Điều tiết chi trả dịch vụ môi trường rừng
ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) góp phần cải thiện cuộc sống và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, do mức quy định về đơn giá chi trả bình quân trên 1ha rừng giữa các lưu vực nhà máy thủy điện có sự chênh lệch lớn khiến người dân so bì quyền lợi, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Người dân xã Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Văn Tâm
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 lưu vực: sông Đà và sông Mã được chi trả DVMTR do nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam chuyển về. Trong đó, lưu vực sông Đà có 3 nhà máy thủy điện lớn gồm: Thủy điện Lai Châu, thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình và nhà máy nước Vinaconex, vì vậy mức chi trả dịch vụ môi trường rừng cao. Đơn giá tính tiền chi trả DVMTR 1ha rừng thuộc lưu vực sông Đà bình quân hơn 500.000 đồng/ha/năm. Đặc biệt từ năm 2016 khi Nhà máy Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động thì đơn giá cho 1ha rừng thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Lai Châu đủ điều kiện cung ứng DVMTR tăng lên mức 822.703 đồng/ha/năm. Trong khi đó, diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã gồm nhà máy thủy điện Bá Thước 1, thủy điện Bá Thước 2, số tiền chi trả trên một đơn vị diện tích rừng rất thấp. Nguyên nhân do lưu vực nhà máy thủy điện này nằm trên diện tích nhiều tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa) nên số tiền DVMTR phải chuyển trả cho nhiều chủ rừng. Đơn giá chi trả tiền DVMTR lưu vực sông Mã của tỉnh trong những năm qua chỉ dao động từ 5 - 8 nghìn đồng/ha. Cụ thể, năm 2013 có đơn giá 6.024 đồng/ha, năm 2014 là 5.684 đồng/ha, đến năm 2017 có đơn giá 5.473 đồng/ha.
Với sự chênh lệch lớn như vậy, một số chủ rừng thuộc lưu vực sông Mã có sự so sánh với lưu vực sông Đà địa bàn các huyện Điện Biên Đông, Mường Ảng, Điện Biên không nhận tiền chi trả DVMTR. Thậm chí những năm trước, có huyện còn không dám triển khai nghiệm thu để chi trả tiền cho người dân vì số tiền quá thấp, sợ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Với đơn giá trung bình khoảng 6.000 đồng/ha, chủ rừng bảo vệ và phát triển 1ha - 2ha rừng thì một năm chỉ nhận được từ 6 - 12 nghìn đồng. Trong khi đó, từ nhà ra trung tâm xã nhận tiền phải mất vài tiếng đồng hồ hoặc nửa ngày, nên nhiều chủ rừng không muốn đi nhận tiền.
Để khắc phục tình trạng chênh lệch trên, từ năm 2019 (chi trả cho năm 2018), căn cứ diện tích rừng thực tế được chi trả DVMTR và số tiền thực thu thuộc lưu vực sông Đà, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chia đơn giá chi trả DVMTR. Theo tính toán, đối với 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ có đơn giá lớn hơn gấp 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho công tác khoán bảo vệ rừng (theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ, mức hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên là 400.000đồng/ha/năm đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn). Vì vậy, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn, hàng năm UBND tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp. Năm 2019, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc điều tiết tiền DVMTR năm 2018 từ lưu vực sông Đà sang lưu vực sông Mã và lưu vực nhà máy nước TP. Điện Biên Phủ với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng chi trả cho lưu vực sông Mã trên địa bàn các huyện Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên và lưu vực Nhà máy nước TP. Điện Biên Phủ. Đồng thời, UBND tỉnh quyết định điều tiết trên 34 tỷ đồng từ nguồn chưa xác định được đối tượng nhận tiền DVMTR năm 2019 để bổ sung đơn giá cho các khu vực: Nhà máy nước, nhà máy thủy điện nội tỉnh và lưu vực Sông Mã, Sông Đà; lưu vực nhà máy nước TP. Điện Biên Phủ, Tuần Giáo; lưu vực nhà máy Thủy điện Nà Lơi, Thác Bay.
Huyện Điện Biên Đông là một trong những địa bàn có 100% diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR thuộc lưu vực sông Mã. Ông Nguyễn Trung Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Điện Biên Đông cho biết: Trước đây, người dân gần như không mặn mà với việc nhận nguồn tiền này, cũng vì lẽ đó mà ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của người dân có phần hạn chế. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay khi mức chi trả được điều tiết, nâng từ dưới 6.000 đồng lên hơn 400.000 đồng/ha/năm, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân đã chuyển biến rõ rệt. Nhiều chủ rừng đã cam kết bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, tiếp tục khoanh nuôi tái sinh rừng, đồng thời tích cực đăng ký trồng rừng tại các khu đất trống, đồi trọc, nương bạc màu. Năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả cho 327 chủ rừng 6,6 tỷ đồng (gồm 137 cộng đồng thôn, bản và 190 hộ gia đình) với tổng diện tích là hơn 15,4ha.