Diễn viên Nhật Bản bị ghép mặt vào phim người lớn
Bằng công nghệ deepfake, những tên tội phạm mạng đưa người nổi tiếng vào trong các bộ phim khiêu dâm rồi đăng tải lên trang web người lớn để kiếm lời.
Zing trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến vấn nạn deepfake đang lan rộng toàn cầu trong thời đại công nghệ số bùng nổ.
Tháng 11, liên tiếp 3 người đàn ông Nhật Bản bị bắt với tội danh phỉ báng người khác.
Những tên này sử dụng phần mềm chỉnh sửa hình ảnh để ghép khuôn mặt của các nữ diễn viên, ca sĩ nổi tiếng lên nhân vật trong các bộ phim khiêu dâm. Sau đó, chúng tung lên một trang web và bán quyền truy cập cho người dùng để kiếm tiền.
Đáng chú ý, đây là vụ bắt giữ thứ hai trong vài tháng qua. Một nhà phân tích cho rằng cảnh sát Nhật Bản bắt đầu chú ý đến giới tội phạm mạng liên quan đến tình dục.
Kiếm tiền từ khuôn mặt người nổi tiếng
Những kẻ bị bắt giữ bao gồm: Kentaro Kubo (23 tuổi) - đến từ Yokohama, Masayuki Futamata (46 tuổi) và Gaku Yamaguchi (33 tuổi) - đều sống tại thủ đô Tokyo.
Theo điều tra, chúng đã tạo ra hơn 215 video bằng công nghệ deepfake nhằm đưa những người nổi tiếng xứ hoa anh đào vào trong các bộ phim khiêu dâm. Những video này được phát hành trên một trang web người lớn tính phí truy cập.
Cảnh sát cho biết Futamata kiếm được hơn 500.000 yen (4.816 USD) từ trang web, trong khi Kubo thu về tới 1 triệu yen (9.632 USD).
Hiện cảnh sát Nhật Bản vẫn chưa xác định được toàn bộ danh tính những người nổi tiếng xuất hiện trong video của ba người đàn ông kia.
Tuy nhiên, vụ bắt giữ nhận được sự hoan nghênh trong làng giải trí xứ Phù Tang, trong đó có Ever Green Entertainment ở Tokyo - công ty đại diện của loạt nữ minh tinh, người mẫu như Okamoto Rei, Ikeda Elaiza và Yanagi Yurina.
Trong đó, Elaiza - người mẫu mang hai dòng máu Philippines và Nhật Bản - là nạn nhân của công nghệ deepfake. Danh tiếng của cô bị ảnh hưởng không nhỏ sau vụ việc.
Trong một tuyên bố, đại diện của Ever Green Entertainment cho biết một số nữ diễn viên, người mẫu nổi tiếng trực thuộc công ty “là nạn nhân của những video được tạo ra bất hợp pháp này. Họ trở thành mục tiêu bị tấn công, lạm dụng trên mạng xã hội do nhiều người không nhận ra những video kia là giả mạo”.
Các nhà chức trách cho biết Yamaguchi và Kubo đã nhận tội nhưng Futamata vẫn phủ nhận mọi cáo buộc, theo Asahi.
Theo luật pháp Nhật Bản, người nào xúc phạm danh dự hoặc gây tổn hại thanh danh của bất kỳ ai có thể bị buộc tội phỉ báng. Điều luật này áp dụng không chỉ đối với trường hợp nạn nhân là người nổi tiếng mà còn cả các công dân bình thường.
“Trong quá khứ, những trường hợp này ít khi bị khởi tố mặc dù có quy chế rõ ràng. Nhưng gần đây, có thể thấy cảnh sát bắt đầu ra tay trấn áp loại tội phạm mạng liên quan đến tình dục”, Jake Adelstein - người sáng lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa con người Nhật Bản - cho biết.
Trước đây, một chiến dịch chống nạn “trả thù khiêu dâm” đã diễn ra tại xứ hoa anh đào. Trả thù khiêu dâm (revenge porn) là việc chia sẻ video hoặc hình ảnh riêng tư của người khác mà không được sự đồng ý của họ với mục đích khiến nạn xấu hổ, nhục nhã.
Năm 2014, do số vụ trả thù khiêu dâm tăng vọt, chính phủ Nhật Bản đã thông qua luật cấm hành động vô đạo đức này, với mức án tối đa là 3 năm.
“Nhật Bản biến trả thù khiêu dâm thành tội ác trên toàn quốc với mức phạt thích đáng, trong khi chỉ một số bang ở Mỹ công nhận vấn nạn này. Giờ đây, chính phủ Nhật Bản đang làm điều tương tự với những video deepfake”, Adelstein nói với SCMP.
Tháng 9, 2 người đàn ông lần lượt bị bắt tại thủ đô Tokyo và thành phố Chiba với cáo buộc phỉ báng người khác. Những kẻ này sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video khiêu dâm ghép mặt người nổi tiếng rồi đem bán.
Mặc dù mức án dành cho 3 tên tội phạm mạng kia có thể chỉ dừng lại ở phạt tiền và án treo, Adelstein cho rằng tòa án sẽ không khoan hồng ở những vụ tiếp theo.
“Tôi tin rằng đây là sự khởi đầu cho một xu hướng mới trong ngành cảnh sát. Chúng ta đang sống trong một thế giới công nghệ. Vì vậy, các nhà chức trách muốn đón đầu trong lĩnh vực này trước khi trên Internet đầy rẫy những video deepfake mạo danh”, Adelstein chia sẻ.
Vấn nạn công nghệ toàn cầu
Trong thời gian gần đây, vấn nạn deepfake đã xuất hiện ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… và có xu hướng phát triển mạnh trong thời đại công nghệ số.
Ngày 10/11, Ya Ping Dai, một vlogger nổi tiếng tại Đài Loan (Trung Quốc), chia sẻ chuyện bị ghép mặt vào một bức ảnh trên trang web phim khiêu dâm. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những dự án, hợp đồng quảng cáo mà cô đang thực hiện.
Cuộc điều tra của tờ The Beijing News phát hiện ra nhiều nền tảng Trung Quốc trở thành nơi bán dịch vụ deepfake với giá chưa tới 1 USD. Tại đây, người tham gia có thể bán gương mặt người nổi tiếng hoặc của chính mình.
Trên chợ thương mại điện tử cũ Xianyu, loạt video khiêu dâm ghép khuôn mặt được tùy chỉnh theo yêu cầu được rao bán với giá khởi điểm từ 20 nhân dân tệ (3 USD) mỗi phút.
Tại Nhật Bản, hàng loạt nữ minh tinh, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng trở thành nạn nhân của công nghệ deepfake như Elaiza Ikeda, Minami Tanaka, Mio Imada... Họ bị ghép mặt vào các video khiêu dâm và xuất hiện tràn lan trên các trang web người lớn.
Thậm chí, công nghệ hoán đổi khuôn mặt từ lâu đã bị lạm dụng để tạo ra các video nhằm hạ uy tín, phỉ báng các nhân vật cấp cao và trở thành vấn nạn ngày càng tăng.
Tháng 3/2018, một video deepfake trở nên viral trên mạng xã hội khi gương mặt cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama bị ghép vào nhân vật phim khiêu dâm.
Những nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng trở thành nạn nhân của trào lưu deepfake.
Nữ diễn viên Scarlett Johansson từng xuất hiện trong hàng chục video ghép mặt trên các trang phim khiêu dâm. Trước đó, cô từng bị hacker lấy trộm ảnh nhạy cảm trong điện thoại, bị lấy khuôn mặt ghép vào một robot.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dien-vien-nhat-ban-bi-ghep-mat-vao-phim-nguoi-lon-post1155274.html