Điều 5 của NATO có nguy cơ kéo Mỹ vào cuộc chiến ở Ukraine
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Điều 5 của NATO có thể bắt buộc Mỹ và các thành viên khác trong liên minh phải đưa ra phản ứng trực tiếp hơn nếu chiến dịch của Nga leo thang ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
Điều 5 của NATO có kéo Mỹ vào cuộc chiến ở Ukraine?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ sẽ không điều quân tới chiến đấu với Nga ở Ukraine nhưng khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh NATO.
"Như tôi đã khẳng định, Mỹ sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO bằng toàn bộ sức mạnh của mình", Tổng thống Biden cho biết hôm 24/2.
Tối 1/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden cũng nhắc lại rằng Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự của Nga. Ông Biden cho biết, quân đội Mỹ được triển khai đến châu Âu nhưng không phải để chiến đấu ở Ukraine “mà để bảo vệ các đồng minh NATO của chúng tôi trong trường hợp Tổng thống Putin quyết định tiếp tục di chuyển về phía Tây”.
Mục tiêu chính của việc thành lập NATO năm 1949 là tăng cường hợp tác giữa các nước phương Tây nhằm đối trọng với Liên Xô. Một nguyên tắc căn bản của Hiệp ước là Điều 5 về "phòng thủ tập thể", tức là cuộc tấn công vào một thành viên của liên minh sẽ được coi như cuộc tấn công vào toàn liên minh.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Điều 5 có thể bắt buộc Mỹ và các thành viên khác trong liên minh phải đưa ra phản ứng trực tiếp hơn nếu chiến dịch của Nga leo thang ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
Tuần trước, NATO thông báo sẽ kích hoạt lực lượng phản ứng với việc triển khai 40.000 quân nhằm cung cấp sự hỗ trợ trên đất liền, trên không và trên biển trong toàn liên minh. Đây là lần đầu tiên lực lượng này được triển khai cho nhiệm vụ "răn đe và phòng thủ", một người phát ngôn của NATO cho hay.
Charles Kupchan, một học giả cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown nhận định với ABC News rằng có khả năng Điều 5 sẽ được kích hoạt giữa bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Theo học giả này, giữa bối cảnh Mỹ và đồng minh cung cấp vũ khí cho phong trào phản kháng của Ukraine, Nga có lẽ sẽ tìm cách ngăn cản dòng chảy vũ khí trên.
"Và ai mà biết được, dù là tình cờ hay có chủ ý, một quả pháo, một quả tên lửa hay một quả bom có thể rơi ở Ba Lan hoặc một nước NATO nào đó. Khi đó, chúng ta sẽ chứng kiến nguy cơ một cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO và khả năng kích hoạt Điều 5 về nguyên tắc phòng thủ tập thể, vốn có thể dẫn đến một cuộc xung đột tiềm tàng giữa NATO và Nga", nhà quan sát Kupchan cho hay.
Tất cả các nước tham gia đều nhất trí về sự đoàn kết được khẳng định trong điều khoản này và coi đó là yếu tố then chốt của liên minh. Trong khi Ukraine không phải là một thành viên NATO thì nước này có biên giới tiếp giáp với các nước NATO như Ba Lan, Hungary, Slovakia và Romania.
Ukraine đang thúc đẩy nỗ lực gia nhập NATO và EU. Ông Kupchan nhận định, vị trí địa lý của nước này có ý nghĩa chiến lược trong một cuộc xung đột như vậy.
"Ở thời điểm hiện tại, biên giới của Ukraine với 4 nước NATO giúp nước này có được 2 lợi thế quan trọng. Thứ nhất là những người tị nạn có thể tìm được nơi tị nạn ở các nước NATO như hiện nay chúng ta đang chứng kiến hàng trăm nghìn người Ukraine tiến về phía Tây. Lợi thế quan trọng còn lại là đường biên giới dài giữa Ukraine và NATO có thể giúp nước này có cơ hội tiếp tục nhận vũ khí và các nguồn hỗ trợ khác".
Liệu có khả năng xảy ra chiến tranh giữa NATO và Nga?
Lần đầu tiên Điều 5 của NATO được kích hoạt là sau vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. NATO xác định chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa đến an ninh của liên minh vào năm 1999. Nhằm phản ứng trước vụ khủng bố này, NATO đã tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố, tiến hành chiến dịch đầu tiên bên ngoài khu vực châu Âu - Đại Tây Dương để tuần tra trên bầu trời Mỹ.
Năm 2008, NATO dường như để ngỏ cánh cửa để Ukraine gia nhập liên minh khi nói rằng Ukraine sẽ trở thành một thành viên của NATO một ngày nào đó, bất chấp việc thiếu sự nhất trí giữa các thành viên, ông Kupchan cho hay. Dù vậy, NATO không nêu cụ thể lộ trình hoặc thời gian để Ukraine gia nhập liên minh này,
"Năm 2008, chính quyền cựu Tổng thống Bush muốn thúc đẩy cái gọi là Kế hoạch hành động Thành viên cho Ukraine và Gruzia. Các đối tác châu Âu đã thể hiện sự ngần ngại, một phần là bởi cả Ukraine và Gruzia đều chưa sẵn sàng gia nhập NATO và bởi mối lo ngại rằng, việc NATO mở rộng sang Gruzia và Ukraine sẽ bị Nga coi là hành vi khiêu khích".
"Với việc thiếu sự nhất trí trong NATO, liên minh đã nhất trí đưa ra một tuyên bố chung chung rằng Gruzia và Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO nhưng không nêu cụ thể lộ trình và thời gian gia nhập".
Cũng theo nhà quan sát này: “Tổng thống Putin đã nói rõ rằng ông ấy muốn NATO giảm sự hiện diện quân sự ở sườn Đông, bao gồm các nước vùng Baltic, Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia. Ông ấy muốn NATO hạn chế khả năng của mình".
Dù vậy, chuyên gia Kupchan đánh giá khó có khả năng Tổng thống Putin tiến hành một cuộc tấn công vào một nước NATO bởi điều này sẽ dẫn đến "chiến tranh toàn diện”.
“Tôi nghĩ ông ấy hiểu đây là kế hoạch không khả thi", chuyên gia này bình luận.
Ngoài việc triển khai lực lượng phản ứng, NATO cho biết liên minh này đã triển khai lực lượng phản ứng nhanh với 3.500 binh lính sẵn sàng triển khai sau khi có lệnh điều động nhanh trong khi các nước thành viên tập trung các đơn vị lớn hơn.
Tuy vậy, thông báo của NATO hồi tuần trước vẫn nhận định, liên minh này chủ yếu duy trì các biện pháp phòng ngừa, phù hợp và không leo thang./.