Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh hiện có 61 xã khu vực III với 699 thôn, bản đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách từ Chương trình 135. Thu nhập của đồng bào chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 38,6%.

Thực hiện phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua tỉnh đã huy động mọi nguồn lực và triển khai thực hiện lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ. Giai đoạn 2015 - 2019, từ nguồn vốn chương trình 135, tỉnh đã bố trí, thực hiện đầu tư trên 598 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn đầu tư cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Trong đó, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở như đường giao thông, thủy lợi, đường điện, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ cho các hộ nghèo, nhóm hộ các loại giống gia súc, gia cầm, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xây dựng các mô hình giảm nghèo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Người Dao thôn Tân Dân, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) được sử dùng nước sạch đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135.

Người Dao thôn Tân Dân, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) được sử dùng nước sạch đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135.

Chương trình 135 đã được cấp ủy, chính quyền xã Tân Tiến (Yên Sơn) thực hiện hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng. Từ năm 2015 đến nay, xã đã thực hiện xây dựng 3 cầu tràn liên hợp thôn 6, thôn 5, thôn 9 và đường bê tông thôn 10 đi thôn Đặng, tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng. Bà Hồ Thị Vinh, Trưởng thôn Đặng cho biết: “Trước đây đường vào thôn là đường đất nhỏ, hẹp, lầy lội, phụ huynh không yên tâm khi cho con trẻ tự đi học vì lấm bẩn, trơn trượt. Người dân làm ra nông sản phải chở được bằng xe máy ra đường lớn. Giờ có đường được bê tông giúp cho bà con đi lại thuận tiện, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân phát triển kinh tế”. Thực hiện hỗ trợ người dân đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, 262 hộ dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của xã được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với kinh phí gần 880 triệu đồng. Từ các chương trình dự án của chương trình 135, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất người dân, góp phần giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 28%, đến nay còn 16%.

Xã Trung Yên (Sơn Dương) có hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, 6/7 thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Bà Hoàng Thị Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguồn vốn Chương trình 135 giúp xã đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi để các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển. Khi triển khai thực hiện các hợp phần, xã tổ chức họp dân, công khai dân chủ nên tạo được sự đồng thuận cao. Từ năm 2016 đến nay, Trung Yên được đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng xây dựng 6 công trình thiết yếu, trong đó thôn Yên Thượng được đầu tư xây dựng 2 công trình với tổng số vốn hơn 1 tỷ đồng. Xã tập trung hỗ trợ trồng mới và cải tạo hơn 10 ha chè cành năng suất cao; đầu tư hỗ trợ hàng trăm máy móc, con giống... cho người dân. Gia đình bà Trần Thị Lơ, thôn Yên Thượng là một trong những hộ thoát nghèo bền vững nhờ mô hình trồng chè. Trước đây, cuộc sống khó khăn, thu nhập chỉ trông vào 5 sào đất đồi trồng sắn lâu năm đã kém hiệu quả, từ nguồn vốn của Chương trình 135 gia đình bà được hỗ trợ hơn 29.000 bầu chè cành trồng trên toàn bộ diện tích đất đồi. Chịu khó chăm sóc, đến nay 5 sào chè của gia đình đã cho thu nhập ổn định mỗi năm chè cho hái 8 - 10 lứa, thu lãi 50 triệu đồng. Năm 2017, gia đình bà đã được công nhận thoát nghèo.

Cùng với thực hiện hiệu quả Chương trình 135, chương trình 30a, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số như: Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… đã được tỉnh thực hiện có hiệu quả, đem lại cuộc sống mới cho người dân tộc thiểu số vùng khó khăn.

Từ những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và sự đóng góp tích cực của đồng bào các dân tộc, đến nay toàn tỉnh 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 134/141 xã, thị trấn có đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt 95,04%. Tỷ lệ thôn bản có đường ô tô đến trung tâm thôn đạt 85,5%. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 4%/năm, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân gần 6%/năm.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/dien-mao-moi-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-118330.html