Điện thoại phát nổ khi học online khiến học sinh tử vong: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trường hợp lỗi do người sử dụng mà người sử dụng lại là trẻ em, chưa có hiểu biết về khoa học, công nghệ thì thấy có phần trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc hướng dẫn cách thức sử dụng các phương tiện, thiết bị phục vụ cho hoạt động học online.

Mới đây, thông tin về việc em N.V.Q. (10 tuổi, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tử vong khi chiếc điện thoại đang sạc để học trực tuyến phát nổ gây xôn xao dư luận.

Bên cạnh sự lo ngại về vấn đề an toàn cho con trẻ khi học online tại nhà khi hàng loạt các vụ tai nạn đáng tiếc liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cũng thắc mắc sau những vụ việc thương tâm như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai và việc xử lý, giải quyết hậu quả sẽ như thế nào?

Nghi vấn điện thoại phát nổ lúc đang sạc khiến một học sinh tử vong khi đang học online khiến dư luận xôn xao.

Nghi vấn điện thoại phát nổ lúc đang sạc khiến một học sinh tử vong khi đang học online khiến dư luận xôn xao.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng khiến cho bé lớp 5 tử vong khi đang học online.

Nguyên nhân khiến cháu bé tử vong là vấn đề quan trọng để quyết định đến câu chuyện trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc làm rõ nguyên nhân sự việc để có kết luận, làm căn cứ giải quyết hậu quả pháp lý theo quy định pháp luật.

"Trường hợp nguyên nhân nạn nhân tử vong là do nổ điện thoại thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ vụ nổ là do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất, do nguồn điện hay do việc sử dụng không đúng quy cách, không tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Nếu điện thoại đang sử dụng đúng quy cách, đúng hướng dẫn của nhà sản xuất mà điện thoại phát nổ hoặc truyền điện ra ngoài dẫn đến điện giật khiến nạn nhân tử vong thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ thiệt hại", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Trong khi đó, nếu nguyên nhân tử vong do lỗi của người sử dụng, sử dụng thiết bị không đảm bảo an toàn, không đúng quy cách, vi phạm các khuyến cáo của nhà sản xuất như vừa sử dụng vừa sạc điện, tự ý sửa chửa, gắn thêm thiệt bị không đúng thiết kế... không tuân thủ khuyến cáo khác của nhà sản xuất, không còn bảo hành thì nhà sản xuất thì nhà sản xuất không phải chịu trách nhiệm, mọi thiệt hại đều do người sử dụng phải chịu trách nhiệm.

Trường hợp lỗi do người sử dụng mà người sử dụng lại là trẻ em, chưa có hiểu biết về khoa học, công nghệ thì thấy có phần trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc hướng dẫn cách thức sử dụng các phương tiện, thiết bị phục vụ cho hoạt động học online.

Trước tiên có thể thấy trách nhiệm từ phía phụ huynh khi không quản lý, giám sát, hướng dẫn các con sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính vào việc học online. Trong đó cũng thấy một phần trách nhiệm của giáo viên, của nhà trường khi không có những cảnh báo, khuyến cáo đối với các học sinh.

Tuy nhiên, những trách nhiệm đó cũng chưa đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hay yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chỉ là bài học để phụ huynh và các thầy cô giáo, nhà trường rút kinh nghiệm để tránh những vụ việc đau lòng.

Chuyên gia pháp lý này cho rằng, qua những vụ việc trên cho thấy đã đến lúc các bậc làm cha, làm mẹ, những người quản lý học sinh trong quá trình học online cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc chuẩn bị phương tiện, thiết bị học tập cho các con.

Tránh trường hợp khi học online thì các thiết bị đã hết pin, phải vừa học vừa sạc pin hoặc là các thiết bị đã cũ, hỏng, không đảm bảo an toàn, hoặc hệ thống điện bị chập cháy, không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Ngoài ra giáo viên và nhà trường cũng cần có những hướng dẫn, giám sát và kịp thời khuyến cáo cảnh báo đối với các em chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy kiến thức trong các bài giảng.

Cần phải trang bị kiến thức sử dụng các thiết bị điện tử, các thiết bị điện cho các em trước khi giảng dạy kiến thức, trước khi tổ chức họp online. Để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm như thế này thì vai trò của gia đình và nhà trường là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần phải có công tác chuẩn bị kỹ lưỡng từ hệ thống điện, các thiết bị sử dụng cho học online, cách thức sử dụng thiết bị và có sự kiểm tra, giám sát của người lớn thì mới đảm bảo an toàn cho các con trong quá trình học online.

Nam Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dien-thoai-phat-no-khi-hoc-online-khien-hoc-sinh-tu-vong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-d175126.html