Điều ít biết về Nguyễn Thị Oanh: Nhận lương chỉ 7 triệu đồng/tháng, suýt phải từ bỏ đam mê vì bệnh tật

SEA Games 32 không phải là lần đầu tiên Nguyễn Thị Oanh gặp khó khăn nhưng vẫn vượt lên tất cả để giành HCV ở những nội dung mà cô thi đấu.

Giành 2 HCV chỉ trong 20 phút

Hôm qua (9/5), Nguyễn Thị Oanh đã xuất sắc giành cú đúp HCV ở môn điền kinh SEA Games 32. Đáng chú ý, phần thi chung kết 2 nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật mà VĐV 38 tuổi tham dự chỉ cách nhau 20 phút.

Cụ thể, ở nội dung 1.500m nữ, Nguyễn Thị Oanh cán đích ở vị trí đầu tiên với thành tích 4 phút 16 giây 85. Đứng thứ 2 là Bùi Thị Ngân với thành tích 4 phút 24 giây 57. VĐV Chui Ling Goh (Singapore) giành HCĐ với thành tích 4 phút 26 giây 33.

Gặp khó khăn rất lớn về lịch thi đấu môn điền kinh, nhưng tài năng, bản lĩnh và chiến thuật thi đấu hợp lý đã giúp Nguyễn Thị Oanh hoàn thành hat-trick HCV tại SEA Games 32.

Gặp khó khăn rất lớn về lịch thi đấu môn điền kinh, nhưng tài năng, bản lĩnh và chiến thuật thi đấu hợp lý đã giúp Nguyễn Thị Oanh hoàn thành hat-trick HCV tại SEA Games 32.

Bước vào nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, Nguyễn Thị Oanh tiếp tục cán đích ở vị trí đầu tiên với thành tích 17 phút 00 giây 33. Phạm Thị Hồng Lệ đoạt HCB với thành tích 17 phút 06 giây 72. Đứng thứ 3 là Odekta Elvina Naibaho (Indonesia) với thành tích 17 phút 13 giây 63.

Được biết, trước khi thi đấu, nhiều người cho rằng, Nguyễn Thị Oanh cần bỏ nội dung thứ hai, bởi thi đấu sẽ rất nguy hiểm và dễ dẫn đến chấn thương. Nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn không bỏ cuộc để giành cả hai tấm HCV cho điền kinh Việt Nam. Chiến thắng của Nguyễn Thị Oanh là sự khẳng định cho tinh thần phụ nữ Việt Nam ở sân chơi SEA Games, là hai tấm HCV có thể nói "quý hơn vàng" khi vượt qua sự thay đổi lịch thi đấu không hợp lý từ ban tổ chức.

Trước đó, vào tối ngày 8/5, Nguyễn Thị Oanh cũng đã xuất sắc giành tấm HCV nội dung 5.000m. Vận động viên Việt Nam tiếp tục không có đối thủ xứng tầm ở nội dung này. Ngay cả đồng đội giành huy chương bạc là Phạm Thị Hồng Lệ - cũng là chân chạy thuộc diện "số má" trong khu vực Đông Nam Á - cũng bị Nguyễn Thị Oanh bỏ xa.

Nghị lực phi thường vượt lên "nghịch cảnh" để chiến thắng

Mặc dù là VĐV số 1 của thể thao Việt Nam nhưng mức lương hiện tại của Nguyễn Thị Oanh chỉ vào khoảng 7 triệu đồng/tháng theo quy định của nhà nước. Ngoài ra, Oanh gần như không có khoản thu nhập nào khác. Những năm gần đây, Oanh có kinh doanh bán quần áo, giầy dép online để có thêm thu nhập phục vụ việc tập luyện.

Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1995, trong gia đình thuần nông, có 8 chị em ở xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Gia đình đông anh chị em nên từ nhỏ Oanh đã phụ giúp bố mẹ công việc gia đình, đồng áng. Thế nhưng không phải vì thế mà Oanh mất đi sự hoạt bát năng nổ trên trường lớp. Từ khi học cấp 2, cô đã thường tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao của trường. Để rồi sự năng nổ, hoạt bát và niềm yêu thích đối với thể thao ấy lớn lên theo từng năm ngồi trên ghế nhà trường.

Đến cuối năm lớp 9, Nguyễn Thị Oanh bắt đầu nhận được sự chú ý bởi những thành công gây kinh ngạc ở các giải phong trào. Sau đó cô được tuyển lên đội năng khiếu Thể dục Thể thao Bắc Giang. Cũng từ đây, cô bé với vóc người nhỏ nhắn bắt đầu cuộc sống tự lập và bước vào con đường theo đuổi đam mê với điền kinh.

Nhiều bằng khen, huy chương vàng, đồng, bạc được vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh treo trang trọng trên tường nhà. Ảnh: Dân Việt

Nhiều bằng khen, huy chương vàng, đồng, bạc được vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh treo trang trọng trên tường nhà. Ảnh: Dân Việt

Chưa đầy 5 năm sau, Nguyễn Thị Oanh đã đáp lại sự tin tưởng, ủng hộ đó của người thân với những thành tích đỉnh cao đáng ngưỡng mộ. Từ giải vô địch quốc gia đến đầu tường khu vực hay quốc tế, Nguyễn Thị Oanh liên tục vượt qua giới hạn của bản thân để thiết lập những thành tích đáng ngưỡng mộ.

Thế nhưng ít ai biết rằng, Nguyễn Thị Oanh từng suýt phải từ bỏ đam mê vì bệnh tật.

Vào năm 2014, khi đang tập luyện Oanh phải rời đội vì bị bệnh viêm cầu thận tưởng như cô đã phải từ giã sự nghiệp. Khi đó Oanh bị sưng phù hết từ cổ đến mặt. Cô phải nhập viện điều trị, sau đó phải dừng tập hoàn toàn, kiêng ăn dầu mỡ, gia vị mặn nên bị thiếu i ốt dẫn đến teo cơ. Vì bị bệnh, Oanh từng có thời gian trầm cảm, tự ti và ngại tiếp xúc với mọi người.

Vậy nhưng sau 6 tháng điều trị, Oanh đã trở lại tập luyện. Chính bản thân cô cũng không thể ngờ rằng 9 năm sau bạo bệnh, mình đã thành tượng đài của điền kinh Việt Nam và Đông Nam Á.

Vận động viên đẳng cấp thế giới

Trước thềm Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023, hãng thông tấn AFP Sport (Pháp) chọn ra một số ngôi sao đẳng cấp thế giới có thể sẽ tỏa sáng ở sự kiện này, trong đó có 2 vận động viên của Việt Nam và chân chạy Nguyễn Thị Oanh vinh dự góp mặt trong danh sách của AFP Sport.

Với việc giành 2 tấm HCV vào tối ngày 9/5, chiến tích của Nguyễn Thị Oanh tiếp tục được AFP ngưỡng mộ. Hãng tin này bình luận: "Một ngôi sao điền kinh của Việt Nam đã xuất sắc giành hai HCV nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ. Đó là những phần thi oai hùng, cho thấy sự thống trị của cô ở khu vực Đông Nam Á."

Niềm hạnh phúc của cô gái Bắc Giang trên bục nhận huy chuơng vào buổi tối ngày 9/5. Ảnh: Người lao động

Niềm hạnh phúc của cô gái Bắc Giang trên bục nhận huy chuơng vào buổi tối ngày 9/5. Ảnh: Người lao động

Tính đến thời điểm này, Nguyễn Thị Oanh đã giành tổng cộng 11 HCV và 1 HCB ở các kỳ SEA Games. Cụ thể, năm 2013, VĐV quê Bắc Giang giành HCB nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Năm 2017, Oanh giành HCV nội dung 1.500m và 5.000m.

Trên đất Philippines năm 2019, Nguyễn Thị Oanh đoạt 3 HCV nội dung 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật. Ở SEA Games 31 và 32, "Cô bé hạt tiêu" đều giành HCV ở các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật.

Đáng chú ý tại kỳ SEA Games lần này, cô gái quê Bắc Giang phải thi đấu 3.000 m chướng ngại vật và 5.000 m chung một ngày. Nhưng rồi, Oanh khiến tất cả phải nể phục khi giành cả 2 tấm HCV, trong đó phá kỷ lục SEA Games 3.000m vượt chướng ngại vật vào buổi tối với thành tích 10 phút 00 giây 02, nhanh hơn kỷ lục cũ 0,56 giây do Rini Budiarti (Indonesia) lập được ở SEA Games 26.

Đặc biệt, ở kỳ SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam - Nguyễn Thị Oanh tiếp tục xuất sắc phá kỷ lục SEA Games ở cùng nội dung này với 9 phút 52 giây 46.

Ở ASIAD 18 diễn ra tại Jarkarta, Indonesia năm 2018, Nguyễn Thị Oanh đoạt HCĐ nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Oanh cũng từng giành HCV nội dung chạy băng đồng đồng đội và HCB nội dung chạy băng đồng cá nhân ở Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á năm 2016 tại Đà Nẵng.

Có thể thấy, câu chuyện của Nguyễn Thị Oanh là nguồn cảm hứng lớn cho bao bạn trẻ vẫn đang miệt mài theo đuổi ước mơ. Dù hoàn cảnh khó khăn, Oanh vẫn không chùn bước, để đi đến đỉnh cao. "Hào quang rực rỡ" của Nguyễn Thị Oanh thật sự đáng tự hào và trân trọng.

Như Hoa (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-it-biet-ve-nguyen-thi-oanh-nhan-luong-chi-7-trieu-dong-thang-suyt-phai-tu-bo-dam-me-vi-benh-tat-169230510111943295.htm