Điều gì khiến Ford 'rót thêm 82 triệu USD mở rộng sản xuất ô tô tại Việt Nam?
Ford Việt Nam đã liên tục ghi nhận những kết quả kinh doanh thuận lợi với nhiều kỷ lục về doanh số trong những năm gần đây. Hiện Ford là một trong ba thương hiệu ô tô có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường với 3/6 dòng xe dẫn đầu các phân khúc tương ứng tại Việt Nam.
Khởi động dự án cho “niềm tin”
Ngày 14/01, Ford Việt Nam chính thức công bố khoản đầu tư bổ sung, trị giá 82 triệu USD (tương đương hơn 1.900 tỷ đồng) để nâng cấp “đại bản doanh” - nhà máy lắp ráp Hải Dương. Dự kiến, công suất nhà máy sẽ được nâng từ 14.000 xe lên 40.000 xe/năm. Như vậy, với khoản đầu tư bổ sung này, Tập đoàn Ford Motor Ford (Mỹ) đã nâng tổng vốn đầu tư của Ford tại Việt Nam lên mức hơn 200 triệu USD.
Kế hoạch nâng cấp và mở rộng nhà máy Hải Dương sẽ được chia thành hai giai đoạn, triển khai từ năm 2020 và dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022. Theo đó, nhà máy sẽ được xây dựng mở rộng thêm hơn 60.000m2, nâng tổng diện tích xây dựng lên 226.000m2, bao gồm việc xây mới xưởng thân xe và xưởng sơn, điều chỉnh xưởng lắp ráp hoàn thiện và sắp xếp lại khu vực hậu cần, vật tư.
Gói đầu tư mở rộng cũng cho phép Ford Việt Nam mua sắm thêm các thiết bị, máy móc mới và một loạt các robot với những công nghệ kết nối hiện đại nhất nhằm tăng cường tính hiệu quả của sản xuất và nâng cao chất lượng các sản phẩm lắp ráp tại nhà máy. Quyết định mở rộng sản xuất của Ford sẽ cho công suất dự kiến tăng từ 14.000 xe lên 40.000 xe/năm. Phần mở rộng này được áp dụng quy trình sản xuất và xử lý bảo vệ môi trường theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Andreá Cavallaro - Phó Chủ tịch Phụ trách sản xuất, khối thị trường quốc tế (IMG) của Tập đoàn Ford Motor chia sẻ, quyết định đầu tư mở rộng sản xuất dựa trên nhu cầu ổn định và ngày càng tăng cao của người tiêu dùng đối với dòng xe Ford và là sự khẳng định cam kết đầu tư, phát triển lâu dài tại thị trường nội địa của Ford.
Trả lời câu hỏi của Công lý & Xã hội vì sao phải quyết định mở rộng việc sản xuất, lắp ráp nội địa thay vì phải nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các thị trường lân cận như Thái Lan mà một số hãng khác đang làm như Toyota….?
Ông Phạm Văn Dũng - Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây và được kỳ vọng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong vòng 20 năm tới. Tỷ lệ sở hữu xe ô tô tại Việt Nam (2%) còn khá thấp so với các nước trong khu vực, đây cũng chính là tiềm năng phát triển cho toàn ngành.
Trong bối cảnh đó, Ford Việt Nam đã liên tục ghi nhận những kết quả kinh doanh thuận lợi với nhiều kỷ lục về doanh số trong những năm gần đây. Hiện Ford là một trong ba thương hiệu ô tô có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường với 3/6 dòng xe dẫn đầu các phân khúc tương ứng tại Việt Nam. Năm 2019 Ford Việt Nam ghi nhận doanh số bán hàng kỷ lục, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2018, đạt mức 32.175 xe, cao nhất trong suốt hành trình ¼ thập kỷ tại thị trường Việt Nam.
Các dòng sản phẩm Ranger, Transit, Explorer liên tục dẫn đầu các phân khúc tương ứng trong nhiều năm liên tiếp. Mức tăng trưởng này phản ánh đúng nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với toàn bộ danh mục sản phẩm đa dạng của Ford nói riêng và sức tăng trưởng của toàn thị trường ô tô nói chung.
Do đó kế hoạch đầu tư thêm 82 triệu USD vào sản xuất nội địa sẽ tiếp sức cho chúng tôi phát triển mạnh mẽ và phục vụ thêm nhiều khách hàng Việt Nam hơn nữa. Gói đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy Ford Hải Dương cũng là minh chứng cho sự tin tưởng của Tập đoàn Ford Motor vào tiềm năng của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, hiện thực hóa cam kết gắn bó lâu dài của Ford và góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng trong nước đối với phổ sản phẩm đa dạng của Ford.
“Hiện nay danh mục sản phẩm lắp ráp trong nước của Ford đều là các sản phẩm được yêu thích và có tính cạnh tranh cao tại thị trường Việt Nam bao gồm: dòng xe SUV đô thị EcoSport, xe thương mại Ford Transit và mới đây là dòng sản phẩm MPV 7 chỗ Ford Tourneo. Việc đầu tư mở rộng nhà máy Ford Hải Dương sẽ mở ra cơ hội để đưa thêm các sản phẩm mới về lắp ráp tại tại Việt Nam”, ông Dũng nói.
Song, có vẻ việc tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất nhà máy Hải Dương, Ford đã không giấu tham vọng “lội dòng nước ngược” khi xuất khẩu các thành phẩm ra nước ngoài. Về chiến lược này, CEO Ford Việt Nam chia sẻ: “Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đặt ưu tiên đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng của thị trường trong nước đối với các sản phẩm của Ford. Tuy nhiên chúng tôi vẫn xuất khẩu những lô hàng nhỏ thăm dò thị trường khi có cơ hội”.
Kỳ vọng vào “ván bài”
Theo ông Phạm Văn Dũng, “ván bài” 82 triệu USD sẽ mở ra cơ hội mới cho Ford Việt Nam tăng số lượng các dòng xe lắp ráp trong nước. Cụ thể, khi quá trình đầu tư mở rộng được hoàn tất, sẽ giúp chúng tôi tăng công suất gần gấp 3 lần, đảm bảo nguồn cung ổn định và tương xứng với nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng (đơn cử như nhu cầu năm 2019 đã giúp công ty đã bán trên 30 ngàn xe, tăng 31%).
Song song đó, Ford Việt Nam sẽ tiếp tục tạo thêm việc làm cho gần 500 lao động (hiện nhà máy có 700 lao động trực tiếp), tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương. “Chúng tôi tin rằng tiếp tục đầu tư vào nhà máy sản xuất là một quyết định đúng đắn của Tập đoàn mẹ Ford, sẽ mang lại những giá trị tốt đẹp cho thị trường nội địa và người dân địa phương trong thời gian tới”, ông Dũng nói.
Liên quan đến sự kiện này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, quyết định tích cực trút thêm vốn đầu tư cho việc mở rộng sán xuất tại Hải Dương của tập đoàn Motor Ford có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và khẳng định năng lực của doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu ngày càng tăng, nhất là từ các nước ASEAN; góp phần đẩy mạnh hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.