Điều trớ trêu đối với Iran

Cách đây một thập kỷ, LHQ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, theo đó cấm quốc gia này mua sắm các loại vũ khí từ nước ngoài như xe tăng và máy bay chiến đấu. Ngày 18-10 vừa qua, lệnh cấm này đã hết hạn theo đúng nội dung thỏa thuận mà Tehran ký với các cường quốc năm 2015.

Dù Iran khẳng định chưa có kế hoạch chi tiêu mạnh tay cho vũ khí song trên lý thuyết, Tehran có thể mua các loại vũ khí mới để tân trang và nâng cấp lực lượng được hình thành từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 và thậm chí là xuất khẩu phụ tùng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế Iran vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các đòn trừng phạt quy mô của Mỹ và nhiều quốc gia có thể sẽ tránh xúc tiến các hợp đồng vũ khí với Tehran do lo ngại bị Mỹ tung các đòn trả đũa tài chính.

Iran hoan nghênh việc chấm dứt lệnh cấm vận là “thời khắc quan trọng của cộng đồng quốc tế… trong việc chống lại những toan tính của chế độ Mỹ.” Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump cho rằng việc lệnh cấm vận hết hạn hay chưa vẫn còn là điều phải bàn xem bởi Mỹ đã tái áp đặt toàn bộ các đòn trừng phạt với Iran, kể cả lệnh cấm vận vũ khí bằng việc vận dụng một điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Trump từng rút lui từ năm 2018. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Mỹ dự định vận dụng các quyền hạn nội địa của mình để trừng phạt mọi cá nhân và thực thể có đóng góp cho việc cung cấp, bán, hoặc vận chuyển vũ khí truyền thống tới và ra khỏi Iran, cũng như những ai cung cấp các hỗ trợ về tài chính, huấn luyện kỹ thuật và các dịch vụ, cùng những viện trợ liên quan tới các loại vũ khí này.”

Hoạt động mua sắm vũ khí của Iran đã được cởi trói. Ảnh tư liệu

Hoạt động mua sắm vũ khí của Iran đã được cởi trói. Ảnh tư liệu

Lệnh cấm vận hết hạn vào ngày 18-10 thực tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến quyết định mà Mỹ đưa ra hồi tháng trước là khôi phục các đòn trừng phạt với Iran. Mỹ khi đó không thể thuyết phục HĐBA LHQ gia hạn lệnh cấm vận và thậm chí còn bị bẽ mặt khi trở thành quốc gia duy nhất trong hội đồng 15 thành viên ủng hộ việc tiếp tục cấm vận Iran. Trước thất bại này, chính quyền Trump tuyên bố khôi phục cơ chế trừng phạt được nêu lên trong nghị quyết của HĐBA. Trong khi đó, các thành viên còn lại cho rằng Mỹ không còn quyền thực thi cơ chế này bởi chính quyền Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận.

Năm 2019, cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ dự báo rằng, nếu lệnh cấm vận chấm dứt, Iran nhiều khả năng sẽ mua các máy bay chiến đấu Su-30, máy bay huấn luyện Yak-130 và xe tăng T-90 của Nga, thậm chí là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và hệ thống phòng thủ bờ biển Bastian. Trung Quốc cũng có thể bán cho Iran nhiều loại khí tài mà nước này sản xuất. Tháng 9 vừa qua Moscow tuyên bố đã sẵn sàng thúc đẩy hợp tác quân sự với Iran trong khi Bắc Kinh cũng bày tỏ mong muốn bán vũ khí cho Tehran sau thời điểm 18-10.

Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia và nhà phân tích, nhiều khả năng cả những quốc gia như Nga và Trung Quốc, dù phản đối chiến dịch “gây áp lực tối đa” mà Mỹ nhằm vào Iran, cũng sẽ chần chừ bán vũ khí cho Iran. Áp lực từ Mỹ cùng những cân nhắc địa chính trị, trong đó có cả mối quan hệ của Moscow và Bắc Kinh với các nước vùng Vịnh có ngân sách quốc phòng cao hơn Iran, có thể là những yếu tố dẫn tới tâm lý này. Oliver Meier, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách An ninh và Nghiên cứu hòa bình, nói: “Trớ trêu là việc lệnh cấm vận vũ khí hết hạn sẽ không có nhiều tác động đến các giao dịch vũ khí truyền thống… Hầu hết các nhà cung cấp vũ khí cho Iran vẫn sẽ tiếp tục các chính sách xuất khẩu vũ khí hạn chế của mình”.

Henry Rome - nhà phân tích chuyên về các vấn đề Iran tại Tổ chức Á-Âu ở Washington - cho rằng Nga và Trung Quốc có thể sẽ xúc tiến đàm phán về các thương vụ bán vũ khí cho Iran song mọi chuyện sẽ không diễn ra trong ngắn hạn. Ông nói: “Nga và Trung Quốc có thể sẽ tiến hành các cuộc đàm phán về vũ khí với Iran trong trung hạn để cân nhắc kỹ các hợp đồng và cũng là để đánh tiếng với Mỹ rằng mọi tính toán đều được căn cứ sau khi lệnh cấm vận đã hết hạn… Mọi chuyện nhiều khả năng sẽ được duy trì ở trạng thái chờ cho đến khi kết quả bầu cử Mỹ ngã ngũ… Họ cũng sẽ phải tính đến những lợi ích địa chính trị của các nước vùng Vịnh khác, những quốc gia chắc chắn sẽ không hài lòng với nguồn vũ khí ồ ạt dồn vào cho Tehran… Và tất nhiên Iran cũng khó có thể đảm bảo nguồn tài chính cho việc mua sắm này, một rủi ro cần lưu ý đối với các nhà buôn.”

Trên thực tế, Iran từ lâu vẫn tụt hậu hơn so với các nước vùng Vịnh được Mỹ chống lưng như Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), các nước đã mua hàng tỷ USD những loại vũ khí tân tiến của Mỹ. Để đáp trả, Tehran chuyển hướng sang việc tự phát triển các loại tên lửa đạn đạo. Lệnh cấm vận của LHQ về cơ bản cũng không thể ngăn Iran chuyển vũ khí, từ các loại đạn dược cho tới tên lửa đạn đạo tới quân nổi dậy Houthi ở Yemen. Tehran phủ nhận việc vũ trang cho Houthi song các chính phủ phương Tây và nhiều chuyên gia về vũ khí đã nhiều lần nhấn mạnh mối liên hệ này. Theo nhà nghiên cứu Oliver Meier, sau thất bại của Mỹ tại HĐBA, cộng đồng quốc tế cần làm việc cùng nhau để khôi phục sự thống nhất của cơ quan này và thúc đẩy một sự đồng thuận về hoạt động xuất khẩu vũ khí cho Iran cũng như các nước Trung Đông khác.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dieu-tro-treu-doi-voi-iran-214472.html