Điều đặc biệt trên tiêm kích hạm đầu tiên của Liên Xô

Tiêm kích hạm đầu tiên của Liên Xô sở hữu khả năng cất hạ cánh thẳng đứng như máy bay trực thăng, vượt trội cả loại F-35B hiện nay.

Đó là Yak-38 - một trong những thiết kế chiến đấu cơ đỉnh cao của lịch sử phát triển hàng không quân sự Liên Xô. Điểm đặc biệt nhất trên mẫu máy bay này là nó có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng như trực thăng.

Tiêm kích hạm Yak-38 được phát triển trên cơ sở mẫu thử nghiệm công nghệ máy bay chiến đất cất hạ cánh thẳng đứng Yak-36 bay thử lần đầu ngày 9/1/1963, do cục thiết kế Yakovlev phát triển.

Việc phát triển tiêm kích hạm Yak-38 với đặc điểm bay kỳ lạ như vậy do thiết kế tàu sân bay thời bấy giờ của Liên Xô không đi theo truyền thống. Mà thay vào đó, “tàu sân bay” Liên Xô thực ra là những tuần dương hạm hạng nặng mang theo máy bay. Các tàu này trang bị hệ thống vũ khí cực kỳ hiện đại, mạnh mẽ như một tuần dương hạm tên lửa và có chức năng thứ 2 là hoạt động như tàu sân bay. Tuy nhiên, do phần vũ khí chiếm diện tích lớn, nên boong phóng máy bay rất hạn hẹp, thường thì chỉ có trực thăng hoạt động được, các máy bay cánh bằng cất cánh truyền thông không thể hoạt động. Đó là lý do mà Yak-36 rồi Yak-38 ra đời.

Những chiếc máy bay tiêm kích Yak-38 sở hữu khả năng như một máy bay trực thăng, cho phép triển khai dễ dàng trên các tuần dương hạm chở máy bay Project 1143 – “tàu sân bay” gần đúng nghĩa của Liên Xô khi đó.

Để có được khả năng đó, Yak-38 trang bị một động cơ tuốc bin phản lực Tumansky R-28 V-300 với 2 vòi phun đặt ở dưới đuôi và 2 động cơ phụ Rybinsk RD-38 lắp cùng ở sau buồng lái. Khi cất hạ cánh thẳng đứng, các vòi phun đồng loạt hướng xuống dưới tạo lực nâng đưa máy bay cất hoặc hạ cánh.

Tuy nhiên, sử dụng động cơ kỳ lạ này khiến máy bay tiêm kích Yak-38 cùng gặp vấn đề chung với các mẫu tiêm kích AV-8 Harrier của Mỹ - Anh là tốc độ chậm. Yak-38 chỉ có thể đạt tốc độ tối đa cận âm 1.050km/h, quá chậm so với thế hệ tiêm kích thời đại siêu âm. Bán kính chiến đấu khoảng 500-600km, trần bay 11.000m, vận tốc leo cao 4.500m/phút.

Một đặc điểm đáng chú ý nữa của chiếc Yak-38 là nó có thể tự động hạ cánh. Chiếc máy bay có thể kết nối từ xa với một hệ thống máy tính trên tàu sân bay cho phép nó được hướng dẫn hạ cánh xuống boong hoàn toàn tự động không cần sự can thiệp của phi công.

Ngoài khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, hỏa lực của tiêm kích Yak-38 không quá ấn tượng. Theo đó, nó chỉ có 4 giá treo trên cánh cho phép mang tổng cộng 2 tấn vũ khí gồm: pháo GSh-23L (lắp trên giá treo cánh); 2 bom không điều khiển FAB-500 (hoặc 4 quả FAB-250) hay 2 bom cháy ZB-500 hay 2 bom hạt nhân RN-28; 2 tên lửa chống tàu tầm ngắn Kh-23 (tầm bắn 10km); tên lửa đối không tầm ngắn R-60 (tầm bắn 8km).

Vì chỉ có 4 giá treo nên Yak-38 phải lựa chọn mang bom thì thôi tên lửa và ngược lại trong tác chiến đối đất, đối hải. Thường thì, khi mang vũ khí như vậy có thể sẽ lựa chọn mang theo 2 tên lửa không đối không R-60.

Yak-38 được phát triển tổng cộng 4 phiên bản chính: Yak-36M (sau này gọi là Yak-38, nguyên mẫu); Yak-38 phiên bản sản xuất loạt đầu tiên; Yak-38M (phiên bản hiện đại hóa) và Yak-38U (phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi, trong ảnh)

So với những chiếc Harriers của Không lực Hoàng gia Anh (RAF), Yak-38 được đánh gia cao hơn về độ an toàn. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 1969-1981, RAF thiệt hại 25 phi công và có 83 vụ tai nạn trong tổng số 241 chiếc. Trong khi đó, Liên Xô đưa vào sử dụng 115 chiếc Yak-38 trong giai đoạn 1974-80, và chỉ mất 4 phi công cùng 36 vụ tai nạn khi hạ cánh.

Hoàng Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/vu-khi/dieu-dac-biet-tren-tiem-kich-ham-dau-tien-cua-lien-xo-708444.html