Điều 'mắt thấy tai nghe' tại một khách sạn ở Cao Bằng, cần nhân rộng

Gối ôm có hình thác Bản Giốc hay tranh lớn Thiên Nhãn Sơn trong phòng khách... của một khách sạn ở Cao Bằng tạo dấu ấn khó quên trong lòng du khách và đó cũng là cách giáo dục, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước từ những điều tưởng chừng rất nhỏ.

Hình ảnh thác Bản Giốc ở Cao Bằng trên gối nằm của khách sạn - Ảnh: Nguyễn Mỹ

Hình ảnh thác Bản Giốc ở Cao Bằng trên gối nằm của khách sạn - Ảnh: Nguyễn Mỹ

Tôi vừa tham gia đoàn khảo sát kết nối du lịch TP.HCM với 8 tỉnh Đông Bắc: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh từ 20 – 26.7.2020. Chương trình dày đặc, làm việc khẩn trương với nhiều điểm đến mới, nhiều nét lạ bất ngờ.

Ấn tượng nhất với tôi là một chuyện nhỏ ở Cao Bằng. Tối 22.7, đoàn nghỉ đêm ở S.T; khách sạn 2 sao cạnh chợ Sông Bằng. Đập vào mắt du khách là bức ảnh phóng lớn cảnh ngọn núi lạ, độc nhất vô nhị ở Việt Nam nằm trong quần thể hồ Thang Hen (Trà Lĩnh, Cao Bằng) của công viên địa chất toàn cầu.

Dân bản địa gọi là núi Thủng vì ngọn núi có nguyên lỗ tròn chính giữa. Dân phượt gọi là Núi Mắt Thần. Dân du lịch chuyên nghiệp gọi là Thiên Nhãn Sơn. Tấm hình lớn ngay phòng lễ tân tạo dấu ấn cho du khách khi vào khách sạn. Ai cũng tò mò, hỏi thăm đường để đến tham quan và check in. Một cách tiếp thị, quảng bá trực quan, rất hiệu quả và ít tốn kém.

Bức tranh Thiên Nhãn Sơn lớn của khách sạn

Bức tranh Thiên Nhãn Sơn lớn của khách sạn

Lên phòng, khách càng ngạc nhiên. Hành lang có hình lớn của thác Bản Giốc. Dễ thương nhất là hình ảnh ngọn thác hùng vĩ lớn nhất Việt Nam và ASEAN, lớn thứ 4 (có tài liệu ghi thứ 2) thác biên giới các quốc gia; được in trên hai mặt gối ngủ. Cùng với Hoàng Sa, Trường Sa; với người Việt, thác Bản Giốc là biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền lãnh thổ.

Gối đầu lên thác Bản Giốc hay ôm thác vào lòng, nghe trào dâng cảm xúc; ngủ ngon và sâu hơn với những giấc mơ đẹp. Hình ảnh Thiên Nhãn Sơn và thác Bản Giốc, thay lời muốn nói của người dân Cao Bằng, tự hào về quê hương của mình.

Hình ảnh thác Bản Giốc ngoài đời và in trên gối nằm

Hình ảnh thác Bản Giốc ngoài đời và in trên gối nằm

Từ chuyện nhỏ ở Cao Bằng, tôi liên tưởng đến những cuốn thư để trên bàn làm việc của từng cá nhân; đặc biệt là phòng khách và hội trường các cơ quan của người Việt. bên cạnh “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” (Hồ Chí Minh) là bài thơ Thần tương truyền từ thời Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên phận định tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

“Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân,

Điếu phạt chi sư mạc tiên khử bạo”

hay "Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn,

Dĩ chí nhân nhi dị cường bạo".

(Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi, 1380 - 1442).

Hay “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (đáp trả của sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh, 1573 -1638, trước câu đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” của Minh Tư Tông Chu Do Kiểm – Sùng Trinh). “Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Nguyễn Huệ - Quang Trung, 1753 - 1792) …

Việc làm đơn giản, thiết thực này cần được nhân rộng. Danh thắng, di tích, cảnh đẹp địa phương cần sáng tạo thành sản phẩm du lịch. Từ trang trí nội thất nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…đến quà lưu niệm và cả pa nô quảng cáo đường phố. Cách làm này không chỉ PR du lịch hiệu quả mà còn thiết thục giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy lòng từ hào dân tộc Việt khắp năm châu.

Mình phải yêu quê mình đủ, mới có thể có thêm bạn bè chí cốt và kéo khách du lịch đến.

Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tour)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-loi-song-c-184/du-lich-c-211/dieu-mat-thay-tai-nghe-tai-mot-khach-san-o-cao-bang-can-nhan-rong-142235.html