Định hình tương lai ngân hàng số an toàn và hiệu quả

Tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 với chủ đề: 'Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững', Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành Ngân hàng hiện nay rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được.

“Mở đường” áp dụng các công nghệ mới

Đơn cử, mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021; mới đây nhất từ ngày 1/10/2024 chỉ cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn… Về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Phó Thống đốc cho biết, sau khi quy định mới có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn giữ vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế như tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông… “Kết nối và tích hợp là điểm sáng mà ngành Ngân hàng đã làm được”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Nhờ việc mở đường về mặt pháp lý, hiện ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa, đặc biệt là tận dụng sức mạnh của dữ liệu. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhiều TCTD đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…

“Toàn Ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các TCTD, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin thêm. Ngoài ra, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã mang đến khả năng phân tích dữ liệu một cách chi tiết và nhanh chóng. Những công nghệ hiện đại này giúp tạo ra những thông tin giá trị và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp nhất. Trong đó, ứng dụng AI đã trở thành xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới; hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày.

Những “trái ngọt” của quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng có thể đo đếm bằng những con số cụ thể. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN thông tin, đến thời điểm hiện nay, bình quân toàn ngành có 80% công việc của ngân hàng được xử lý trên kênh số, khoảng 66% số lượng giao dịch được thực hiện trên kênh số… Có những TCTD 95% giao dịch được thực hiện trên kênh số, số lượng khách hàng thực hiện giao dịch điện tử ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng của TTKDTM ngày càng mạnh mẽ thể hiện qua các con số tích cực. Tới tháng 8/2024, TTKDTM tăng trên 58% về số lượng và 36% về giá trị so với cuối năm 2023. Cùng với đó, số lượng giao dịch trên ATM giảm 13,12% về số lượng và 5,52% về giá trị trong 8 tháng năm 2024, lượng POS được lắp đặt tăng trên 45%.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

An toàn, bảo mật vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu

Bên cạnh những thành tựu, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ ra các thách thức ngày càng lớn về an ninh, an toàn thông tin, nhất là khi các cuộc tấn công mạng có chủ đích nhằm vào hệ thống ngân hàng và các thủ đoạn lừa đảo khách hàng đang gia tăng. Ông Hùng cho rằng, ngành Ngân hàng cần không ngừng nâng cao các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, đồng thời tăng cường ý thức bảo mật cho khách hàng trong giao dịch trực tuyến. Đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố cốt lõi để ngành Ngân hàng phát triển bền vững trong thời đại số.

Là ngân hàng đang có hơn 98% giao dịch diễn ra trên nền tảng số, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, điều này đòi hỏi ngân hàng phải xây dựng một hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, đảm bảo an toàn và vận hành ổn định. Khi lượng giao dịch số tăng cao, ngân hàng phải đối mặt với áp lực lớn về bảo mật thông tin. Do đó, TPBank không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng mạnh mà còn tập trung bảo vệ khách hàng khi thực hiện giao dịch qua các ứng dụng di động và nền tảng số của ngân hàng.

Theo ông Hưng, trong bối cảnh môi trường số, các tội phạm mạng ngày càng tinh vi, không chỉ nhắm vào hệ thống ngân hàng mà còn tấn công vào từng khách hàng. “Ngoài bảo vệ hệ thống, chúng tôi không ngừng cảnh báo, hướng dẫn khách hàng cách bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ mật khẩu, mã OTP với bất kỳ ai. Đây là thách thức không chỉ riêng TPBank mà của toàn ngành Ngân hàng”, ông Hưng chia sẻ và cho biết thêm, ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai công nghệ sinh trắc học và xác thực căn cước công dân gắn chip để nâng cao an toàn cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng. Sinh trắc học sẽ tạo ra phương thức xác thực độc nhất, tăng cường bảo mật và giúp khách hàng an tâm hơn khi giao dịch qua kênh số.

Nhấn mạnh về công nghệ AI, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, VietinBank đã ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả làm việc và tối ưu chi phí vận hành. Theo ông, AI không chỉ giúp giảm bớt thời gian đào tạo mà còn hỗ trợ các quy trình tự động trong nội bộ ngân hàng.

Ngân hàng cũng triển khai hệ thống chatbot AI giúp nhân viên tiếp cận quy trình và tài liệu nội bộ nhanh chóng. Điều này đặc biệt hữu ích với các nhân viên mới, khi phải tiếp cận khối lượng tài liệu khổng lồ của ngân hàng. Bên cạnh đó, AI còn là công cụ đắc lực giúp VietinBank phân tích hành vi khách hàng và cá nhân hóa dịch vụ.

Về bảo mật, AI không chỉ tăng cường bảo mật mà còn giúp VietinBank tùy biến hệ thống dễ dàng khi có thay đổi công nghệ hoặc yêu cầu mới từ khách hàng. “Trước đây, việc điều chỉnh hệ thống rất mất thời gian, nhưng nhờ AI, chúng tôi có thể phản ứng nhanh, từ đó cải thiện dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”, ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ thêm.

Trong thời gian tới về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành Ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong thực hiện Đề án 06 để vận dụng các kết quả của đề án này vào quá trình chuyển đổi số của Ngành. Đồng thời, tiếp tục không ngừng nâng cao năng lực an toàn bảo mật của hệ thống ngân hàng và coi đây là ưu tiên hàng đầu.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dinh-hinh-tuong-lai-ngan-hang-so-an-toan-va-hieu-qua-157247.html