Điều đáng lo sau bức tranh 'sáng màu' của ngành nông nghiệp
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do sức mua suy yếu, những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm vừa qua được đánh giá ở mức tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề về quản trị, quy mô sản xuất, chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng của sản phẩm cần được chuyển đổi quyết liệt để hướng đến phát triển bền vững.
Những kết quả ấn tượng trong một năm khó khăn
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) năm 2023 đạt mức tăng trưởng 3,83%, trong đó, nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%; lâm nghiệp tăng 3,74%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2019 đến nay (năm 2019 tăng 2,67%; 2020 là 3,04%; 2021 và 2022 lần lượt đạt 3,71% và 3,36%).
Còn về xuất khẩu, năm 2023 toàn ngành nông nghiệp đạt 53,01 tỉ đô la Mỹ, thặng dư thương mại cao kỷ lục kể từ năm 2015 đến nay (năm 2015 đạt 8,17 tỉ đô la Mỹ; năm 2016 đạt 8,84 tỉ đô la Mỹ; năm 2017 đạt 9,96 tỉ đô la Mỹ; năm 2018 đạt 8,46 tỉ đô la Mỹ; năm 2019 đạt 9,27 tỉ đô la Mỹ; năm 2020 đạt 10,89 tỉ đô la Mỹ; năm 2021 và 2022 lần lượt đạt: 6,54 tỉ đô la Mỹ và 8,4 tỉ đô la Mỹ – PV), đạt 12,07 tỉ đô la Mỹ, tăng 43,7% so với năm trước đó. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 27,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,8%; chăn nuôi đạt gần 515,5 triệu đô la Mỹ, tăng 26,2%; lâm sản chính đạt 14,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,8% và thủy sản đạt 8,98 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,8% so với năm trước đó.
Năm 2023 có 6 ngành/nhóm ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ đô la Mỹ, bao gồm rau quả đạt 5,69 tỉ đô la Mỹ, tăng 69,2% so với năm trước đó; gạo đạt khoảng 4,78 tỉ đô la Mỹ, tăng 38,4%; hạt điều đạt 3,63 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,6%; cà phê đạt 4,18 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,1%; tôm đạt 3,38 tỉ đô la Mỹ, giảm 21,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 13,37 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,5% so với năm 2022.
Để đạt được kết quả như nêu trên, năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực trong sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, bao gồm nguồn nguyên liệu, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và mở cửa thị trường…
Cụ thể, năm 2023 toàn ngành đã tập trung tăng diện tích sản xuất lúa (tăng thêm 10.600 héc ta, tương đương 0,1% so với năm trước đó- PV) cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất (năm 2023 đạt 61 tạ/héc ta, tăng 1 tạ/héc ta, tương đương tăng 1,7% so với năm 2022-PV). Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần đưa sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm trước đó, giúp đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và có dư phục vụ cho xuất khẩu hơn 8,1 triệu tấn.
Trong khi đó, để có được con số 5,69 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023, ngành nông nghiệp đã mở rộng thêm 1.250 héc ta diện tích cây ăn trái, tăng 28,6% so với năm trước đó. Trong đó, sầu riêng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 39%; chôm chôm đạt 325.000 tấn, tăng 3,4%; khóm đạt 724.000 tấn, tăng 2,9%; xoài đạt 1.015 tấn tăng 2,1%; nhãn đạt 635.000 tấn, tăng 1,6%; vải đạt 370.000 tấn, tăng 1,2%…
Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm vừa qua, đơn vị này đã phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán mở cửa thị trường thêm nhiều sản phẩm mới cũng như bổ sung mã số vùng trồng và cơ sở chế biến/đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Theo đó, năm 2023, các đơn vị liên quan của ngành nông nghiệp đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc; 13 cơ sở chế biển thủy sản xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU); 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm sống và cua xuất khẩu vào Trung Quốc; 1 cơ sở vào Mỹ và 2 cơ sở vào Nga.
Đồng thời, năm 2023, có 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Song song đó, cũng đã bổ sung sản phẩm dưa hấu xuất khẩu vào Trung Quốc và dừa tươi xuất khẩu đi Mỹ.
Bên cạnh đó, việc thành lập thêm 1.400 doanh nghiệp trong năm 2023, giúp nâng tổng số lĩnh vực nông nghiệp đạt 16.100 doanh nghiệp cũng chính là yếu tố góp phần giúp lĩnh vực này đạt được kết quả như nêu ở trên.
Ẩn chứa những yếu tố rủi ro trong tương lai
Kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn là đáng khích lệ. Thế nhưng, phía sau kết quả đó, ngành nông nghiệp vẫn ấn chứa nhiều yếu tố rủi ro, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành.
Nhìn theo hướng tích cực, việc mở rộng diện tích cây ăn trái chính là tiền đề tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu đang rộng mở, nhất là cây sầu riêng. Tuy nhiên, có thực trạng đang xảy ra, đó là một phần diện tích khá lớn cây ăn trái, nhất là sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được phát triển tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là việc tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.
Tại hội nghị về quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói diễn ra vào tháng 8-2023, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, tình hình vi phạm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói diễn ra hết sức phức tạp.
Lúc bấy giờ, ông dẫn chứng, có lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một vài địa phương không dành nhiều “sự quan tâm” đến việc tuân thủ quy định trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. “Nếu không có chuyển biến, chuyện bị cấm xuất khẩu vào các thị trường là khó tránh khỏi”, ông nói.
Báo cáo của Cục bảo vệ thực vật cũng đã chỉ ra rằng, từ đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, đơn vị này đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật khi phát hiện các loại sinh vật gây hại. Trong đó, tỉnh Tiền Giang bị thị trường nhập khẩu cảnh báo 267 lần; Tây Ninh có 204 lần bị cảnh báo; Đồng Nai có 186 lần; Bình Thuận và Đắk Lắk mỗi địa phương có 23 lần bị cảnh báo; Long An bị cảnh báo 19 lần và còn lại là các địa phương khác.
Dĩ nhiên, ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo tăng cường kiểm soát, quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Thế nhưng, đây vẫn là vấn đề cần phải được quan tâm xử lý nhiều hơn trong thời gian tới, nếu muốn ngành phát triển bền vững.
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết, ở Việt Nam hiện có 7 vùng nông nghiệp, thì đã có 6 vùng, với 34 địa phương có trồng sầu riêng, trong đó, nhiều địa phương có diện tích trên 10.000 héc ta.
Theo ông, riêng tỉnh Đắk Lắk, địa phương có 15 huyện, thị, thành thì tất cả đều phát triển trồng sầu riêng, với diện tích đến tháng 6-2023 lên đến khoảng 28.600 héc ta. Trong đó, có trên 15.800 héc ta đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, tức chưa cho thu hoạch hay nói cách khác vài năm nữa sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk sẽ tăng rất mạnh.
Tuy nhiên, vấn đề quan ngại hiện nay, đó là dù diện tích sản xuất lớn, nhưng phần được cấp mã số vùng trồng chỉ đạt hơn 2.000 héc ta và diện tích có liên kết tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp cũng quá thấp, chưa tới 2.000 héc ta (con số thống kê đến tháng 9-2023- PV).
Thực trạng nêu trên chính là những bất ổn cần được giải quyết của ngành nông nghiệp nói chung và sầu riêng- vốn là loại sản phẩm tạo “đột phá” cho ngành rau quả Việt Nam trong năm 2023- nói riêng.
Trong khi đó, với ngành thủy sản, báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kết thúc năm 2023, các mặt hàng thủy sản chính, gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều sụt giảm mạnh so với năm trước đó. Trong đó, tôm đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 20%; cá tra đạt trên 1,8 tỉ đô la Mỹ giảm 25%; cá ngừ đạt 850 triệu đô la Mỹ, giảm 16%; hải sản khai thác đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ, giảm 11%…
Chi phí sản xuất lớn do giá thức ăn tăng cao, trong khi chất lượng con giống, môi trường nuôi ẩn chứa nhiều rủi ro là những tồn tại khiến hiệu quả sản xuất của ngành tôm và cá tra thấp, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Cafatex dẫn chứng, trước đây giá thành sản xuất cá tra Việt Nam chỉ khoảng 1 đô la Mỹ/kg, nhưng hiện đã tăng lên 1,2-1,3 đô la Mỹ/kg, cao hơn cá Alaska Pollock chỉ khoảng 1 đô la Mỹ/kg nên rất khó cạnh tranh.
Trong khi đó, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho biết, giá thành sản xuất cá tra Việt Nam hiện cao hơn so với cá lóc bông của Trung Quốc nên cũng rất khó để cạnh tranh.
Còn với con tôm, thì Ecuador và Ấn Độ được xác định chính là những quốc gia cạnh tranh trực tiếp, nhưng do chi phí sản xuất của ngành tôm Việt Nam cao hơn nên cũng rất khó để cạnh tranh với những đối thủ này.
Trong khi đó, với sản phẩm hải sản, VASEP cũng chỉ ra rằng, thẻ vàng IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định- PV) tiếp tục là thách thức, nếu không được tháo gỡ sẽ khiến xuất khẩu hải sản sang EU bị đình trệ trong năm 2024, bởi thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập.
Bên cạnh đó, tuy đạt kỷ lục về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023, nhưng khi xét về hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, thì vẫn còn thấp, thậm chí thua lỗ. Đây chính là vấn đề cần được lưu ý để có giải pháp nhằm mang lại hiệu quả tích cực hơn trong năm 2024 cũng như thời gian sắp tới.
Rõ ràng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn, thì vẫn còn nhiều việc phải làm…