Định hình mảnh ghép cuối cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam
Lời mở đầu: Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR (9/5/2008 - 9/5/2023), PetroTimes.vn xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các tuyến bài về quá trình hình thành, triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất - NMLD đầu tiên của Việt Nam và quá trình hình thành, phát triển BSR - Đơn vị được thành lập với trọng trách tiếp nhận, vận hành, quản lý NMLD Dung Quất.
Phát triển ngành công nghiệp lọc - hóa dầu là chủ trương đã có từ lâu của Đảng, Nhà nước. Việc đầu tư xây dựng NMLD cho phép Việt Nam chế biến dầu thô trong nước, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trong ngành Dầu khí Việt Nam cũng như trên thế giới, lĩnh vực lọc, hóa dầu là miếng ghép cuối cùng để hoàn thiện các cơ cấu của ngành từ khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Nếu như khâu thượng nguồn là các lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác; khâu trung nguồn là vận chuyển, tàng trữ, phân phối thì khâu hạ nguồn là việc đưa các sản phẩm dầu, khí trực tiếp vào cuộc sống. Nếu không có NMLD thì sau khi khai thác được dầu thô, chúng ta sẽ phải bán cho các nước có ngành lọc, hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng, dầu diesel… đã được lọc từ họ. Còn đối với lĩnh vực hóa dầu là hàng loạt những sản phẩm như đạm, tơ nhân tạo, cao su nhân tạo và hơn 2.000 sản phẩm khác. Việc “bán thô, mua tinh” này sẽ gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án xây dựng NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí có ý nghĩa hết sức to lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung. Việc đầu tư xây dựng NMLD Dung Quất cho phép chúng ta chế biến dầu thô trong nước, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Năm 2008, trước khi NMLD Dung Quất đi vào hoạt động, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 13 triệu tấn. Năm 2022 nhu cầu tiêu thụ trong nước là gần 21 triệu tấn, dự báo tiếp tục tăng 25 triệu tấn/năm vào năm 2025 và 33 triệu tấn/năm vào năm 2030. Theo tính toán, NMLD Dung Quất khi đi vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/năm, sẽ đáp ứng được trên 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước.
NMLD Dung Quất được xây dựng tại địa bàn hai xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trong quy hoạch của Khu kinh tế Dung Quất với hệ thống cảng biển nước sâu và vịnh kín gió, đã tạo nên một vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khu vực này sau khi được đầu tư và phát triển sẽ có vai trò rất quan trọng trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng như giao lưu và hội nhập kinh tế.
Ngay từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, sau khi có những hợp tác quan trọng với Liên Xô về lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam, Chính phủ đã chủ trương hình thành một chiến lược xây dựng ngành công nghiệp lọc - hóa dầu để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Dự án Liên hợp lọc - hóa dầu đầu tiên được hình thành năm 1977 do Công ty Beicip của Pháp thực hiện trên cơ sở nguồn tài trợ từ Quỹ UNICO, dự kiến đặt tại Nghi Sơn - Thanh Hóa với công suất 6 triệu tấn/năm, sản xuất nhiên liệu và một số loại sản phẩm hóa dầu. Năm 1979, dự án đã dừng lại vì gặp khó khăn về nguồn vốn.
Đầu những năm 1980, theo Hiệp định hợp tác Kinh tế - Khoa học kỹ thuật giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô, hai bên đã thống nhất địa điểm xây dựng khu Liên hợp lọc - hóa dầu tại thành Tuy Hạ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khu Liên hợp lọc - hóa dầu dự kiến được đầu tư xây dựng trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 NMLD với 1 dây chuyền chế biến dầu thô công suất 3 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 dự kiến đầu tư thêm 1 dây chuyền chế biến dầu thô để nâng công suất lọc dầu lên 6 triệu tấn/năm và hình thành 1 khu hóa dầu sản xuất chất dẻo, sợi tổng hợp và 1 dây chuyển sản xuất phân đạm (urê). Tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn vào khoảng 3 tỷ rúp chuyển nhượng.
Năm 1986, Viện Nghiên cứu thiết kế lọc hóa dầu Liên Xô đã hoàn thành việc lập Luận chứng nghiên cứu khả thi. Đầu những năm 1990, việc giải phóng một phần của 3.000 ha mặt bằng và khảo sát địa chất sơ bộ, chuẩn bị các điều kiện phụ trợ để xây dựng khu liên hợp đã được phía Việt Nam tiến hành. Lúc này, phía Liên Xô cũng đã thực hiện xong thiết kế cơ sở và chuẩn bị các điều kiện đầu tư cho dự án. Tuy nhiên do tình hình chính trị và thể chế của Liên Xô thay đổi nên dự án khu Liên hợp lọc - hóa dầu tại thành Tuy Hạ không tiếp tục triển khai được theo hướng ban đầu.
(Còn tiếp)