Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035

Ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội nghị.

Từ nâng cấp đô thị loại III lên đô thị loại II

Năm 2008, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Hà Giang giai đoạn 2007 – 2025 tại Quyết định 4611/QĐ-UBND ngày 31/12/2008.

Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển thành phố Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập và nhu cầu phát triển thực tiễn.

Thực tế phát triển đô thị nhiều hơn so với định hướng Quy hoạch chung năm 2008, nhu cầu hạ tầng tăng cao, một số định hướng tại quy hoạch cũ chưa phù hợp, chưa phát huy được vị thế của đô thị Hà Giang và tiềm năng du lịch vốn có để trở thành động lực phát triển đô thị.

Ngoài ra, Quy hoạch xây dựng vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2030 theo Quyết định 980/QĐ-TTg ngày 21/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định, đô thị Hà Giang sẽ trở thành đô thị loại II với vai trò là trung tâm cấp vùng.

Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được Chính phủ phê duyệt cũng đưa ra những yêu cầu mới đối với đô thị Hà Giang. Chính vì vậy, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035 phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Đồ án quy hoạch chung mới được lập vào năm 2020 có nhiều điều chỉnh quan trọng thay thế cho Quy hoạch chung năm 2008. Trong đó có 4 nội dung chính cần được điều chỉnh.

Đầu tiên là xác định lại quy mô phát triển đô thị trong giai đoạn mới. Hai là xác định mục tiêu phát triển theo hướng ưu tiên du lịch - thương mại - dịch vụ, qua đó có giải pháp quy hoạch phù hợp.

Ba là rà soát các dự án, quy hoạch để đề xuất những nội dung giữ nguyên, nội dung điều chỉnh và thay thế một phần nội dung trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. Cuối cùng là đưa ra các giải pháp không gian, hạ tầng phù hợp hơn với hiện trạng, trong đó ưu tiên nhấn mạnh cảnh quan và tài nguyên văn hóa bản địa.

Theo Quy hoạch chung 2020, đô thị tỉnh lỵ tỉnh Hà Giang được xác định là trung tâm hành chính, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật và chế biến công nghệ cao của tỉnh Hà Giang. Đây cũng là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng cho Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đông Văn và các khu vực khác của tỉnh Hà Giang nói riêng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung.

Đặc biệt, Quy hoạch chung 2020 xác định, thành phố Hà Giang sẽ là đô thị loại II trước năm 2035, là đô thị xanh với các giá trị sinh thái, kiến trúc, văn hóa được bảo tồn và phát huy bền vững. Trong đó, phạm vi ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Giang hiện hữu và khu vực mở rộng gồm 4 xã thuộc huyện Vị Xuyên, tổng diện tích khoảng 17.926ha. Dân số trong khu vực đạt khoảng 68.600 người.

Như vậy, so với Quy hoạch chung 2008 thì Quy hoạch chung 2020 đã mở rộng cả về thời gian quy hoạch, ranh giới lập quy hoạch, dân số và mục tiêu quy hoạch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035 đã xác định, du lịch, dịch vụ sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Hà Giang mở rộng nhờ tài nguyên du lịch vô cùng phong phú.

Thành phố Hà Giang là giao điểm của du lịch Đông Bắc và Tây Bắc, nằm giữa Sa Pa và cao nguyên đá Đồng Văn, kết nối 2 Thành phố Hà Nội và Vân Nam (Trung Quốc). Tỉnh Hà Giang có bản sắc văn hóa của dân tộc đa dạng, nhiều lễ hội đặc sắc, danh lam thắng cảnh độc đáo và khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thành phố cần có quy hoạch phù hợp để phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch vốn có.

Thực tế, lượng du khách đi qua Hà Giang là đáng kể, nhưng thời gian lưu trú rất ngắn vì thành phố chưa có giá trị cảnh quan tự nhiên và văn hóa thực sự hấp dẫn để giữ chân du khách. Trên cơ sở này, Quy hoạch chung 2020 có đề ra một số giải pháp để Hà Giang trở thành điểm đến quốc tế về du lịch vùng cao. Trong đó, mục tiêu cụ thể là 2 triệu lượt khách lưu trú ở thành phố vào năm 2035, tăng gấp 5 lần so với hiện tại và chiếm khoảng 50% lượng du khách đến tỉnh Hà Giang vào cùng thời điểm. Thời gian lưu trú dự kiến là 2,5 ngày.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố Hà Giang cần phải quy hoạch đất đai, dân cư, phát triển hạ tầng xã hội và kiến trúc, cảnh quan tương xứng. Trong đó, số lượng phòng lưu trú cần tăng lên mức 2.400 - 2.500 phòng. Tính đến năm 2035, nhu cầu đất chức năng du lịch tăng lên khoảng 120ha, tổng nhu cầu đất xây dựng đạt 3.400 – 3.500ha. Dân số khu vực tăng lên mức 120.000 - 125.000 người.

Theo Quy hoạch chung đô thị Hà Giang sẽ được phân chia thành 9 phân khu, bao gồm 4 phân khu phát triển đô thị là Trần Phú - Minh Khai, Nguyễn Trãi, Phong Quang, Ngọc Hà - Quang Trung và 5 phân khu hạn chế phát triển đô thị là Ngọc Đường, Đạo Đức - Phú Linh, Phương Thiện, Phương Độ và Phong Quang. Quy hoạch cũng chỉ rõ phạm vi, vị trí, dân số, quy hoạch sử dụng đất, định hướng không gian, thiết kế đô thị và tính chất chức năng của từng khu vực.

Ngoài ra, Đồ án Quy hoạch chung 2020 còn trình bày các định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống công viên – cây xanh, không gian nông nghiệp vùng cao và du lịch ven đô thị, khu nhà ở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.

Chương trình, dự án ưu tiên cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, phát triển đô thị mới, phát triển nông thôn, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và môi trường, cao độ nền và thoát mặt nước, cấp nước, cấp điện và chiếu sáng đô thị, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nước thải, Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy…

Tuy nhiên, Đồ án cũng xác định, mục tiêu đạt 200.000 người để đáp ứng tiêu chí đô thị loại II rất khó khả thi. Thay vào đó, chất lượng đô thị, chất lượng sống và chất lượng môi trường mới là mục tiêu thực chất mà thành phố Hà Giang cần hướng tới. Ngoài ra, một số chỉ tiêu về đất đai, hạ tầng vẫn sẽ hướng tới các tiêu chí đô thị loại II theo đúng định hướng trong Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời gian Hội nghị, đơn vị tư vấn cũng trình bày một vấn đề rất được quan tâm trong thời gian qua là hiện trạng ngập lụt ở thành phố Hà Giang, nguyên nhân và giải pháp khắc phục hậu quả, phòng tránh tình huống tương tự sẽ diễn ra trong tương lai.

Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với các điều chỉnh của Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035. Đồ án đảm bảo đầy đủ thủ tục, cơ sở pháp lý, đáp ứng các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có rà soát các quy hoạch của tỉnh nhằm đảm bảo tính thống nhất và có tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định vẫn đóng góp thêm một số ý kiến đề nghị đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Hà Giang xem xét để hoàn thiện Đồ án tốt hơn. Trong đó, những vấn đề nổi bật có thể kể đến như bổ sung quy hoạch sử dụng đất ở các phân khu; xây dựng chiến lược cụ thể để phát triển không gian, sản phẩm du lịch của thành phố; phát triển hạ tầng giao thông phục vụ du lịch; xây dựng các phương án phòng chống ngập lụt, cấp nước và thoát nước hiệu quả; phân chia và sắp xếp các đơn vị hành chính; chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất hợp lý; lưu ý vấn đề hạ tầng thương mại; đánh giá kỹ tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa để đề xuất các định hướng phát triển hợp lý; bổ sung các bản vẽ, bản đồ minh họa còn thiếu…

Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh đã tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và giải trình một số vấn đề được nhiều thành viên Hội đồng quan tâm là giao thông, dự án thoát nước và các biện pháp phòng chống ngập lụt, điều tiết nước lũ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Quy hoạch chung đến năm 2035 đối với nhiệm vụ phát triển của thành phố Hà Giang. Thứ trưởng cũng nêu ra một số vấn đề quan trọng mà Đồ án cần quan tâm rà soát, chỉnh sửa như chỉ tiêu dân số, quy hoạch Cao nguyên đá Đồng Văn và Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, quy hoạch sử dụng đất, lý do quy hoạch không gian thành 9 phân khu, các giải pháp phòng chống ngập lụt, hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước…

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Hà Giang nhanh chóng rà soát, hoàn thiện Đồ án trình Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 8 để Quy hoạch chung sớm được phê duyệt, tạo cơ sở cho địa phương triển khai quản lý phát triển theo quy hoạch.

Hữu Mạnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/die-u-chi-nh-quy-hoa-ch-chung-do-thi-ha-giang-de-n-nam-2035-284964.html