Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ: Vì sao 'chốt' giá mua hơn 1.000 đồng/kWh?

Đưa ra mức giá mua điện dư hiện tại theo số liệu năm trước, đại diện ban soạn thảo cho biết, để tạo thuận lợi cho cả bên bán và bên mua điện, giá thị trường điện bình quân trong năm quá khứ được áp dụng là phù hợp.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135 (ngày 22/10) quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Theo đó, nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng là nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng trên phạm vi cả nước.

Vấn đề giá mua điện dư được nhiều người quan tâm, khi quy định: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.

Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố. EVN cho biết, giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng/kWh.

Điện mặt trời mái nhà được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt thực tế (Ảnh minh họa).

Điện mặt trời mái nhà được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt thực tế (Ảnh minh họa).

Nhiều phương án đề xuất

Mức giá trên được chốt sau khi Bộ Công thương trước đó đã đưa ra nhiều đề xuất khác nhau.

Cụ thể, tại báo cáo ngày 11/7 Bộ Công thương đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là áp dụng bằng bình quân giá điện năng theo chi phí tránh do Bộ Công thương ban hành. Phương án này được cho là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với hiện trạng của hệ thống đo đếm hiện nay mà không cần tốn chi phí nâng cấp đảm bảo thanh toán theo thị trường điện; đặc biệt là các hộ nhỏ.

Phương án 1 này cũng đúng với bản chất của việc bán điện dư, không cam kết công suất, do vậy, không khuyến khích trả chi phí công suất tránh được trong trường hợp này.

Phương án 2 là lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không bao gồm giá CAN) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh.

Việc loại trừ chi phí phân phối được lý giải là EVN đã đầu tư lưới phân phối để cấp điện cho khách hàng, do vậy, EVN phải thu hồi để bù đắp một phần chi phí phân phối không thu được trong quá trình khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mà không mua điện của EVN.

Phương án này cũng được Bộ Công thương đánh giá là đảm bảo tính thị trường hơn phương án 1, có thể áp dụng cho cả bán điện dư trong cơ chế DPPA không sử dụng lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, việc thực hiện lại rất phức tạp, khối lượng tính toán tăng lên nhiều vì phải tính từng chu kỳ giao dịch theo thị trường điện và phải tốn nhiều chi phí để nâng cấp hệ thống đo đếm theo thị trường, đặc biệt là những hộ tiêu thụ điện nhỏ (chi phí trang bị hệ thống đo đếm gấp 8 đến 10 lần hiện nay).

Cho biết hiện nay không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng một giá mua điện dư, do đó, không đủ lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia theo phương án 1 hay phương án 2. Để đơn giản trong thực hiện, nên Bộ Công thương đã đưa ra phương án 3, tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600-700 đồng/kWh.

Sau khi Bộ Công thương có đề xuất trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ này nghiên cứu cơ chế bù - trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua.

Tại báo cáo ngày 5/8/2024, Bộ Công thương đề xuất giá mua bán điện dư phát lên lưới của năm hiện tại được áp dụng không vượt quá giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề, do các bên mua bán thỏa thuận. Tức là, giá chốt hiện nay.

Vì sao dùng mức giá của năm trước?

Trao đổi với Báo Giao thông về cơ sở để đưa ra các đề xuất trên, đại diện Ban soạn thảo nghị định cho hay, về mặt giá điện, loại hình điện mặt trời áp mái là một loại hình tương đối khác so với các dự án mặt trời trang trại trên mặt đất và mặt trời nổi trên nước.

Đặc biệt, đối với loại hình hệ thống mặt trời lắp đặt trên mái của các hộ gia đình, các yếu tố cấu thành nên giá điện thường rất khác nhau ở từng nơi lắp đặt và không phải trường hợp nào cũng thực hiện tính toán được.

Vì vậy, để đưa ra một biểu giá áp dụng cho các loại hình điện mặt trời áp mái đảm bảo tính đúng, tính đủ, công bằng cho mọi đối tượng trong quá trình thực hiện đàm phán giữa bên mua và bên bán là khó khả thi trong thực tiễn triển khai.

Theo kinh nghiệm của các thị trường trên thế giới, giá thị trường điện giao ngay sẽ lấy làm cơ sở tham chiếu cho các loại hình phát điện, phản ánh đúng quy luật cung - cầu. Giá thị trường điện giao ngay (hay còn gọi là giá điện năng thị trường) là thông số minh bạch, được tính toán công bố cho tất cả các đơn vị tham gia thị trường theo từng 30 phút, từ đó việc tính ra giá thị trường điện bình quân dễ dàng và có cơ sở khoa học.

"Đây là cơ chế nhằm khuyến khích việc lắp đặt các hệ thống mặt trời áp mái tự sản xuất, tự tiêu thụ nên việc giảm các thủ tục hành chính, áp mức giá theo giá của thị trường điện... là những giải pháp để thực hiện điều này.

Giá thị trường điện là thông số biến động, không dễ dự báo chính xác đến từng 30 phút. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho cả bên bán và bên mua điện, giá thị trường điện bình quân trong năm quá khứ (trung bình của tất cả giá thị trường điện năm trước, đã được xác định chính xác) được áp dụng là phù hợp", vị đại diện thông tin.

Còn "vì sao dùng giá của năm trước để tham chiếu cho hiện tại?", theo vị đại diện, về nguyên tắc, cơ chế trên thực hiện theo nguyên tắc chi phí năng lượng tránh được, tức là, nếu mua thêm 1kWh điện dư, hệ thống sẽ tránh phải mua 1kWh trên thị trường điện.

"Chi phí tránh được lấy năm N-1 để đảm có đầy đủ số liệu minh bạch và áp dụng ổn định cho năm N (nếu lấy giá TTĐ năm N, giá thị trường sẽ thay đổi từng giờ và CĐT không dự báo đươc)", vị đại diện nói.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dien-mat-troi-mai-nha-tu-san-xuat-tu-tieu-thu-vi-sao-chot-gia-mua-hon-1000-dong-kwh-192241028113219594.htm