Điều gì có thể biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thành chiến tranh?
Tàu sân bay, tàu ngầm Mỹ đã đến bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng tổ chức tập tận bắn đạn thật quy mô lớn nhất lịch sử, những tuyên bố cứng rắn liên tục được các bên đưa ra, vậy điều gì có thể khiến căng thẳng này bùng phát thành chiến tranh?
Theo CNN, với những biểu hiện trên, thật khó để có thể khẳng định chiến tranh thực sự sắp xảy ra hay đó chỉ là những sức ép mà ông Donald Trump muốn tạo ra với ông Kim Jong-un sau khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng.
Những cảnh báo về "miệng hố chiến tranh" xuất hiện gần như mỗi ngày nhưng liệu có phải tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã đạt đến mức không thể cứu vãn.
Chỉ một tia lửa
Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang như chiếc hộp kín căng đầy và chỉ cần một tia lửa nhỏ sẽ vỡ tung. Bruce Bennett chuyên gia phân tích quốc phòng của Tập đoàn RAND nói: "Câu hỏi bây giờ là ai sẽ phạm sai lầm. Bởi vì, chỉ cần một sự cố nhỏ, mọi chuyện sẽ vượt khỏi tầm tay".
Tuy nhiên, vẫn có những chuyên gia cho rằng, dù có sai lầm chiến lược nào đó xảy ra, chiến tranh vẫn không sớm xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.
Video: Mỹ điều chiến hạm đến bán đảo Triều Tiên
Theo Giáo sư Carl Schuster, đến từ Đại học Hawaii Pacific, cựu Giám đốc trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết, nếu xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ được đặt trong trạng thái có tên Defcon 2. Giáo sư nói, nếu có, trạng thái này sẽ được thông báo chính thức và công khai.
Trong khi đó, phía quân đội Mỹ cũng chưa có động thái điều động thêm tàu sân bay đến khu vực này mặc dù quá trình di chuyển của các tàu sân bay không thể nhanh chóng.
Giáo sư Schuster cũng cho rằng, muốn xác định khả năng xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên cần theo dõi động thái của hệ thống pháo binh, xe tăng của Bình Nhưỡng.
Ngày 25/4, Triều Tiên tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật pháo binh được cho là lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự ở Mỹ cho rằng, lượng đạn được vận chuyển đến sự kiện này cần phải theo dõi và phân tích qua các hình ảnh từ vệ tinh.
Yếu tố Trump
Theo CNN, nhiệm kỳ của ông Trump đã mở ra kỷ nguyên mới về vấn đề Triều Tiên. Bằng chứng là, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã hết" và "mọi phương án về Triều Tiên đã được đặt trên bàn".
Ngoài ra, ông Trump cũng tuyên bố đang làm việc Trung Quốc để gây sức ép lên Triều Tiên nhằm khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Video: Sức mạnh "mình đồng da sắt" của quân đội Triều Tiên
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết Mỹ đang sắp xếp sự giúp đỡ từ các đồng minh châu Á để gây sức ép lên ông Kim Jong-un.
Đây được xem là hướng đi mới, nhằm tạo ra sức ép lớn hơn lên Triều Tiên khi các lệnh trừng phạt, phản đối trước đây không mấy tác dụng.
Bên cạnh đó, những bình luận về Triều Tiên của ông Trump trên Twitter cá nhân cũng được cho là nguyên nhân khiến tình hình ở bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng.
Sau nhận định "Kim Jong-un không mạnh mẽ như vẫn tỏ ra" của ông Trump, chuyên gia Tong Zhao của Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie Tsinghua ở Bắc Kinh cho rằng: "Được cho là yếu chỉ khiến họ muốn trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, chuyên gia Bennett của RAND thì cho rằng: "Chúng tôi thực sự không biết ông Trump chuẩn bị làm gì".
Ông Kim muốn gì?
Mặc dù được cho là khó đoán nhưng theo CNN, các chuyên gia đều cho rằng, mục tiêu lớn của ông Kim Jong-un là đảm bảo sự sống còn, phát triển của Triều Tiên.
Joe Bermudez, chuyên của 38 North, nhóm quan sát Triều Tiên cho rằng: "Triều Tiên tin rằng cách duy nhất để Mỹ không tấn công là sở hữu vũ khí hạt nhân".
Video: Ông Kim Jong-un lái máy bay
Ngoài ra, Bennett cho rằng, Triều Tiên nhìn vào tấm gương Libya nếu chấp nhận "cà rốt" của Mỹ để đổi lấy việc từ bỏ chương trình hạt nhân: "Ông Kim Jong-un điều hành quốc gia có nền kinh tế kém phát triển và ông ấy cần làm điều gì đó để chứng minh khả năng lãnh đạo. Ngoài ra, sức mạnh hạt nhân sẽ giúp ông Kim có thể ngang hàng với Mỹ".
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Triều Tiên mới đây khẳng định, họ là quốc gia "nghĩ về hòa bình và yêu thương nhiều hơn bất kỳ nước nào nhưng cũng không ngại chiến tranh trong trường hợp bất khả kháng".
Láng giềng lo sợ
Mặc dù các chuyên gia vẫn cho rằng, khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là ít. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng của Bình Nhưỡng vẫn luôn sẵn sàng cho mọi tình huống.
Tháng trước, Nhật Bản tổ chức diễn tập sơ tán và đưa ra hướng dẫn trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, cả người dân bản địa và người Mỹ ở đây đều được hướng dẫn phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp.
Video: Vũ khí, trang bị quân sự Nga được chuyển đến biên giới Triều Tiên
Trong khi đó, Trung Quốc liên tiếp đưa ra những cảnh báo và lời kêu gọi kiềm chế trong căng thẳng Triều Tiên. Theo CNN, mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh là ngăn chặn xung đột ở bán đảo Triều Tiên.
Khi điều này xảy ra, ngoài ảnh hưởng về kinh tế còn có sự lo ngại về việc người tị nạn Triều Tiên tràn qua biên giới hay Mỹ có cơ hội áp sát biên giới Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu xảy ra xung đột ở bán đảo Triều Tiên, nó có thể trở thành cuộc chiến quy mô toàn cầu và không phục vụ mục đích của bất cứ bên nào.
Trong quá khứ, đã có những lần xung đột mạnh mẽ hơn nhưng vẫn không xảy ra chiến tranh như vụ Triều Tiên bắn chìm tàu Hàn Quốc năm 2010 hay vụ Triều Tiên pháo kích các đảo của Hàn Quốc năm 2014.
Giáo sư Schuster kết luận: "Kim Jong-un sẽ chỉ làm những gì ông ta tính toán được".