Điều đau đớn nhất trong thảm kịch rúng động Hy Lạp
Nếu Hy Lạp không trì hoãn nâng cấp hệ thống an toàn đường sắt, việc hai đoàn tàu chạy trên cùng một đường ray như thảm kịch hôm 28/2 là điều gần như không thể xảy ra.
Chính phủ Hy Lạp được cho là cần phải lắp đặt một hệ thống an toàn gần ba năm trước để ngăn chặn vụ va chạm tàu hỏa trực diện như trong tuần này. Vụ việc được nhận định là thảm họa đường sắt tồi tệ nhất Hy Lạp, theo New York Times.
Vào thời điểm thảm kịch xảy ra, giới chức đường sắt vẫn phải vận hành một hệ thống lạc hậu hơn nhiều so với hệ thống được sử dụng ở nhiều nước châu Âu khác, theo các nguồn tin thân cận.
Tuy nhiên, ngay cả hệ thống đường sắt tụt hậu đó của Hy Lạp cũng gặp phải nhiều vấn đề, khi đèn và bảng tín hiệu không hoạt động, các quan chức an toàn và công đoàn cho biết hôm 2/3.
Kết hợp giữa sự chậm trễ, những dấu hiệu cảnh báo và sai lầm đã khiến hành lang đường sắt đông đúc nhất của Hy Lạp "dễ bị tổn thương" trước sai sót của con người - điều mà mọi hệ thống an toàn đều cố gắng ngăn chặn.
Hệ thống đường sắt nguy hiểm bậc nhất châu Âu
Nguyên nhân chính trong vụ tai nạn khiến 57 người thiệt mạng vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, giới chức và chuyên gia đã đồng ý một điều: Nếu hệ thống an toàn hiện đại được triển khai như kế hoạch, việc hai đoàn tàu cùng chạy trên một đường ray là điều gần như không thể xảy ra.
Josef Doppelbauer, người đứng đầu Cơ quan Đường sắt của Liên minh châu Âu (EUAR), cũng khẳng định việc cải thiện hệ thống an toàn sẽ giúp ngăn chặn thảm kịch này. EUAR đã cảnh báo trong nhiều năm về những bất cập đáng kể trong hệ thống an toàn đường sắt của Hy Lạp.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khẳng định vụ tai nạn là do “sai sót thảm khốc của con người”. Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã từ chức, thừa nhận rằng những nỗ lực đã được đưa ra để cải thiện an toàn đường sắt là không đủ.
Liên quan đến thảm kịch, một trưởng ga 59 tuổi đã bị buộc tội ngộ sát do sơ suất. Trong khi đó, người đàn ông này đã bác bỏ cáo buộc về những hành vi sai trái, cho rằng vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật.
Hàng nghìn người Hy Lạp đã xuống đường biểu tình, khi sự tức giận dâng cao trước cái chết của nhiều người trong vụ tai nạn.
“Mọi người đều biết rằng nếu nhà nước Hy Lạp muốn, tai nạn này đã có thể được ngăn chặn”, Guardian dẫn lời một người biểu tình cho biết.
Hệ thống đường sắt của Hy Lạp luôn được xếp vào hàng nguy hiểm nhất châu Âu, mặc dù đã nhận được 700 triệu USD để hiện đại hóa từ EU trong thập kỷ qua.
Một quan chức cấp cao của chính phủ nước này thậm chí đã từ chức vào năm ngoái trước “sự trì hoãn vô lý” của việc lắp đặt hệ thống an toàn.
EU hy vọng 27 quốc gia thành viên của khối sẽ lắp đặt hệ thống kiểm soát tàu hỏa châu Âu vào cuối thập kỷ này. Hệ thống đó giám sát các đoàn tàu và kiểm soát khi chúng chạy quá nhanh, vượt đèn đỏ hoặc đi sai đường ray.
EU muốn thúc đẩy di chuyển xuyên biên giới bằng tàu hỏa, và hài hòa các tiêu chuẩn an toàn trên toàn khối là một phần của chiến lược đó.
Tuy nhiên, việc thực thi quy trình đó đã không nhất quán, bằng chứng là vụ tai nạn trong tuần này.
“Nếu hệ thống kiểm soát tàu hỏa châu Âu được lắp đặt và hoạt động bình thường, nó sẽ ngăn chặn hoàn toàn những vụ việc như thế này xảy ra. Tất cả quốc gia châu Âu đều cần phải thực hiện điều đó và chúng tôi biết rằng Hy Lạp đã bị tụt hậu đáng kể”, Jedde Hollewijn, quan chức chính sách đường sắt của Liên đoàn Công nhân Vận tải châu Âu, cho biết.
Luxembourg, quốc gia nhỏ nhất của khối, đã sử dụng hệ thống mới trên toàn tuyến đường sắt. Các quốc gia khác đã nâng cấp các tuyến đường sắt chính của họ. Tuy nhiên, ngay cả khi không có công nghệ mới, hầu hết hệ thống đường sắt đều có các tính năng an toàn để tránh va chạm trực diện.
Điều đó đã không xảy ra ở Hy Lạp. Đất nước này chưa từng có hệ thống an toàn tự động quốc gia, những hồ sơ của EU cho thấy.
Nikolaos Tsikalakis, Chủ tịch công đoàn của tổ chức đường sắt quốc gia Hy Lạp, cho biết hệ thống chuyển ray ở Larissa đã không hoạt động trong nhiều năm do thiếu nhiều bộ phận của thiết bị báo hiệu cơ bản.
Lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự an toàn
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác của việc chậm nâng cấp hệ thống an toàn. Tuy nhiên, giới chức và chuyên gia đã viện dẫn các yếu tố như ngân sách eo hẹp, các vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19, tranh chấp hợp đồng,...
Bên cạnh đó, giới chức công đoàn đường sắt đã viết nhiều bức thư để bày tỏ sự tức giận tới chính phủ Hy Lạp trong nhiều năm, cảnh báo về các vấn đề an toàn.
“Chúng tôi sẽ không đợi một vụ tai nạn sắp xảy ra để chứng kiến họ rơi nước mắt cá sấu. Họ còn đợi điều gì xảy ra thì mới can thiệp”, một bức thư vào tháng trước cho biết.
Các quan chức an toàn đường sắt ở châu Âu cho biết chính quyền Hy Lạp cũng đã bỏ qua nhiệm vụ quan trọng là giám sát, cập nhật các quy trình và thiết bị an toàn trên mạng lưới. Họ nói rằng điều đó có thể đã cải thiện ngay cả hệ thống an toàn thô sơ của đất nước.
Vụ tai nạn cũng tô đậm quyền lực hạn chế của EU trong việc yêu cầu cải tiến đường sắt, ngay cả khi họ đổ tiền vào chúng. Khối đã dành khoảng 117 triệu USD cho việc nâng cấp an toàn trên tuyến đường từ Athens đến Thessaloniki, nơi xảy ra vụ tai nạn hôm 28/2.
Ông Doppelbauer cho biết tổ chức của ông đã kêu gọi các nước thành viên làm tốt hơn, nhưng không thể buộc chính phủ các nước phải thay đổi. Theo nhiều tiêu chuẩn, Hy Lạp có hệ thống đường sắt nguy hiểm nhất ở châu Âu.
Tại một cuộc họp báo hôm 2/3, Bộ trưởng Hy Lạp Giorgos Gerapetritis đã xin lỗi gia đình các nạn nhân và hứa sẽ điều tra kỹ lưỡng.
Ông cũng tuyên bố sẽ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt để khôi phục sự an toàn khi di chuyển bằng tàu hỏa và nâng cao cảm giác yên tâm của người dân. Ông Doppelbauer đồng thời hy vọng thảm kịch sẽ khiến các hệ thống đường sắt khác trên khắp châu Âu phải được cải thiện.
“Một vụ tai nạn thảm khốc như vậy luôn là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự an toàn, và lời nhắc nhở cho mọi người về việc coi trọng các cảnh báo", ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-dau-don-nhat-trong-tham-kich-rung-dong-hy-lap-post1408468.html