Điều động, luân chuyển cán bộ để 'luyện sắt - mài kim' (Bài 1): 'Thử lửa' ở cơ sở

'Không có áp lực thì không có kim cương'! Điều này có lẽ là đúng nhất với công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa. Bởi, trong khó khăn, thử thách, nếu không dao động, không chùn bước, coi khó khăn là trải nghiệm, xem nghịch cảnh là môi trường để tôi luyện bản lĩnh, ý chí, nghị lực để trưởng thành; đồng thời, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo lối đi thì người cán bộ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức và làm được những việc lớn, việc khó.

Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (người đi đầu) kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại đồi Mã Lại, xã Giao Thiện. Ảnh: Minh Hiếu

Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (người đi đầu) kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại đồi Mã Lại, xã Giao Thiện. Ảnh: Minh Hiếu

Cán bộ cơ sở là hạt nhân chính trị, là “sợi dây để liên hệ Đảng với quần chúng”. Việc đưa cán bộ luân chuyển về cơ sở, tăng cường cho nơi khó khăn, phức tạp để “thử lửa” đang được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện. Từ đó, tạo sức bật mới cho địa phương, đơn vị và góp phần xây nền vững chắc cho sự đi lên của toàn tỉnh.

Chuyển hóa địa bàn

“Mỗi cán bộ được điều động đều mong muốn khẳng định mình, được cán bộ và Nhân dân tại cơ sở tin tưởng” - đó là lời tâm sự của đồng chí Lê Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân, khi bắt đầu câu chuyện. Qua trao đổi được biết, tháng 7/2020, khi đang là Chánh Thanh tra huyện Như Xuân, đồng chí Lê Tuấn Anh được Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân quyết định điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân - một trong những xã vùng “6 Thanh” khó khăn nhất của huyện Như Xuân. Mới chân ướt chân ráo về cơ sở, lại không phải là người địa phương, nên thời gian đầu đồng chí Tuấn Anh gặp không ít khó khăn. Nhiều cuộc họp của xã được triển khai nhưng cán bộ đi họp không đầy đủ, khi triển khai nhiệm vụ một số cán bộ có biểu hiện phá ngang, không có tinh thần xây dựng. Tình trạng cán bộ “sáng cắp cặp đến, tối cắp cặp về”, cả ngày ngồi trà lá tán gẫu, bỏ bê công việc.

Để làm “thay đổi nền nếp, tác phong làm việc của cán bộ nơi đây”, đồng chí Tuấn Anh xác định không thể chỉ có một mình “đơn phương độc mã” mà phải cả tập thể ban thường vụ đảng ủy vào cuộc. Trong đó, bản thân người đứng đầu phải gương mẫu làm trước để tạo niềm tin. Qua trò chuyện và nắm tâm tư cán bộ, đảng viên trong xã, đồng chí Tuấn Anh đã tìm ra “nút thắt” của vấn đề về công tác cán bộ. Sau khi nghiên cứu, báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy và cấp ủy triển khai những biện pháp “mạnh” để sắp xếp lại vị trí việc làm đúng với khả năng chuyên môn của từng người, không để tình trạng cán bộ không có chuyên môn thì được làm chỗ nhàn hạ, thu nhập cao, trong khi người vững chuyên môn, nghiệp vụ lại không có cơ hội cống hiến... Qua bàn bạc, thống nhất trong ban chấp hành, đảng ủy xã sắp xếp lại vị trí việc làm, xây dựng quy chế làm việc theo hình thức chấm điểm công việc từng tuần đối với cán bộ, công chức. Nếu cán bộ, công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đưa ra cuộc họp kiểm điểm, xếp loại lao động... Từ đó công việc của xã có nhiều tiến triển, những người có năng lực chuyên môn đã phát huy được vai trò, năng lực. Sau 1 năm giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân, tình hình địa phương có bước phát triển về mọi mặt. Cuối tháng 12/2021, Thanh Xuân là xã duy nhất của huyện Như Xuân đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã giai đoạn 2022-2025. Đến tháng 5/2022, nghị quyết đã nhanh chóng được đảng bộ xã “hiện thực hóa” với những kết quả bước đầu: chuyển đổi được 11ha cây xoài keo; 0,5ha cây chanh leo; 3ha cây dổi lấy hạt từ diện tích đất trồng sắn, keo hiệu quả kinh tế thấp.

Đầu năm 2024, trong một đêm mưa, khi lên công tác tại xã Sơn Thủy (Quan Sơn), chúng tôi được Bí thư Đảng ủy Phạm Bá Thái mời đến thăm “khu nghỉ nơi biên viễn”. Về đêm cựa mình trên chiếc giường gỗ cọt kẹt, khu nghỉ lặng thinh, chỉ còn vo ve tiếng muỗi và lích rích tiếng chuột phía trần nhà. Ở bên ngoài, gió vẫn lùa về từng đợt, quất lên đám lá xào xạc, rít qua khe hở mái nhà. Căn phòng gần khu nhà vệ sinh chung của “khu nghỉ” được tận dụng lại từ khi Trường Tiểu học Sơn Thủy đã chuyển đến nơi mới, được anh Thái mượn để sinh hoạt khi lên nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy. Được biết, gia đình anh Thái hiện ở thị trấn Sơn Lư, đầu nhiệm kỳ này được Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn điều động lên công tác, anh ở tạm trong khu nhà làm việc cũ của UBND xã. Sau đó, khu nhà bị phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng sân công sở mới, anh cũng phải chuyển sang “khu nghỉ”... Căn phòng trong “khu nghỉ” rộng chưa đầy 10m2, vách tường loang lổ rêu mốc, nền nhà lỗ chỗ, mấp mô. Trên nóc nhà, những tấm nhựa trần đã bung ra lả tả như có thể rơi sụt xuống bất kể lúc nào.

Bỏ qua những vất vả của cuộc sống đời thường khi được luân chuyển về địa bàn xã Sơn Thủy, đồng chí Thái đã cùng tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã phát huy tinh thần đoàn kết, tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đồng chí Thái chia sẻ: Ngoài đặc điểm của một xã biên giới, đặc biệt khó khăn, xã Sơn Thủy có số lượng bản nhiều nhất trong các xã của huyện Quan Sơn với 11 bản, trong đó có 2 bản đồng bào Mông, trình độ dân trí chưa đồng đều. Trong khi đó, xã có địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp bởi sông suối, dân cư phân bố rải rác, không tập trung... Do vậy việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn là rất khó khăn. Với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, anh Thái đã nhận phụ trách hai bản người Mông là Mùa Xuân và Xía Nọi. Hàng tháng, anh Thái luôn dành thời gian để lên bản nắm tình hình và vận động bà con đồng bào trồng lúa 2 vụ. Đồng thời tích cực xóa bỏ hủ tục trong tang ma, đưa người chết vào quan tài. Các đám tang cũng được tổ chức tiết kiệm, không ăn uống linh đình... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh Thái đều tập hợp tinh thần đoàn kết của bí thư chi bộ, trưởng bản để đẩy mạnh phong trào thi đua. Như ở bản Mùa Xuân có bí thư chi bộ Sung Văn Cấu đã tiên phong tổ chức đám tang của người thân theo nếp sống mới, đưa người chết vào quan tài; hay Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thao Văn Công vận động vợ con và người thân trong gia đình trồng lúa nước hai vụ...

Trong thời gian giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Thái đã cùng tập thể cấp ủy, chính quyền xã chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân, tích cực vận động Nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung... Nhiều hộ còn kết hợp chăn nuôi, hoặc trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Xã cũng tập trung xây dựng sản phẩm có thế mạnh của địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong năm 2023, Sơn Thủy đã được UBND huyện chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm măng treo bốn mùa Mường Xia. Đến tháng 6/2024, đồng chí Thái được Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn quyết định điều động về làm Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy.

Không chỉ riêng đồng chí Lê Tuấn Anh và đồng chí Phạm Bá Thái, mà từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhiều cán bộ đã được luân chuyển về vùng khó để gây dựng phong trào. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Xác định công tác cán bộ là khâu “đột phá“, “then chốt” trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, gắn với phát hiện, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, sàng lọc cán bộ yếu kém, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh”kiểu mẫu” của cả nước. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, trong đó, điều động, luân chuyển cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo toàn diện của đội ngũ cán bộ. Luân chuyển cán bộ còn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện, thử thách; tạo nguồn cán bộ dồi dào và lâu dài; đồng thời, tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn trọng yếu, khó khăn; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, địa phương, đơn vị.

Khát khao cống hiến

Là cán bộ trẻ, đồng chí Hoàng Văn Thanh (SN 1986, quê huyện Thiệu Hóa) có trình độ kỹ sư kinh tế nông nghiệp, thạc sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị, từng là cán bộ hợp đồng tại Ban Thanh niên nông thôn (Tỉnh đoàn Thanh Hóa) từ tháng 9/2008. Sau đó, đồng chí Thanh làm chuyên viên, Phó trưởng ban, rồi Trưởng Ban Thanh niên nông thôn (Tỉnh đoàn Thanh Hóa). Đến năm 2016, đồng chí giữ chức Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa và đến tháng 6/2021, được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa. Nhằm đào tạo cán bộ, phát huy được trình độ và rèn luyện cán bộ ở môi trường mới, tháng 11/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định chỉ định đồng chí Thanh giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy huyện Lang Chánh để HĐND huyện Lang Chánh, bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh nhiệm kỳ 2021-2026.

Khi được bầu là Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, đồng chí Thanh khi ấy mới 35 tuổi, được xem là Chủ tịch UBND huyện trẻ nhất tỉnh Thanh Hóa. Khi mới nhận nhiệm vụ là người sinh ra ở vùng quê đồng bằng Thiệu Hóa được điều động lên huyện miền núi, đồng chí Thanh không khỏi bỡ ngỡ và lạ lẫm vì không hiểu nhiều về phong tục, tập quán của người dân nơi mình đến nhận nhiệm vụ. Đồng chí Thanh chia sẻ, từ nhỏ đến lớn chủ yếu sống và công tác ở đồng bằng, gắn bó với công tác đoàn thanh niên 13 năm ở một lĩnh vực, khi nhận trọng trách được giao là Chủ tịch UBND huyện phải nắm bắt đa dạng nhiều lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, đời sống, quốc phòng - an ninh... Nên những ngày đầu khi lên với vùng đất Lang Chánh, đồng chí Thanh đã nhiều đêm không ngủ, dành thời gian nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục của người dân nơi đây. Nhiều đêm tự đặt cho mình câu hỏi “phải bắt đầu từ đâu, phải làm gì để chứng minh bản thân mình” trước những “ánh mắt hoài nghi”, rằng “không biết trẻ thế đã làm Chủ tịch UBND huyện có làm được gì không?”. Là cán bộ trẻ với khát khao được cống hiến, không phụ lòng tin tưởng của cấp trên, đồng chí Thanh đã từng bước học hỏi, nghiên cứu về địa chí, lịch sử và các nghị quyết Đảng bộ huyện Lang Chánh qua các thời kỳ để có cái nhìn tổng quát về đất và người Lang Chánh.

Đồng chí Thanh tâm sự: Vừa nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch UBND huyện cũng là lúc bùng phát dịch bệnh COVID-19. Nhằm ưu tiên cho phòng chống dịch, huyện đã triển khai thực hiện phong tỏa khiến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gần như ngưng trệ. Để giữ địa bàn an toàn, đồng chí Thanh đã cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để triển khai thực hiện thành công “mục tiêu kép”, không để lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn. Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhằm khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Thanh đã dành thời gian đi cơ sở để nắm bắt tình hình, nghiên cứu về tiềm năng thế mạnh tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong quá trình đến làm việc với các địa phương, đồng chí thường gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, đảng viên và người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để từ đó giải quyết những vấn đề ngay tại cơ sở.

“Mỗi khi đến làm việc tại cơ sở hay dự hội nghị, tôi đều ghi chép cẩn thận những vấn đề cần làm vào sổ nhật ký công tác để khi cần xem lại và nhắc nhở mình khi giải quyết công việc. Trên địa bàn huyện Lang Chánh có 26 ngọn thác, tôi đã đặt chân đến để tìm hiểu và có hướng phát triển du lịch cộng đồng... Là vùng đất có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, qua 3 năm công tác tại huyện, tôi đã và đang cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy nêu cao tinh thần đoàn kết, trăn trở đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, dám đột phá, tự lực, tự cường, tìm mọi giải pháp để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém đưa Lang Chánh phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh" - đồng chí Thanh chia sẻ.

Cũng là cán bộ trẻ, từng là Giám đốc Sở Ngoại vụ, tháng 9/2020, đồng chí Nguyễn Văn Biện được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa. Những ngày đầu về địa phương, đồng chí cũng không khỏi bỡ ngỡ, bởi trong thời gian làm Giám đốc Sở Ngoại vụ là cơ quan tham mưu có tính chất chuyên môn, chuyên ngành cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, chưa có kinh nghiệm nhiều trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong khi đó, vai trò của Bí thư Huyện ủy, người đứng đầu cấp ủy địa phương đòi hỏi phải có kiến thức, năng lực toàn diện trên các lĩnh vực; bản thân không phải là người địa phương nên việc nắm bắt thực tiễn kinh tế, xã hội của địa phương còn hạn chế.

Tuy nhiên, với suy nghĩ về cơ sở là được rèn luyện, cống hiến, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên, tìm tòi, phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng chí Biện đã nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt tình hình cơ sở, cùng với tập thể cấp ủy, chính quyền huyện Thiệu Hóa cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của địa phương đạt hiệu quả. Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành nhiều nghị quyết để thực hiện 3 chương trình trọng tâm và 2 khâu đột phá được đưa ra trong Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Nổi bật là Nghị quyết phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với XDNTM; Nghị quyết phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó huyện chú trọng công tác quy hoạch.

Đến nay, Thiệu Hóa đã hoàn thành quy hoạch chung vùng huyện đến năm 2045; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng chung thị trấn Thiệu Hóa; quy hoạch cụm phát triển công nghiệp Ngọc Vũ, cụm công nghiệp Giang Quang, cụm công nghiệp Vạn Hà giai đoạn 2. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm như: tuyến đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45, tuyến đường tránh Quốc lộ 45 từ Thiệu Trung đi Thiệu Hóa; tuyến đường Nam sông Chu nối từ xã Thiệu Vận lên Hậu Hiền đã và đang tập trung giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào địa bàn.

Qua thực tiễn được luân chuyển về cơ sở, đồng chí Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa đã lựa chọn những khâu đột phá để từng bước tạo nên diện mạo mới ở cơ sở. Đồng chí Biện chia sẻ: Chuyển từ vị trí giám đốc một sở về làm bí thư huyện ủy thì thay đổi tác phong là làm việc tập thể, quyết định những vấn đề lớn mang tính tập thể và làm việc nhóm nhiều hơn, cho nên trải nghiệm, kỹ năng mình cũng phải phù hợp theo.

Trước đây, Thiệu Hóa xuất hiện tình trạng đơn thư vượt cấp khá nhiều, trong đó có trên 80% thuộc về lĩnh vực đất đai, giao đất trái thẩm quyền qua các thời kỳ. Với suy nghĩ muốn phát triển kinh tế thì phải giữ vững ổn định tình hình, do vậy, đồng chí tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng lâu năm. Bố trí cán bộ tiếp công dân tất cả các ngày trong tuần, lịch tiếp công dân của lãnh đạo huyện được niêm yết công khai, thực hiện nghiêm túc. Tại các buổi tiếp công dân, những vấn đề vướng mắc của công dân được giải đáp công khai, dân chủ. Giải quyết kịp thời các kết luận sau thanh tra, các quyết định giải quyết đơn thư của công dân, xử lý kịp thời các tập thể, cá nhân có sai phạm sau thanh tra đảm bảo nghiêm minh.

Có thể thấy rằng, những trăn trở, tìm tòi của đội ngũ cán bộ được điều động, luân chuyển đã và đang cho thấy sự tươi mới, mang nhiều kỳ vọng của lớp cán bộ được điều động, luân chuyển, “thử lửa” ở cơ sở. Diện mạo ở các địa phương có cán bộ được luân chuyển đến nay đã thay đổi rõ nét trên tất cả các mặt xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển.

Minh Hiếu

Bài 2: Tôi luyện để trưởng thành.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dieu-dong-luan-chuyen-can-bo-de-luyen-sat-mai-kim-bai-1-thu-lua-o-co-so-226941.htm