Điều bất thường thi công thần tốc 2 dự án rà phá bom mìn ở Quảng Bình
Các dự án rà phá bom mìn phải có phương án kỹ thuật được phê duyệt rồi mới thi công, nhưng Ban quản lý dự án ở Quảng Bình đã cho nhà thầu thi công trước.
Cuối năm 2018, tỉnh Quảng Bình giao Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP Đồng Hới làm chủ đầu tư 2 gói thầu rà phá bom mìn (RPBM), vật liệt nổ (ký hiệu DH-3.1 và DH/NC1).
Đây là hạng mục nằm trong dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP Đồng Hới.
Tổng giá trị 2 gói thầu là 14,2 tỷ đồng, nguồn đối ứng của Chính phủ đối với các khoản vay làm dự án từ ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và ngân hàng Thế giới (WB).
Phương án chưa duyệt đã dò tìm, xử lý bom mìn?
Ngày 1/12/2018, Bộ Quốc phòng ra quyết định giao tổng công ty xây dựng Trường Sơn thi công cả 2 dự án. Đồng thời, giao tổng công ty Hợp tác kinh tế, Quân khu 4 lập phương án kỹ thuật, giám sát thi công.
Ngày 4/12/2018, tổng công ty Trường Sơn ra quyết định giao 2 gói thầu trên cho chi nhánh miền Trung, trong đó nói rõ nhiệm vụ “triển khai thi công dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư theo đúng quy trình, quy phạm của Bộ Quốc phòng và phương án kỹ thuật thi công được phê duyệt”.
Ngày 18/12/2018, Bộ Quốc phòng ra quyết định phê duyệt phương án kỹ thuật thi công, dự toán cho 2 dự án RPBM. Đây được xem là tiền đề quan trọng làm cơ sở để đơn vị thi công triển khai nhiệm vụ.
Thế nhưng, khi chưa có phương án kỹ thuật, dự toán được phê duyệt thì ngày 6/12/2018 (tức trước đó 12 ngày), với bản hợp đồng nguyên tắc ký với BQL dự án, đơn vị thi công đã triển khai nhân sự, máy móc vào thực hiện dò tìm, xử lý bom mìn.
Dù đã có hợp đồng ngày 6/12 và triển khai thi công, nghiệm thu giai đoạn 1, thế nhưng tới ngày 21/12, lãnh đạo công ty Trường Sơn và BQL dự án lại ký thêm hợp đồng chính thức.
Các công việc đều được thực hiện song song ở 2 gói thầu.
Thi công thần tốc
Chỉ trong 22 ngày (6-28/12/2018), hơn 100ha diện tích đất và mặt nước ở TP Đồng Hới đã được chi nhánh miền Trung (tổng công ty Trường Sơn) rà phá bom mìn hoàn thành.
Lật lại hồ sơ hoàn công cho thấy, rất nhiều điểm bất thường trong 2 gói thầu DH-3.1 và DH/NC1.
Dù 5/12/2018 là ngày ký hợp đồng nguyên tắc, chưa bàn giao mặt bằng, chưa triển khai máy móc, thiết bị nhưng đã có biên bản xác nhận tìm kiếm được bom mìn. Biên bản có đủ chữ ký của cán bộ giám sát là tổng công ty Hợp tác kinh tế, Quân khu 4.
Ngày 16 và 17/12/2018, đơn vị thi công và đơn vị giám sát thi công đã cùng nhau ký “Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành giai đoạn” gói thầu DH-3.1 và gói thầu DH/NC1.
Giai đoạn 2, sau khi có phê duyệt phương án kỹ thuật và dự toán của Bộ Quốc phòng, từ ngày 18-21/12/2018, BQL dự án đã thần tốc thực hiện các thủ tục: Lập, phê duyệt hồ sơ mời đề xuất, lễ mở hồ sơ đề xuất, đánh giá hồ sơ, đàm phán, thương thảo, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với nhà thầu trong vòng 4 ngày.
Đến ngày 28/12, một khối lượng công việc khổng lồ đã được hoàn thành với những chữ ký của bên giám sát và nghiệm thu của chủ đầu tư, đề xuất thanh toán.
Điều đáng nói, theo kế hoạch phê duyệt của Bộ Quốc phòng, việc thi công tại 2 gói thầu rà phá bom mìn, vật liệt nổ DH-3.1 và DH/NC1 chỉ phê duyệt cho 6 đội thực hiện thi công và trong thời gian 55 ngày.
Tuy nhiên, đơn vị thi công tổ chức thêm 2 đội nâng tổng số đội thi công lên con số 8 và chỉ 22 ngày, chi nhánh miền Trung (công ty Trường Sơn) đã thi công xong 2 dự án trị giá 14,2 tỷ đồng.
Điều bất thường?
Trong dự toán của 2 dự án, phần chi phí khoan tạo lỗ được lập tới 8,5 tỷ đồng (hơn nửa giá trị 2 dự án).
Theo một chuyên gia chuyên về vốn ODA, việc đưa phương án khoan tạo lỗ trong dự án này là không cần thiết. Vì định mức 117/2007/BQP đã thay đổi phương án, dùng thiết bị để rà bom thay vì khoan tạo lỗ.
Trong hồ sơ nghiệm thu giai đoạn 2 gói thầu DH-3.1 lập ngày 29/12/2018 thể hiện trong 12 ngày (từ 17 đến 28/12), cả 7 đội đều rà phá các độ sâu 0-0,3m; 0.3-3m; 0.3-5m; 5-10m. Đội 8 đã khoan 1,071 lỗ, tổng chiều sâu 5.355m (sâu 5m/lỗ).
“Như vậy chỉ khoan đến độ sâu 5m là có thể rà phá được đến độ sâu 10m, tức là máy có thể dò được độ sâu ít nhất 5m. Vậy nên việc rà phá độ sâu 5m như giai đoạn 1 (khoan 909 lỗ, tổng chiều sâu 4.545m) thì không cần phải thực hiện khoan tạo lỗ và hoạt động của đội 8 là không cần thiết”, vị chuyên gia này nói.
Theo vị chuyên gia này, việc đưa phương án khoan tạo lỗ vào 2 dự án RPBM này đã khiến dự toán tăng gấp đôi. Và chi phí này rất bất thường.