Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn thức ăn để qua đêm?

Nhiều gia đình có thói quen hâm nóng các món từ tối hôm trước để ăn sáng, việc làm ảnh hưởng sức khỏe thế nào?

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bữa sáng rất quan trọng, chiếm 30-40% tổng năng lượng trong ngày. Ăn sáng khoa học giúp bảo vệ đường tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.

Nhiều gia đình không có thời gian chuẩn bị bữa sáng nên thường hâm nóng lại đồ ăn từ tối hôm trước. Nhìn chung, thói quen này không có lợi cho sức khỏe. Các món ăn khi đun nấu lại sẽ mất chất dinh dưỡng, nhiều thực phẩm còn dễ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn.

Một số món như cá, thịt rán bị khô và hao hụt dinh dưỡng, chưa kể còn ngấm thêm dầu mỡ, không tốt cho sức khỏe. Hoặc cơm trắng, nếu hâm lại, dù không ôi thiu nhưng cũng không còn thơm ngon. Đặc biệt, các món canh, sốt hay xào chế biến cùng các loại rau không nên để qua đêm vì dễ gây hại.

Nhiều gia đình có thói quen hâm nóng các món từ tối hôm trước để ăn sáng. (Ảnh minh họa)

Nhiều gia đình có thói quen hâm nóng các món từ tối hôm trước để ăn sáng. (Ảnh minh họa)

Một bữa sáng cân bằng phải bao gồm tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết, gồm carbs, protein và chất xơ để bắt đầu ngày mới khỏe mạnh.

Với trẻ nhỏ, một cốc sữa bột đảm bảo đủ 300-400 calo tương đương bát phở nhỏ, đủ năng lượng cho trẻ hoạt động. Lưu ý bạn nên hạn chế sử dụng lại thức ăn thừa. Thực phẩm từ ngày hôm trước nấu lại mất dinh dưỡng, dễ ôi thiu, tăng nguy cơ nhiễm vi sinh vật trong quá trình bảo quản.

Chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên ăn sáng theo giờ cố định để tạo thành phản xạ có điều kiện cho cơ thể. Tốt nhất nên tạo thói quen ăn sáng trước 8h sáng hoặc sau khi thức dậy 30 - 60 phút. Ngoài ra, hãy uống nước ngay khi thức dậy để bổ sung lượng nước cho cơ thể sau một đêm dài.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dieu-gi-se-xay-ra-neu-ban-an-thuc-an-de-qua-dem-ar900580.html