Định kiến với người làm việc tại nhà

96% CEO được hỏi tại Mỹ nói họ đánh giá cao nhân viên ngồi tại văn phòng hơn người làm việc từ xa, dù một khảo sát khác đã cho thấy nhân viên làm việc năng suất hơn khi ở nhà.

 Những nhân viên làm việc ở văn phòng được sếp ưu ái hơn. Ảnh: ETHRWorld.

Những nhân viên làm việc ở văn phòng được sếp ưu ái hơn. Ảnh: ETHRWorld.

Theo CNBC Make It, khi ngày càng nhiều công ty áp dụng hình thức làm việc kết hợp với 2 nhóm nhân viên tại văn phòng và từ xa, một câu hỏi đã được đặt ra là: "Việc gặp mặt trực tiếp với sếp và đồng nghiệp có còn quan trọng hay không?".

Dựa trên báo cáo ngày 27/9 của nền tảng làm việc Envoy từ kết quả khảo sát 1.000 nhân viên và 250 giám đốc điều hành ở Mỹ, CNBC Make It nhận định việc gặp mặt trực tiếp với sếp và đồng nghiệp vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

Trong một diễn biến liên quan, khảo sát gần đây của Microsoft trên 20.000 người từ 11 quốc gia đã tiết lộ rằng trên thực tế, mọi người làm việc nhiều hơn khi ở nhà nhưng các sếp vẫn hoài nghi về độ hiệu quả của nhân viên.

Sếp đang thiên vị những nhân viên làm việc ở văn phòng?

Kết quả khảo sát của Envoy cho thấy khoảng 96% giám đốc điều hành nói rằng họ chú ý và đánh giá cao những đóng góp của nhân viên làm việc ở văn phòng nhiều hơn so với nhân viên làm việc từ xa.

Cũng theo khảo sát này, Envoy ghi nhận có 8% sếp nữ chú ý đến những đóng góp của nhân viên làm việc từ xa. Trong khi đó, chỉ có 3% sếp nam đồng quan điểm này.

Về phía nhân viên, 42% người lao động tham gia khảo sát tin rằng sếp chú ý đến những đóng góp từ xa của họ tương đương với khi họ làm việc trực tiếp ở văn phòng.

Ngược lại, 73% nhân viên Gen Z nhận thấy những đóng góp tại chỗ của họ sẽ được sếp chú ý nhiều hơn. 56% nhân viên thuộc các thế hệ khác cũng đồng ý với quan điểm này.

Chia sẻ với CNBC Make It, bà Annette Reavis - Giám đốc nhân sự của Envoy - nhận định trường hợp lãnh đạo ưu tiên nhân viên có mặt tại văn phòng thường xuyên để tạo điều kiện thăng chức, tăng lương là có thật.

Cũng theo bà Annette Reavis, khi các công ty quay trở lại làm việc trực tiếp ở văn phòng (sau đại Covid-19), sự thiên vị này sẽ "trở nên tồi tệ hơn". Nó có thể bao gồm việc sếp vô tình loại trừ nhân viên ở xa ra khỏi các cuộc họp được tổ chức tại văn phòng; hay sếp đưa các dự án tạo cơ hội phát triển cho nhân viên tại chỗ trước.

Bà Annette Reavis nhận định vẫn còn quá sớm để nói về tác động lâu dài của sự thiên vị nêu trên. Tuy nhiên, bà lo ngại sự nghiệp của nhân viên ở xa có thể bị ảnh hưởng nếu hầu hết đồng nghiệp của họ ở trong văn phòng làm việc.

"Mọi người đang chọn làm việc từ xa với kỳ vọng rằng sự nghiệp của họ sẽ phát triển cùng tốc độ với các đồng nghiệp ở văn phòng. Nếu sự thiên vị này vẫn tiếp diễn, nó có thể làm hỏng sự thăng tiến trong sự nghiệp của họ mà họ không hiểu tại sao", bà Reavis nói.

 Sự thiên vị của sếp với những nhân viên làm việc tại văn phòng có thể làm hỏng cơ hội thăng tiến của nhân viên ở xa. Ảnh: HubSpot Blog.

Sự thiên vị của sếp với những nhân viên làm việc tại văn phòng có thể làm hỏng cơ hội thăng tiến của nhân viên ở xa. Ảnh: HubSpot Blog.

Nhân viên làm việc từ xa nên chống lại sự thiên vị của sếp

Đối với vấn đề trên, bà Annette Reavis cho biết để giảm bớt sự thiên vị giữa các nhân viên, bản thân nhà lãnh đạo cần xem xét khả năng, nhu cầu của nhân viên làm việc từ xa và lưu tâm đến những đóng góp của tất cả nhân viên cho dù họ làm việc ở đâu.

Bà Reavis khuyến khích các nhà quản lý thiết lập quy trình đánh giá hiệu suất làm việc và tiền lương công bằng dựa trên các mục tiêu và chỉ số rõ ràng; mà cả nhân viên trực tiếp và từ xa đều có thể đạt được.

Để nhân viên làm việc từ xa không cảm thấy "bị bỏ rơi", nữ giám đốc nhân sự của Envoy khuyên các nhà quản lý đặt thời gian bắt đầu và kết thúc cuộc họp rõ ràng. Nếu có vấn đề phát sinh, các nhà quản lý cũng cần có trách nhiệm gọi nhân viên từ xa để họ tham gia.

Về phía nhân viên, ông Johnny C. Taylor Jr - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Quản lý nguồn nhân lực (SHRM) - cho rằng người lao động cũng cần áp dụng quy tắc tương tự với đồng nghiệp ở xa của họ.

"Đôi khi chúng ta quên rằng mình có những đồng nghiệp đang làm việc từ xa. Vì vậy, các nhà quản lý và nhân viên cần phải để ý đến việc tập thể của họ còn có những đồng nghiệp/nhân viên này", ông Johnny C. Taylor Jr nói.

Trước các cuộc họp với đồng nghiệp, ông Taylor thường viết lời nhắc vào ghi chú và dán nó trên máy tính của mình. Việc làm này là để ông nhắc nhở bản thân đánh dấu ghi nhận đóng góp tích cực của những đồng nghiệp làm việc từ xa hoặc hỏi một trong số họ các câu hỏi liên quan.

Theo ông Taylor, những nhân viên làm việc từ xa cũng có thể chống lại sự thiên vị của sếp bằng cách lên lịch cho các buổi "cà phê ảo" cùng đồng nghiệp (vào mỗi tuần hoặc mỗi tháng).

Bên cạnh đó, nhân viên làm việc từ xa cũng nên giới thiệu bản thân với cấp trên qua email và chia sẻ những gì đang làm để nhận được sự đánh giá xứng đáng.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dinh-kien-voi-nguoi-lam-viec-tai-nha-post1367092.html