Diện mạo nông thôn Hậu Giang chuyển biến rõ nét nhờ hạ tầng cải thiện

Gần 10 năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang đã có sự chuyển biến rõ nét, tạo dấu ấn mới trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Trung ương và góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

Địa phương đi đầu của vùng

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2011 tỉnh này thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) theo 19 tiêu chí Trung ương ban hành với xuất phát điểm là tỉnh mới chia tách và thuộc dạng khó khăn nhất ở vùng Tây Nam bộ. Sau gần 10 năm thực hiện, Hậu Giang đã nằm trong Top đầu về số xã, huyện đạt chuẩn NTM trong vùng Tây Nam bộ với số vốn đầu tư được huy động lên tới gần 25.000 tỷ đồng.

Tới nay toàn tỉnh có 29/51 xã đạt chuẩn NTM, đạt 56,86%, so với kết thúc giai đoạn 1 (năm 2015) tăng 16 xã. Hiện tỉnh có xã Đại Thành đạt chuẩn NTM nâng cao và thị xã Ngã Bảy là đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,6 tiêu chí/xã, trong đó xã thấp nhất đạt 8/19 tiêu chí.

Dự kiến kết thúc năm 2020, số xã đạt chuẩn NTM được nâng lên 35/51 xã, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng lên là 3/8 đơn vị, số xã NTM nâng cao là 3 xã, bình quân các xã đạt 17,04 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Tỉnh xác định ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất như điện, đường… trước để phát triển nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Quá trình này được đẩy tới theo phương châm “Lộ, cầu đi trước, điện, nước sạch theo sau”. Tiếp theo là chuyện làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo… Tất cả, do chính bà con nông dân thực hiện.

Ngành điện lực tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực đầu tư gần 700 tỷ đồng để đem điện phục vụ gần 200 nghìn hộ dân trong toàn tỉnh

Ngành điện lực tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực đầu tư gần 700 tỷ đồng để đem điện phục vụ gần 200 nghìn hộ dân trong toàn tỉnh

Phủ lưới điện tới từng hộ dân vùng lõm

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hậu Giang, kết quả nổi bật nhất trong hành trình xây dựng NTM của tỉnh là hệ thống điện bởi Hậu Giang là tỉnh nằm trong vùng trũng của khu vực Tây Nam bộ, có hệ thống sông, ngòi chằng chịt nên việc xây dựng hệ thống điện rất khó khăn. Tuy nhiên, ngành điện lực tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực đầu tư gần 700 tỷ đồng xây dựng 1.630km đường dây trung thế, 3.600km đường dây hạ thế, đem điện phục vụ gần 200 nghìn hộ dân trong toàn tỉnh.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Công ty Điện lực Hậu Giang triển khai thực hiện 10 dự án công trình lưới điện phân phối (tổng mức đầu tư trên 254 tỷ đồng), bao gồm các dự án xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đường dây trung áp, xây dựng mới đường dây hạ áp… nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng điện của người dân khu vực nông thôn, tăng cường năng lực cung cấp điện cho các khu công nghiệp (KCN).

Ngoài ra, công trình trạm biến áp 100kV/22kV Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Thạnh có quy mô 40MVA đang thực hiện các thủ tục đầu tư, nhằm đảm bảo cấp điện cho KCN đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải trong khu vực. Điều này sẽ góp phần tăng thu hút đầu tư KCN và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để những hộ dân còn lại ở các vùng lõm, vùng sâu chưa có điện, năm 2019 vừa qua tỉnh này đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 06/NQ-HÐND về dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án là 482 tỷ đồng. Dự án này được đầu tư sẽ phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có điện, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân trí cho người dân vùng nông thôn. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, cơ bản đưa điện lưới quốc gia phủ kín vùng nông thôn còn nhiều khó khăn của Hậu Giang.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang - cho biết, tính đến nay tỉnh đã xác nhận cho 51/51 xã đạt Tiêu chí số 4 về điện (100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt Tiêu chí số 4).

Riêng về chợ hiện có tổng cộng 43/51 xã đạt Tiêu chí số 7 về cơ sở hạng tầng nông thôn, đạt tỷ lệ 84,31%. Trong đó, Sở Công Thương đã thẩm tra, xác nhận 30/51 xã; 13 xã xóa quy hoạch chợ, hoặc chưa cần thiết để xây dựng chợ. Tới nay, theo đánh giá chung, bộ mặt chợ nông thôn ở Hậu Giang đã cơ bản văn minh, hiện đại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân trên địa bàn.

Trong kế hoạch sắp tới, ông Thậm cho biết: Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 04/KH-UBND, Kế hoạch số 32/KH-UBND của UBND tỉnh Hậu Giang khảo sát Tiêu chí số 4 về điện và Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn nhằm chung sức hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-mao-nong-thon-hau-giang-chuyen-bien-ro-net-nho-ha-tang-cai-thien-142898.html