cho các hộ bốc thăm. Với tổng số 42 căn/42 hộ, mỗi căn có diện tích 50m2 được trang bị điện, nước, nền bê tông kiên cố. Các hộ di dời được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ, trong đó có 40 triệu đồng di dời. Vì các hộ ở nhà gỗ nên khi di dời, chính quyền và Tổ công tác biên phòng bản Ón giúp dân, vận động thêm các hộ khác tham gia vận chuyển vật liệu đến nơi TĐC để dựng lại nhà. Các hộ đổi công cho nhau di dời để giảm chi phí.

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng biên phòng, người dân Ón 2 nhanh chóng bắt tay vào xây dựng bản mới. 42 nóc nhà kiên cố được dựng lên đón bà con về ở đầu năm 2023. Một con đường bê tông uốn lượn chạy đến khu TĐC đã góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo của bản và cũng xóa đi sự cách trở khó khăn. Các hộ có ti vi xem, sử dụng điện thoại thông minh để tìm hiểu thông tin. Bà con đã bỏ thói quen nuôi thả gia súc, gia cầm mà chuyển sang nuôi nhốt, thả trên đồi nên vệ sinh môi trường đã được cải thiện. Nếp sống văn hóa mới dần hình thành. Chi hội phụ nữ bản vận động hội viên thực hiện 3 sạch: Sạch nhà, sạch ngõ, sạch chuồng trại chăn nuôi; Đồn Biên phòng Tam Chung cấp cây xanh trồng dọc tuyến đường vào khu TĐC... tạo không gian xanh, sạch, đẹp nơi ở mới. Khu TĐC có khoảng 10 cháu đang học THPT, 20 cháu học THCS, trẻ nhỏ được đi học đúng tuổi. Bà con cảm ơn Đảng và Nhà nước đã mang cho họ một cuộc sống no đủ hơn.

Qua “thông dịch viên” là bí thư, trưởng bản Giàng A Chống, bà Lâu Thị Va cho biết: “Chúng tôi mừng lắm, giờ ai cũng biết làm ăn, có cái ăn, cái mặc, không khổ như trước. Sinh hoạt tiện lợi, giao thông đi lại thuận tiện, chúng tôi thường chia sẻ giúp nhau”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Chống bày tỏ niềm vui và sự biết ơn đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và bộ đội biên phòng. Cá nhân anh được cán bộ biên phòng giúp đỡ nhiều lắm. Anh là người đầu tiên của bản xung phong đi bộ đội. Năm 2008, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh được Đảng ủy, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Tam Chung giúp đỡ, cử cán bộ quan tâm, dìu dắt. Năm 2010, anh Chống được kết nạp Đảng. Năm 2014 đến nay, anh Chống được bầu làm Bí thư chi bộ, rồi Trưởng bản Ón.

Rời khu Ón 2 trong cơn mưa chiều bất chợt, trời bắt đầu chuyển tối, dần khuất màu xanh của núi rừng. Thay vào đó là ánh sáng điện của mấy chục nóc nhà kiên cố, khang trang, sạch sẽ. Cuộc sống của bà con Ón 2 đang dần thay đổi, bình yên. Ở đó có bí thư, trưởng bản người Mông nhiệt huyết, trách nhiệm. Anh là cầu nối bà con dân bản Mông tiếp cận với những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dien-mao-moi-o-ban-tai-dinh-cu-33225.htm