Điều ít biết về cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump

Lịch sử Mỹ từng chứng kiến hai vị tổng thống bị luận tội ở Hạ viện nhưng sau đó họ đều được 'giải cứu' tại Thượng viện. Liệu rằng điều đó có lặp lại với Tổng thống Donald Trump?

Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Trump (phải), sau khi ông chủ Nhà Trắng bị cáo buộc gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để điều tra con trai của "đối thủ" chính trị Joe Biden - ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Ảnh: NYP.

Theo bà Pelosi, 6 ủy ban của Hạ viện, bao gồm Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tình báo, Ủy ban Phương tiện và Cách thức, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Giám sát và Ủy ban Đối ngoại, đã bắt đầu điều tra Tổng thống Trump trong nhiều vấn đề và sẽ tiếp tục quá trình này dưới sự bảo trợ của quy trình luận tội chính thức. Ảnh: The Nation.

Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ vì tìm cách tranh thủ thế lực nước ngoài để giành lợi thế chính trị. Ảnh: Politico.

Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định, cuộc điện đàm hồi tháng 7 vừa qua giữa ông và nhà lãnh đạo Ukraine là “rất thân thiện, hoàn toàn phù hợp” và ông đã không gây bất cứ áp lực nào đối với Tổng thống Zelensky. Ảnh: USA Today.

Ông Trump bác bỏ hoàn toàn cáo buộc và gọi hành động của phe Dân chủ là một "cuộc săn phù thủy". Ảnh: Politico.

Dù vậy, cuộc điều tra đối với Tổng thống Trump vẫn sẽ diễn ra, xoay quanh việc liệu ông Trump có lạm dụng quyền lực tổng thống và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu "đối thủ" chính trị là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hay không. Ảnh: ABC News.

Ngoài ra, ông Trump có thể phải đối mặt với cuộc luận tội về một loạt cáo buộc hành vi sai trái như trục lợi cá nhân từ vai trò tổng thống, vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử, điều chuyển ngân sách không thích hợp để xây dựng bức tường biên giới,...Ảnh: The Nation.

Trên thực tế, để luận tội được Tổng thống Trump, đề xuất phải được thông qua ở Hạ viện và được ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện phê chuẩn. Sau khi Hạ viện gửi bản kiến nghị luận tội Tổng thống lên Thượng viện, Chủ tịch ủy ban truất phế của Hạ viện sẽ trình bày bản cáo trạng trước Thượng viện. Ảnh: BI.

Tổng thống có quyền đưa ra nhân chứng và biện hộ cho những sai phạm của mình. Sau đó, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu kín. Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, quyết định phế truất (Tổng thống) chỉ có hiệu lực khi nhận được sự đồng ý của 2/3 Thượng nghị sĩ. Ảnh: People.

Tuy nhiên, kịch bản ông Trump bị phế truất dường như khó có thể xảy ra vì Đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ (Đảng Cộng hòa giữ 53 ghế và phe Dân chủ 45 ghế). Ảnh: FT.

Hiện chưa rõ quá trình điều tra luận tội Tổng thống Trump sẽ kéo dài bao lâu, nhưng theo một số nghị sĩ Dân chủ, tiến trình có thể diễn ra trong vài tháng và kết thúc trước cuối năm nay. Ảnh: CNN.

Lịch sử Mỹ từng chứng kiến hai vị tổng thống bị luận tội ở Hạ viện là Tổng thống Andrew Johnson (trái) vào năm 1868 và Tổng thống Bill Clinton (phải) năm 1998-1999. Tuy nhiên sau đó, họ đều được "giải cứu" tại Thượng viện. Ngoài ra, Tổng thống Richard Nixon (giữa) cũng từng đối diện nguy cơ bị luận tội, nhưng ông đã chủ động từ chức trước khi quá trình này bắt đầu. Ảnh: YN.

Mời độc giả xem thêm video: Ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ (Nguồn: VTC1)

Thiên An (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/dieu-it-biet-ve-cuoc-dieu-tra-luan-toi-tong-thong-trump-1281104.html