'Điều duy nhất tôi có thể nghĩ vào lúc đó là mình sẽ chết ngay ở đây'
Đối với những người lính Mỹ từng đến Afghanistan, cảm giác mất mát và vô nghĩa quánh đặc trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh dài nhất nước Mỹ.
Ngày 14/4, Tổng thống Joe Biden chính thức tuyên bố rút toàn bộ quân Mỹ tại Afghanistan trước ngày 11/9, chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông được Mỹ phát động 20 năm về trước.
Quyết định này hứng chịu sự phản đối từ lưỡng đảng, dấy lên những phản ứng trái chiều trong công chúng. Còn đối với những cựu binh Mỹ từng có mặt ở Afghanistan những ngày đỏ lửa, cảm giác mất mát và trống trải bao trùm, theo Washington Post.
Một chiến thắng "trống rỗng"
Mười năm trước, khi Mỹ đóng cửa các tiền đồn và căn cứ quân sự ở phía nam Afghanistan, Taliban đã treo lá cờ trắng trên những phế tích của quân đội Mỹ. Họ ngạo nghễ gửi đi lời khẳng định lãnh thổ và mỉa mai cười nhạo cách từ bỏ của một đội quân hàng đầu.
Trong nỗ lực nhằm tháo lá cờ xuống, Hạ sĩ Ramon Kaipat đã bị một quả bom cài dưới cột cờ tước đi sinh mạng. Khi đó, anh mới 22 tuổi.
Đồng đội của Kaipat là Peter Lucier đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối với anh, hơn bất kỳ điều gì khác, cái chết của người đồng đội là minh chứng rõ ràng và đau đớn nhất cho sự vô nghĩa của cuộc chiến.
Còn với binh sĩ Kaipat, người qua đời cũng vào dịp đầu tháng 4 gần một thập kỷ trước, anh nằm đó, ra đi cùng với lý tưởng của mình, trong khi dường như viên chỉ huy còn phải bận tâm về những điều khác.
Còn đối với anh Lucier, giờ đây đang học tại trường St. Louis, dù hoàn toàn ủng hộ quyết định rút quân, anh chẳng hề cảm thấy hài lòng.
"Tôi từng nghĩ mình sẽ hạnh phúc. Nhưng điều này chẳng hề giống một chiến thắng", anh nói, đúng hơn "nó hoàn toàn trống rỗng".
Rất nhiều người trong số 800.000 binh sĩ Mỹ từng đến Afghanistan cũng chìm trong những băn khoăn tương tự. Họ không biết rốt cuộc nước Mỹ đã đạt được điều gì, và chính họ đã đóng góp được gì cho cuộc chiến này.
Vài người tin rằng quyết định trên là lẽ tất yếu, bởi sau hàng loạt thất bại, nhiều sai lầm và vô số cơ hội bị bỏ lỡ, nỗ lực tái thiết Afghanistan và dựng nên một chính quyền hòa hảo ở đây ngày càng xa vời.
Theo báo cáo của Lầu Năm góc, cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ đã tiêu tốn 2.000 tỷ USD, khiến hơn 2.300 người thiệt mạng, 20.000 người bị thương. Và khoảng 30.000 nhân sự khác từng đến Afghanistan trong năm lần triển khai quân sự.
Trong khi đó, 10.000 thường dân Afghanistan vĩnh viễn nằm lại do ảnh hưởng của cuộc chiến.
Trả giá đắt
Anh Loren Crowe, một lính bộ binh từng hai lần tham chiến ở Afghanisan, nói rằng: "Thật tốt đối với những ai được quay trở lại chiến trường D-Day (Thế chiến II) trong một chuyến du lịch 30 năm sau và chứng kiến sự thay đổi ở đó".
"Còn chúng tôi sẽ không như thế. Quay trở lại Afghanistan chẳng khiến cho cuộc chiến bớt vô nghĩa hơn, và cũng chẳng thể biện minh cái giá mà chúng tôi đã trả", anh nói.
Năm 2008, sĩ quan Crowe đã được trao huân chương Sao Bạc vì sự dũng cảm trong một cuộc đụng độ tại khu vực phía đông tỉnh Konar. Năm 2012, cũng chính tại nơi đó, anh bị bắn trọng thương khi đang tham chiến.
Dù thật khó để quân đội Mỹ tiếp tục ở lại, nhưng anh lo ngại tác động tiêu cực của việc rút quân đối với người dân ở Afghanistan, nhất là khi phiến quân Taliban giành lại quyền kiểm soát và thực thi các chính sách tàn khốc như thập niên 90 của thế kỷ trước. 40 triệu người dân đất nước này sẽ phải chịu hậu quả", anh cho biết.
Anh Crowe nói rằng những nghi ngờ đối với cuộc chiến này dấy lên từ hồi anh ở Afghanistan. Càng ngày viên sĩ quan càng không hiểu nước Mỹ đang cố gắng đạt được điều gì. Và việc tốt nhất anh có thể làm là nỗ lực cứu sống càng nhiều thanh niên Mỹ càng tốt.
Cô Amber Chase, một nữ quân y, cảm thấy xót xa khi đón nhận tuyên bố mới nhất của chính quyền Mỹ, cô nói: "Chiến tranh làm cho mỗi cuộc đời mất đi đều trở nên vô nghĩa".
Nữ quân y Chase, người từng đến Afghanistan ba lần, có nhiệm vụ tiếp nhận phần thi thể còn lại của những người tử nạn, và chuẩn bị giúp họ hoàn thành hành trình cuối cùng trở về đất mẹ.
Trong khi đó, cựu binh Tyler Burdick, người đã mất cả hai chân ở Afghanistan trong một vụ nổ tại Marja năm 2010, cho biết việc rút quân của Mỹ quá chậm trễ. Theo anh, bản thân anh và những người đồng đội đã phải gồng mình quá mức trong những tháng năm đằng đẵng ở Trung Đông.
Tai họa xảy đến với anh chỉ vài ngày trước khi kỳ nghĩa vụ kết thúc.
Khi nói về sự trở lại của phiến quân ở Marja khi quân Mỹ rời đi, anh cho biết: "Chúng tôi phải chấp nhận sự thật rằng bao nhiêu thanh niên Mỹ bị thương, nhiều người khác đã ngã xuống chẳng vì điều gì cả".
Còn sĩ đối với quan tình báo Ronald Moller, người từng đến Afghanistan 12 lần, cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ sẽ nhanh chóng bị quên lãng và những bài học từ Afghanistan sẽ chẳng bao giờ được rút ra.
"Cuộc chiến là một chuỗi sai lầm nối tiếp nhau", anh cho biết.
Từ tháng 2/2020, dù chưa có thêm binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Afghanistan, anh Moller vẫn lo ngại khi cuộc chiến còn chưa kết thúc. Phiến quân Taliban đã mạnh hơn rất nhiều từ khi cựu Tổng thống Donald Trump ký vào bản giao kèo rút quân vào năm ngoái.
Một cựu lính thủy đánh bộ khác là Jordan Weaver. Anh từng tham chiến ở Marja năm 2010. Khi nhớ lại ký ức kinh hoàng trong một cuộc phục kích của Taliban, anh nói: "Bạn có thể nhìn thấy đường đạn găm vào và xới tung mặt đất. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ vào lúc đó là mình sẽ chết ngay ở đây".
Theo anh Weaver, sau này người ta có thể sẽ quên đi, dù khung cảnh đẫm máu và tiếng súng đạn đôi khi vẫn trở về, đánh thức tâm trí của những cựu binh về một thời thể xác chìm trong khói lửa Trung Đông còn tinh thần thì lạc lối.
"Hay là, bạn sẽ phải nhớ về nó cả đời", anh cho biết.