Điều gì thúc đẩy dòng vốn FDI dịch chuyển trở lại Việt Nam?

Từ việc Foxconn rót thêm 250 triệu USD vào Quảng Ninh và dựa trên số liệu vốn nước ngoài đăng ký từ đầu năm đến nay đang cho thấy có những tín hiệu tích cực về dòng vốn FDI dịch chuyển trở lại Việt Nam. Đặc biệt là cần ghi nhận lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và thời gian tới nên tiếp tục có những thay đổi cần thiết về chính sách để thúc đẩy mạnh dòng vốn dịch chuyển này.

Tập đoàn Foxconn (nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu của Đài Loan - Trung Quốc) vừa được tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án với tổng mức vốn 250 triệu USD. Hãng tin Reuters cho biết, các dự án mới sẽ nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á lên khoảng 3 tỷ USD.

“Điểm sáng” từ các khu công nghiệp miền Bắc

Theo đó, cơ sở tại Việt Nam là một trong những địa điểm quan trọng trong dấu ấn toàn cầu của Foxconn. Các kế hoạch rộng lớn hơn của tập đoàn này nhằm mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng liên tục giữa Bắc Kinh và Washington.

Cũng theo Reuters, Foxconn đang có kế hoạch thành lập thêm một nhà máy mới tại tỉnh Nghệ An với vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu USD.

Các nhà sản xuất linh kiện điện tử tại Đài Loan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng như có kế hoạch sẽ mở rộng đầu tư ở các khu công nghiệp miền Bắc.

Các nhà sản xuất linh kiện điện tử tại Đài Loan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng như có kế hoạch sẽ mở rộng đầu tư ở các khu công nghiệp miền Bắc.

Còn trong báo cáo mới nhất, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng, các nhà đầu tư Đài Loan (phần lớn là các nhà sản xuất linh kiện điện tử) đang tích cực xem xét mở rộng chuỗi cung ứng của tại thị trường Việt Nam (dựa trên số liệu vốn nước ngoài đăng ký).

Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty IDICO (IDC) - chuyên về đầu tư phát triển khu công nghiệp, các nhà sản xuất linh kiện điện tử tại Đài Loan hiện rất quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng như có kế hoạch sẽ mở rộng đầu tư ở các khu công nghiệp miền Bắc. Theo kết quả khảo sát, có đến hơn tới 42% các DN ưu tiên đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều các công ty Trung Quốc khởi động hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam, nhờ vào hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do và chi phí lao động cạnh tranh.

Các nhà đầu tư này đang tiến hành đẩy mạnh khảo sát thị trường khu công nghiệp phía Bắc để tìm các địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất với các lợi thế về chuỗi cung ứng và hậu cần thuận lợi so với thị trường Trung Quốc.

Theo chuyên gia phân tích của Mirae Asset, chiến lược “Trung Quốc +1” sẽ mở ra cơ hội cho các khu công nghiệp ở miền Bắc. Điều này là nhờ các lợi thế liên quan đến thời gian giao hàng, và chuỗi cung ứng sẵn có với thị trường Trung Quốc. Xung đột thương mại Mỹ - Trung và căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển các nhà máy sản xuất.

Các dự án lớn sẽ kéo theo các DN vệ tinh. Nhiều dự án mới dự kiến cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Đơn cử như Tập đoàn LG cam kết sẽ đầu tư thêm 4 tỷ USD trong những năm tới, hoặc như chiều hướng mở rộng đầu tư của Foxconn.

Dữ liệu mới công bố cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) tính đến ngày 20/6/2023 đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tạo môi trường đầu tư có lợi thế cạnh tranh cao

Tuy có mức giảm như nêu trên, nhưng giới phân tích nhận định đang có tín hiệu tích cực về sự dịch chuyển trở lại của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù vốn đăng ký trong gần 6 tháng qua vẫn giảm nhưng mức giảm được ghi nhận là thấp hơn so với các tháng trước. Tức là mức độ giảm đã được thu hẹp do sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đầu tư mới và vốn góp thông qua mua cổ phần so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, có 1.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 71,9% so với cùng kỳ năm trước) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 6,49 tỷ USD (tăng 31,3%).

Bên cạnh đó, có 632 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 29,8% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,93 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 1.594 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 76,8%.

Xét về yếu tố hấp dẫn thúc đẩy dòng vốn ngoại dịch chuyển trở lại Việt Nam, giới chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là phải tạo được môi trường đầu tư có lợi thế cạnh tranh cao. Đặc biệt là đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục được cải thiện ở Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 nhờ một loạt các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách quản lý cho sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Riêng về xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút vốn ngoại, như đánh giá của Công ty Cushman & Wakefield, các tín hiệu rất tích cực. Cụ thể, sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 12,5 nghìn tỷ đồng, sự kiện khởi công Vành đai 3 với tổng vốn đầu tư 75 nghìn tỷ đồng và sự kiện tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31 nghìn tỷ đồng. Riêng quy hoạch sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ có mức công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, gấp 2,5 lần công suất hiện tại của hàng không Singapore.

Ngoài ra, theo Bộ Giao thông Vận tải, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới 5.000 km đường cao tốc.

Chắc chắn những cải thiện về mặt hạ tầng giao thông như vậy sẽ là yếu tố hấp dẫn để thu hút dòng vốn ngoại, thu hút nhiều sự quan tâm của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Song song đó, trước thách thức từ thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm mờ nhạt những lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút FDI thông qua công cụ thuế quan, giới chuyên gia lưu ý ưu đãi thuế không phải là yếu tố then chốt mà Việt Nam có được trong việc thu hút FDI.

Theo Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, mức độ cạnh tranh về mặt thuế quan không phải là yếu tố trọng yếu trong quá trình ra quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc cải thiện quy trình hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục mới là những yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, thời gian gần đây, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng yêu cầu được cung ứng năng lượng sạch cho sản xuất trước xu thế sản xuất xanh trên toàn cầu. Hoặc bản thân các nhà phát triển khu công nghiệp đang rất cần có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn để hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển trở lại của dòng vốn ngoại, nhưng vẫn còn vướng một số vấn đề về mặt pháp lý. Đây cũng là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhà đầu tư và các nhà phát triển khu công nghiệp.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dieu-gi-thuc-day-dong-von-fdi-dich-chuyen-tro-lai-viet-nam-1093598.html