Điều chỉnh Thông tư 07/2014/TT-NHNN: Cú hích để kích tín dụng
Từ ngày 17/3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần giảm lãi suất nhưng lãi suất cho vay vẫn cao quá khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Rào cản giảm sâu lãi suất cho vay là lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đang điều chỉnh bởi Thông tư 07/2014/TT-NHNN. Theo NHNN, do tác động của dịch Covid-19 nên tính đến 29/5 tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, bằng 34% so với cùng kỳ năm 2019.
Nghịch lý ngân hàng thừa vốn
Do tác động của dịch Covid-19 còn nặng nề nên khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế đang trong trạng thái rất yếu. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang rất khó khăn tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đầu năm. Trong khi tín dụng tăng tụt lùi thì huy động tiền gửi của các NH vẫn tăng nhanh. Theo số liệu của NHNN tính từ đầu năm đến ngày 20/5 huy động tiền gửi bình quân đạt hơn 1.160 tỷ đồng/ngày, trong khi số tiền cho vay bình quân chỉ đạt 773 tỷ đồng/ngày. Tức tỷ lệ vốn huy động đọng tại hệ thống NH chiếm hơn 33,3%.
Thực tế cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đang hết sức hấp dẫn, nên lượng tiền tiết kiệm vẫn chạy vào NH nhiều. Không ít NH đang dư thừa vốn nhưng hàng ngày phải tiếp tục nhận tiền gửi đều đặn bình thường vì NH không thể cắm biển thông báo ngưng/hạn chế nhận tiền gửi. Chưa đến kỳ báo cáo bán niên độ 2020 nên khó xác định số lượng vốn đang đọng tại từng NH nhưng câu chuyện dư thừa vốn NH thể hiện rất rõ.
Thị trường “vay nóng” liên ngân hàng nhằm giúp các NH hỗ trợ thanh khoản lẫn nhau hiện lãi suất cho vay qua đêm đang có xu hướng tiệm tiến về mức dưới 0,2%/ năm, chứng tỏ nguồn cung quá dồi dào. NH thừa vốn nhiều nhưng NH thiếu vốn rất ít. Đây là chuyện chưa xẩy ra từ nhiều năm nay. Chẳng hạn cùng kỳ năm 2019 mức lãi suất này không có chuyện dưới 2%/năm.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tính từ đầu năm đến phiên 3/6 vừa qua đã đấu thầu thành công 60.243 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), riêng trong tháng 5 là 18.392 tỷ đồng, tăng 510% so với tháng trước đó. Các thành viên tham gia đấu thầu chủ yếu là các NH và một số Quỹ bảo hiểm. Do lượng vốn dư thừa từ NH nhiều nên lãi suất trúng thầu giảm sâu xuống mức từ 2,2 - 3,4%/năm với kỳ hạn từ 5 - 20 năm. Chuyện NH huy động vốn nhiều, không cho vay được, phải tăng cường đầu tư TPCP là chuyện bình thường. Nhưng nghịch lý ở chỗ, NH thừa vốn đầu tư TPCP có mức lãi suất rất thấp nhưng lãi suất mà DN và người dân vay NH vẫn rất cao, gấp 2 đến trên 3 lần.
Cũng theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm các DN đã huy động thành công hơn 91.616 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Con số này riêng tháng 5 là 27.060 tỷ đồng, trong đó đầu tư từ NH chiếm 42,54%. Một số DN phát hành trái phiếu có mức lãi lên 14 - 19,5%/năm, cao gấp 2 - 2,4 lần lãi tiết kiệm cùng kỳ hạn nhằm hấp dẫn lôi kéo nhà đầu tư.
Điều đáng nói, các DN phát hành trái phiếu thuộc nhóm DN mà NH đã từ chối cho vay do bị “siết” tín dụng hoặc đang không đáp ứng điều kiện tín dụng. Thậm chí có DN báo lỗ quý 1 nhưng sang đầu quý 2 đã phát hành TP thành công do lãi suất quá hấp dẫn đã che khuất rủi ro. Nên nhớ đây là loại trái phiếu phát hành riêng lẻ điều chỉnh bởi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP do DN tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Nên DN thua lỗ cũng đồng nghĩa nhà đầu tư rủi ro. Chính vì vậy, NH đẩy vốn đọng vào trái phiếu doanh nghiệp là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Nguyên nhân dư thừa vốn của NH do cầu tín dụng của DN và người dân sau dịch Covid-19 đang rất thấp. Bài toán của NH lúc này là tìm cách kích cầu tín dụng để giải tỏa nguồn vốn dư thừa chứ không phải loay hoay giải pháp tìm cách tối ưu hóa thu nhập từ nguồn vốn này. Dĩ nhiên, kích cầu tín dụng là vấn đề vĩ mô điều hành tiền tệ, phải được quyết định bắt đầu từ NHNN.
Cần gấp rút điều chỉnh Thông tư 07/2014/TT-NHNN
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để ứng phó với dịch Covid-19, từ ngày 17/3 đến nay NHNN đã 2 lần quyết định hạ các lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, điều chỉnh theo Thông tư 07/2014/TT-NHNN. Có thể nói mức lãi suất qua 2 lần NHNN quyết định giảm là đáng kể, giúp các NH chủ động hơn trong bảo đảm thanh khoản và có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên cho dù lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm tới 0,6%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 0,75%/ năm nhưng chi phí trả lãi bình quân của NH giảm không nhiều và không đồng đều giữa các NH. Điều này do hầu như các NH không giảm hoặc giảm không đáng kể lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong khi nhóm các NH nhỏ nguồn tiền gửi không kỳ hạn là không nhiều.
Nên biết việc hạ lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,8%/năm xuống còn 0,2%/năm tất yếu buộc chủ tài khoản phải tối ưu hóa lợi ích bằng cách khai thác triệt để tiền gửi kỳ hạn chứ không để tiền nhiều trên tài khoản thanh toán. Tương tự, việc hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đương nhiên nhà tiết kiệm sẽ tìm cách dịch chuyển dần dòng tiền sang tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên để hưởng lãi cao. Điều đó cho thấy dư địa giảm lãi suất cho vay được tạo nên từ việc hạ lãi suất theo chủ trương của NHNN vừa qua chỉ rất hạn chế.
Chưa giảm sâu lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thì các NH không thể có dư địa lớn để giảm sâu lãi suất cho vay. Tuy nhiên rào cản lúc này là Thông tư 07/2014/TT-NHNN. Theo Thông tư, các NH được áp dụng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trên cơ sở cung cầu vốn thị trường. Cho nên việc NH giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở lên hay không và mức độ giảm thế nào là quyền của từng NH.
Do lợi thế vững chắc tài chính hiện nhóm NH lớn gồm: Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV đã giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng xuống còn 4,9 - 6,5%/năm, mức giảm từ 0,1%- 0,45%/năm. Trong khi nhóm NH nhỏ hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể. Một số NH đang có lãi suất tiền gửi kỳ hạn rất cao, chẳng hạn SCB có lãi suất 8,25%/năm kỳ hạn 12 tháng và 8,35%/năm kỳ hạn 24 tháng; Eximbank có lãi suất 8,4%/năm kỳ hạn 24 tháng hoặc Sacombank có lãi suất 7,8%/năm kỳ hạn 24 tháng.
Đa số NH đang có lãi suất tiền gửi kỷ hạn 12 tháng từ 7 - 7,8%/năm nên câu chuyện giảm sâu lãi suất cho vay phổ biến xuống khoảng 6 - 8%/năm chỉ là hô hào với nhau. Lãi suất cho vay trung hạn tại các NH cổ phần tư nhân đang phổ biến trên 10%/năm, chẳng hạn tại Eximbank là 11 - 12,5%/năm. Câu hỏi đặt ra tại sao các NH không hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khi quan hệ cung cầu vốn tín dụng đang cho thấy quá dư thừa vốn? Câu hỏi đó chỉ các NH mới trả lời một cách chính xác.
Kích cầu tín dụng là cấp thiết để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Để giải bài này đòi hỏi các NH phải giảm sâu lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên để có dư địa lớn giảm sâu lãi suất cho vay. Muốn vậy, NHNN phải điều chỉnh ngay Thông 07/2014/TT-NHNN. Theo đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được NHNN quản lý như lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, tức là NHNN sẽ quy định mức lãi suất tối đa (trần) theo yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ.